Tấm lòng người Việt đã thuyết phục nhà đầu tư Nhật

Nhân dịp kỉ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 20 năm Nhật Bản dành vốn ODA cho Việt Nam, ông TSUNO Motonori, Trưởng đại diện JICA Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo Pháp luật Việt Nam.

Nhân dịp kỉ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 20 năm Nhật Bản dành vốn ODA cho Việt Nam, ông TSUNO Motonori, Trưởng đại diện JICA Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo Pháp luật Việt Nam.

Thưa ông, trải qua 20 năm, viện trợ ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam xấp xỉ 20 nghìn tỷ yên. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả sử dụng vốn ODA của Việt Nam?

Ông Tsuno Motonori
Ông Tsuno Motonori

- Sau khi nối lại viện trợ ODA vào năm 1992, Nhật Bản trở thành nước cung cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam thông qua hỗ trợ tài chính và hợp tác kỹ thuật, góp phần to lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Việt Nam là quốc gia đối tác quan trọng nhất trong hỗ trợ ODA của Nhật Bản với quy mô hỗ trợ cho Việt Nam luôn ở vị trí đứng đầu trong số các nước trên thế giới tiếp nhận hỗ trợ ODA của Nhật Bản.

Tổng số vốn ODA của Nhật Bản dành cho Việt Nam hàng năm vượt mức 200 tỷ Yên Nhật. Có rất nhiều chuyên viên kỹ thuật của Nhật Bản hiện đang làm việc tại các dự án xây dựng và trang bị cơ sở hạ tầng như giao thông, điện lực. Ngoài ra, còn có hơn 100 chuyên gia và gần 70 tình nguyện viên và tình nguyện viên cao cấp Nhật Bản đang làm việc trên khắp đất nước Việt Nam để hợp tác hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y tế v.v. Chính phủ và người dân Việt Nam luôn đánh giá cao về sự hợp tác hỗ trợ này của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản

GDP đầu người của Việt Nam đã đạt trên 1.000 USD/ người (thoát khỏi tình trạn nước kém phát triển). Liệu điều đó có ảnh hưởng đến việc cho vay cũng như tài trợ của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong thời gian tới?

- Điều đáng mừng là Việt Nam đã bước vào nhóm quốc gia có thu nhập trung bình với những thành quả đáng kể trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần sự hỗ trợ trên cả hai phương diện nguồn vốn và kỹ thuật để đáp ứng các nhu cầu phát triển đa dạng khác nhau. Phương châm hợp tác hỗ trợ của Nhật Bản dành cho Việt Nam vẫn không  thay đổi cho dù Việt nam đã đạt được bước chuyển quan trọng là trở thành nước có thu nhập trung bình.

Sáng kiến chung Việt- Nhật đã trải qua 4 giai đoạn. Ông có thể cho biết các nhà đầu tư Nhật Bản đón nhận, đánh giá thế nào về quá trình thực hiện đó? JICA Việt Nam sẽ đồng hành, giúp đỡ, tư vấn những vấn đề cụ thể gì trong giai đoạn 5 của sáng kiến chung Việt – Nhật trong thời gian tới?

- Tháng 11 năm 2012, Sáng kiến chung Nhật Bản – Việt Nam giai đoạn IV đã kết thúc. Kết quả đáng kể của các  bên liên quan của  hai phía Nhật Bản và Việt Nam là đã triển khai thực hiện được 87% kế hoạch hành động và đã có những tiến triển và cải thiện lớn trong xúc tiến đầu tư hơn nữa vào Việt Nam. Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, các cơ quan liên quan của cả hai phía Nhật Bản và Việt Nam đều hài lòng với các hoạt động và thành quả mà Sáng kiến chung đã đạt được tính đến thời điểm này.

Dựa trên nội dung của sáng kiến này, JICA đã và đang hợp tác hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, để tăng cường năng lực cạnh tranh của Việt Nam thông qua xúc tiến đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam, Việt Nam vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết. Trong giai đoạn V của Sáng kiến này, dự định  triển khai trong năm nay, JICA mong muốn sẽ tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác thông qua sử dụng  nguồn vốn ODA.

