Hai chữ kiêu hãnh định vị TH true Milk
Trong cuộc nói chuyện mới đây với báo chí, bà Thái Hương chia sẻ: “Nếu ai nghĩ tôi ngạo mạn thì tôi xin nhận hai chữ này, nhưng nên dùng hai chữ kiêu hãnh trong định vị TH True Milk”. Đó là bởi TH luôn nhận trách nhiệm tiên phong trên con đường minh bạch vì cộng đồng.
Ngay từ khi khởi nghiệp sữa, Thái Hương muốn “sữa tươi phải là sữa tươi”. Không thể để sữa bột pha lại ẩn mình dưới những cách gọi khác nhau khiến người tiêu dùng lầm tưởng là sữa tươi: “sữa hoàn nguyên”, “sữa tiệt trùng”. Bà kịch liệt phản đối kiểu làm ăn tối ưu hóa lợi nhuận: “Có ai mang theo tiền bạc xuống mồ. Làm kẻ chiến thắng không khó, giữ được sự cao quý trong thành công mới là hoàn hảo”. Giữa ồn ào về phát ngôn: “Tôi không có đối thủ”, nữ doanh nhân xứ Nghệ chỉ mỉm cười: “TH chấp nhận một mình tiên phong trên con đường từ đồng cỏ sạch, trang trại sạch đến ly sữa tươi sạch. Vì hướng đi như thế, tôi không có đối thủ”.
“TH chấp nhận một mình tiên phong trên con đường từ đồng cỏ sạch, trang trại sạch đến ly sữa tươi sạch" |
Trong một diễn đàn Kinh doanh do Forbes tổ chức năm 2015, các nhà báo hỏi bà: “TH đầu tư quy mô lớn như thế thì lợi nhuận thu về như thế nào?”, Thái Hương cười rất tươi: “Ngay khi dòng sữa tươi sạch đầu tiên ra lò, chúng tôi đã có lợi nhuận rất lớn: Đó là sức khỏe cộng đồng. Hủy hoại sức khỏe người Việt thì doanh nghiệp có lãi ngàn tỉ cũng nên hổ thẹn”.
Bài phát biểu của Thái Hương được vỗ tay nhiều lần nhất trong Diễn đàn Đón sóng thực phẩm sạch, cũng chỉ đề cập duy nhất một từ “minh bạch”: “Minh bạch vì sức khỏe cộng đồng là trên hết. Chúng ta không sống được bao lâu, hãy để tương lai cho con em sau này”. Bà bảo: “Quảng cáo sản phẩm bằng sự minh bạch, bằng chất lượng tuyệt hảo mới là cách quảng cáo bền vững nhất. Khi Tổng thống Israel, Ngài Shimon Peres sang Việt Nam, uống hộp sữa tươi sạch TH và nói: Sữa TH có chất lượng hàng đầu thế giới, thì lời nói ấy bằng vạn lần quảng cáo. Quảng cáo một đằng, sự thật một nẻo, thì rồi cuối cùng người tiêu dùng cũng nhận ra”.
“Bữa đại tiệc” làm rung động lòng người
Bắt đầu vào tháng 12, mùa hòa hướng dương – sắc vàng ấy trải thảm vàng trên cánh đồng mênh mông của TH trên cao nguyên Phủ Quỳ đầy nắng gió của miền Tây xứ Nghệ. Nếu như cánh đồng hoa hướng dương của TH tạo ra một “đại tiệc truyền thông động lòng người” như cách gọi của Blogger Nguyễn Ngọc Long, thì chính TH cũng làm được những điều kỳ diệu khiến cả thế giới choáng ngợp.
Một vùng đất gió Lào rát mặt bỗng trở thành “thủ phủ” của 45.000 con bò sữa - loài vật chỉ quen xứ lạnh. Những mảnh vườn, khóm ruộng rời rạc điển hình cho một nông thôn manh mún, những lâm trường xơ xác, đã trở thành thảo nguyên tuyệt đẹp như ở giữa lòng châu Âu. Một cái tên chưa bao giờ có trên bản đồ chăn nuôi bò sữa Việt Nam, một đất nước chưa bao giờ hiện diện trên bản đồ bò sữa thế giới, bỗng sở hữu một trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung công nghệ cao đoạt kỷ lục Châu Á.
Một địa điểm vô danh trên bản đồ du lịch, vô danh đến nỗi ngay cả người dân địa phương cũng ít khi ghé qua, bỗng trở thành điểm đến hấp dẫn của hàng triệu bước chân du khách muốn được chụp ảnh “tự sướng” với hoa hướng dương, đồng cỏ và những “cô bò” cả ngày được tắm mát, ăn “cao lương mỹ vị” và nghe nhạc Beethoven. Tất cả công cuộc “giấc mơ hóa hiện thực” đó được Thái Hương và TH thực hiện trong vòng 7 năm, một bước tiến thần tốc chưa từng có trong tiền lệ trong ngành sữa Việt Nam.
Bắt đầu vào tháng 12, hoa hướng dương trên cánh đồng TH vàng rợp trời vùng gió Lào cát trắng |
Vào mùa hoa hướng dương, mỗi ngày TH chi ra rất nhiều tiền để phục vụ nước miễn phí, gửi xe miễn phí, bảo vệ miễn phí cho cả ngàn du khách chụp ảnh miễn phí giữa cánh đồng hướng dương rực rỡ. Một nhân viên TH kể: “Chủ tịch chỉ thị: Càng tốn khoản tiền này thì càng sướng. Mình làm cộng đồng vui là mình hạnh phúc”.
