Với các giám định viên Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an), mỗi dấu vết thu thập được đều “biết nói”, mà đôi khi chỉ từ những dấu vết nhỏ nhặt này đã giúp tìm ra hung thủ của vụ án một cách thần kỳ, đưa vụ án tưởng chừng như bế tắc, không lối thoát ra ánh sáng công lý…
Pháp y không chỉ có... tử thi
30 năm gắn bó với công việc bác sĩ pháp y, Đại tá Đào Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Pháp y (gọi tắt là Trung tâm) thuộc Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an tâm sự, cùng là bác sĩ nhưng sứ mệnh của các bác sĩ pháp y lại làm những công việc quá đặc biệt, đòi hỏi kiến thức sâu rộng, sự phát hiện và tìm tòi không ngừng…
Những người trụ lại được với nghề cũng là những người bản lĩnh nhất bởi đã từng có một thời gian dài, Trung tâm không thể tuyển được người. Hiện nay, Trung tâm có 20 cán bộ, trong đó có 12 bác sĩ, (10 bác sĩ được công nhận là giám định viên) nhưng phải đảm bảo giải quyết hầu hết các công việc với đủ thể loại.
Tính riêng năm 2015, Trung tâm đã tiến hành giám định 1.200 vụ, một con số khổng lồ so với số lượng nhân lực của Trung tâm này. Người ít, số lượng công việc nhiều nhưng các cán bộ của Trung tâm gần như lúc nào cũng ở tình thế “sẵn sàng chi viện” cho các địa phương. Ngoài ra còn phải kể đến việc Trung tâm lúc nào cũng có một ekip thay nhau vào làm việc tại Phân viện Đà Nẵng để giúp giải quyết các vụ án ở miền Trung, Tây Nguyên từ những ngày đầu mới thành lập tới nay.
Vất vả, khó nhọc và làm việc với một cường độ lớn như thế nhưng những cán bộ của Trung tâm không muốn kể khổ khi chúng tôi mong muốn được chia sẻ những khó khăn, vất vả cùng họ. Thượng tá Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm khẳng định: “Nghề nào cũng có nỗi khổ và vất vả riêng, chúng tôi muốn mọi người hiểu, cảm thông và ghi nhận sự đóng góp của mình trong mỗi vụ án. Qua đây chúng tôi cũng muốn mọi người hiểu rõ hơn, giám định pháp y không chỉ có giám định tử thi”.
Tiếp lời Thượng tá Sơn, Đại tá Tuấn cho biết, giám định pháp y tử thi là gốc của pháp y nhưng đó không phải là tất cả công việc pháp y. Bởi giám định pháp y bao gồm rất nhiều lĩnh vực: Ngoài giám định pháp y tử thi còn có giám định pháp y đối với người sống, và mặt mạnh của pháp y công an là xác định cơ chế hình thành dấu vết thương tích, điều mà các trung tâm pháp y khác không thực hiện được do không có khả năng giám định.
Ngoài ra, Trung tâm còn thực hiện các giám định qua hồ sơ tài liệu pháp y, giám định các vụ xâm hại tình dục, giám định độ tuổi của người; giám định mô bệnh học...
Có nhiều vụ án phức tạp, kéo dài, chỉ đến khi có kết luận của pháp y công an, cơ quan tiến hành tố tụng mới có đủ chứng cứ tin cậy để tiến hành truy tố, xét xử như vụ án Lê Văn Luyện, vụ “cậu” Thủy làm giả hài cốt liệt sĩ, vụ án đồi me (chính là vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn), vụ giết vợ dựng hiện trường giả ở quận Long Biên, Hà Nội, vụ 4 người Trung Quốc chết ở KCN Vũng Áng, Hà Tĩnh...