Nhật Bản giữ vị trí nhà đầu tư lớn nhất Việt Nam trong năm 2012. Trong những năm qua, kinh tế thế giới suy thoái, nước Nhật hạ giá đồng yên. Việt Nam sẽ có những ưu thế gì để tiếp cận, thu hút thêm đầu tư cũng như tăng cường xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản?

- Cho dù tình hình kinh tế của Nhật Bản đang có nhiều  thay đổi, đầu tiên phải kể đến sự hạ giá chóng mặt của đồng yên Nhật, nhưng Việt Nam vẫn luôn là một trong những điểm đầu tư quan trọng của các doanh nghiệp Nhật Bản. Các chuyến viếng thăm Việt Nam thường xuyên của các nhà lãnh đạo cấp cao của tân chính phủ đứng đầu là Thủ tướng Abe là một minh chứng rõ rệt thể hiện tầm quan trọng của Việt Nam đối với Nhật Bản. Ngoài tăng trưởng kinh tế ổn định thì  dân số đông, tính cần cù chịu khó, cũng như những thiện cảm và tấm lòng của người dân Việt Nam  dành cho Nhật Bản tiếp tục là những điểm hấp dẫn đối với doanh nghiệp Nhật Bản.

Hợp nhất kinh tế ASEAN vào năm 2015 khiến cho Việt Nam có khả năng sẽ phải đối diện với vấn đề cạnh tranh hơn nữa trong khu vực. Trong tương lai, Việt Nam cần phải tích cực học hỏi  và áp dụng các mô hình tốt không chỉ của Việt Nam mà của cả  các nước khác trong khu vực, cũng như phải  nỗ lực hơn nữa để tiếp tục là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Kinh tế tư nhân ngày càng nắm vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, JICA Việt Nam sẽ có những biện pháp cụ thể  thể nào để giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay giúp cho việc phát triển sản xuất?

Để phát triển nền kinh tế vững mạnh, thì việc đào tạo phát triển  các doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách kiện toàn là  rất quan trọng, do vậy cần phải phát huy  vai trò quan trọng của lĩnh vực tài chính.

Hiện nay, JICA phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai hỗ trợ vốn vay ODA nhằm cung cấp nguồn vốn cần thiết cho phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa một cách kiện toàn . Trong thời gian tới, JICA dự định  sẽ triển khai  hỗ trợ mang tính kỹ thuật  nhằm cải cách các doanh nghiệp nhà nước...

Trong lần trả lời phỏng vấn hãng tin JIJI (Nhật Bản), Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Hà Hùng Cường đánh giá cao sự giúp đỡ, hợp tác về pháp luật và tư pháp của JICA Nhật Bản với Việt Nam. Ông có thể cho biết kế hoạch mở rộng, tăng cường hợp tác trong thời gian tới trên các lĩnh vực như pháp luật hình sự, pháp luật hành chính và đào tạo  nguồn nhân lực, thưa ông Tsuno Motonori?

- Một trong những lĩnh vực hợp tác trọng tâm của ODA Nhật Bản dành cho Việt Nam là quản trị nhà nước và JICA vẫn sẽ tiếp tục tích cực hợp tác trong lĩnh vực này trong tương lai. Trong hỗ trợ cải cách tư pháp và pháp luật, JICA đã có trên 15 năm hợp tác với Bộ Tư pháp. Hiện nay, trong khuôn khổ hợp tác này, JICA đang phối hợp với Bộ Tư Pháp, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và Liên đoàn Luật sư Việt nam triển khai dự án hợp tác kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực cho các chuyên gia pháp lý, cán bộ tư pháp  ở trung ương và địa phương. Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cũng đã đánh giá rất cao về kết quả của chương trình hợp tác này.

Cùng với thực hiện  hợp tác hỗ trợ tăng cường năng lực cho các cán bộ, công chức của Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, hợp tác sửa đổi Hiến pháp hiện đang được Quốc hội thảo luận và hỗ trợ nâng cao năng lực lập pháp cho các cán bộ Văn phòng Quốc hội, JICA sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng hoàn thiện thể chế và đào tạo nguồn nhân lực về quản trị nhà nước.  

Xin cảm ơn ngài về cuộc phỏng vấn dành cho Pháp luật Việt Nam!

Hà Sơn Bình (thực hiện)

Đọc thêm