“Mùa gieo hạt” mới của nữ doanh nhân xứ nghệ
Ở tuổi 58, Thái Hương lại bắt đầu kiến tạo một công cuộc mới: Hành trình nâng cao thể trạng, tầm vóc người Việt. Chị bảo: “Bây giờ rất nhiều người tìm mọi cách vun vén cho mình, tối đa hóa lợi nhuận, nhưng tôi kiên quyết tiên phong trong lĩnh vực vì cộng đồng này, dù biết cả bản thân và TH cũng phải nỗ lực đóng góp nhiều tiền bạc và công sức”.
Hài hòa lợi ích DN và cộng đồng là một trong những triết lý Thái Hương áp dụng ngay từ ngày đầu thành lập TH. 7 năm qua, gần 30 triệu ly sữa trị giá hơn 240 tỉ đồng đã được TH trao tặng cho trẻ em nghèo và Quỹ Vì tầm vóc Việt. Năm 2016, Chính phủ chính thức phê duyệt Chương trình sữa học đường. Đây là bước đột phá lớn trong kế hoạch tổng thể nâng cao thể trạng tầm vóc của người Việt. Nhưng ít ai biết, nhiều năm liền Thái Hương đã tiên phong miệt mài, kiên trì góp sức cho chính sách lớn này. Tập đoàn TH cùng Viện dinh dưỡng Việt Nam tiến hành thử nghiệm lâm sàng uống sữa học đường trên hơn 3.600 học sinh để xây dựng quy chuẩn về sữa học đường: “Sữa tươi sạch thôi không đủ, sữa học đường phải là sữa được nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, phù hợp thể trạng và lứa tuổi trẻ em Việt Nam.”
Thái Hương lập cả đề án Sữa học đường gửi lên các cấp có thẩm quyền, vận động không mệt mỏi. Bà kêu gọi những người có tên tuổi vào cuộc để người Việt không thể chậm trễ hơn nữa trong công cuộc chấn hưng thể lực trí lực vốn thua xa bạn bè thế giới. “Chậm thực hiện sữa học đường hơn nữa là có tội với tương lai đất nước. Tôi chỉ cao hơn 1,5m nhưng các con tôi đều trên dưới 1,8m. Các cháu nhà tôi có điều kiện uống sữa từ nhỏ, nhưng tôi vẫn đau đáu vì còn hàng triệu trẻ em khác trong lứa tuổi vàng mẫu giáo, mầm non không thể tiếp cận dinh dưỡng tốt lành nhất: Sữa tươi sạch” - người mẹ 3 con Thái Hương chia sẻ.
Là người đứng đầu Tập đoàn TH, bà Thái Hương đã quyết định dành tặng một khoản kinh phí khổng lồ, tới 200 tỉ đồng bằng sữa, để góp vào Tài khoản Sữa học đường - vì Tầm vóc Việt mà mình khởi xướng. Riêng cá nhân bà tự nguyện đóng góp mỗi ngày 1 triệu đồng trừ thẳng vào lương để giúp 100 em nhỏ được uống sữa học đường mỗi ngày.
“Trẻ em Việt Nam phải giống như những bông hoa hướng dương, phải được chăm bón và lớn lên mạnh mẽ, khỏe khoắn, kiêu hãnh dưới ánh mặt trời. Tôi mong ngày càng có nhiều người đồng hành với chúng tôi trên con đường ươm mầm, chăm bón “những cánh đồng hoa hướng dương tương lai thế hệ trẻ” để người Việt sớm sánh vai các cường cuốc năm châu cả về tầm vóc và trí tuệ. Thời gian không chờ đợi, chậm phút nào là thế hệ trẻ thiệt thòi chừng ấy”. Những lời ruột gan, đau đáu của Chủ tịch HĐQT TH True Milk cũng là ước mơ, mục tiêu của hướng tới của một đất nước gần 90 triệu dân, trong đó có 1 triệu trẻ em nghèo không được uống sữa mỗi ngày.
Bà mẹ xã hội
Theo tính toán của bà Thái Hương, trong số 12 triệu học sinh cần uống sữa học đường, có 1 triệu trẻ em thuộc hộ nghèo, 400 nghìn trẻ thuộc gia đình cận nghèo. “Không có do gì 1 triêu trẻ em không có tiền mua sữa mà cả đất nước Việt Nam không hỗ trợ được. Chúng ta, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các bậc bố mẹ hãy trở thành “bà mẹ xã hội”, dù có khó khăn muôn vàn cũng phải dành cho con em Việt những gì tốt đẹp nhất”. Thái Hương bảo, đất nước đang ở thế kỷ 21, nhưng vẫn còn những cảnh đau lòng như: Nhiều học sinh lớp 5 ở miền núi không biết cắm ống hút vào hộp sữa. Các em chưa một lần được uống sữa tươi.
“Nếu không hành động quyết liệt vì tầm vóc Việt ngay từ hôm nay, thì mong ước rất giản dị như của chủ tịch UBMTTQ Nguyễn Thiện Nhân trong Lễ phát động Chương trình Sữa học đường: Đến năm 2045, khi kỷ niệm 100 năm thành lập đất nước, Việt Nam ra khỏi danh sách nước có người dân thấp còi, cũng khó thành hiện thực”- bà chia sẻ.