Hiện nay, Trung tâm đã triển khai được toàn diện các thể loại giám định, được trang bị đầy đủ các phương tiện xét nghiệm như X-quang, điện não, điện tim, siêu âm, xét nghiệm sinh hóa, vi thể. Trong những năm gần đây, số yêu cầu giám định đối với pháp y công an ngày càng tăng, nhiều trường hợp người dân còn đề nghị trưng cầu đích danh pháp y công an giám định.
Đại tá Đào Quốc Tuấn duyệt các kết quả giám định |
Không bỏ qua bất kỳ một milimét hiện trường...
Đại tá Tuấn cho biết, Trung tâm của ông thường được giao làm các vụ án lớn. Mỗi lần tiếp cận hiện trường, các cán bộ của Trung tâm luôn phải quan sát tỉ mỉ, không bỏ qua bất kỳ một milimét hiện trường nào. Chính từ sự quan sát này, nhiều nhận xét đánh giá tại hiện trường đã có thể giúp thu hẹp được hướng điều tra. Và các kết luận tại Viện Khoa học Hình sự có giá trị pháp lý cao, là cơ sở để xử đúng người, đúng tội, xác định rõ các hung thủ trong các vụ án.
Theo quan niệm, đa phần người dân chỉ biết đến Trung tâm như một địa chỉ chuyên giám định tử thi nhưng như chia sẻ của Phó Giám đốc Trần Ngọc Sơn, hiện Trung tâm thực hiện đến 90% các giám định trên người sống như các giám định thương tích, giám định xâm hại tình dục, giám định tuổi, giám định khả năng sinh lý tình dục...
Tuy nhiên, một vấn đề mà các cán bộ Trung tâm giám định Pháp y luôn trăn trở là thông qua các vụ án được phá, góp phần lên tiếng cảnh báo, phòng ngừa tránh các vụ án, vụ việc tương tự có thể xảy ra. Thượng tá Sơn chia sẻ: “Chúng tôi muốn mọi người hiểu rằng, giám định pháp y còn có tác dụng cảnh báo phòng ngừa tội phạm, đặc biệt ngay từ các yếu tố gia đình”. Bởi trong quá trình thực hiện các giám định, nhiều vụ án đau lòng liên quan đến yếu tố gia đình xảy ra khiến cán bộ trung tâm thấy thương xót, đau lòng và cho rằng, nếu được cảnh báo sớm hơn, có thể vụ án đã không xảy ra.
Trong cuộc chiến chống tội phạm, chống lại cái ác, các chuyên gia khoa học hình sự là những chiến sỹ không mặc áo lính, không sử dụng súng đạn mà vũ khí của họ là khoa học kỹ thuật, là tri thức,… và bằng chuyên môn, nghiệp vụ, họ đã làm sáng tỏ biết bao sự thật tưởng chừng như không thể tìm ra. Nếu không có những người như họ thì những vụ án lớn gần đây như vụ án mạng kinh hoàng ở Bình Phước, vụ án ở Nghệ An không thể có kết quả nhanh và chính xác như thế.
Đại tá Tuấn chia sẻ, ở một số trường hợp nhất định, các bác sĩ điều trị còn có cơ hội sửa sai với bệnh nhân, nhưng bác sĩ pháp y thì không thể. Bởi mỗi kết luận của bác sĩ pháp y đưa ra phải tuyệt đối chính xác, vì nó liên quan đến sinh mạng và danh dự của những người liên quan. Do đó, bác sĩ pháp y luôn phải giữ tâm trong sáng, đưa ra những kết quả chính xác và trung thực nhất. Đó chính là phẩm chất y đức của bác sĩ pháp y trên hành trình đưa công bằng và công lý đến với mọi người, cả với người đã chết oan khuất, người đang sống, và đôi khi cả thủ phạm vì giám định có thể kết luận lỗi gây ra của họ là cố ý hay vô ý.
Chúng tôi sẽ tiếp tục kể những câu chuyện và chiến công thầm lặng phá án của bác sỹ - chiến sĩ pháp y CAND trong các số báo sau.