Tâm sự của người lái xe cuối cùng phục vụ Bác

Điều ông Mùi tâm đắc nhất đó là đức tính khiêm tốn, giản dị mà mình đã học và rèn luyện được từ Bác. Mặc dù Bác đã đi xa, thế nhưng mỗi khi nhắc lại thời kì được lái xe cho Bác trong ông lại tràn đầy những kỉ niệm thật bồi hồi, xao xuyến và đầy nâng niu. Nhiều đêm ngủ ông vẫn nằm mơ về Bác, về những chuyến đi với Bác.

[links()] Tôi không ngờ có dịp được gặp ông, người lái xe công vụ suốt gần 10 năm cuối cùng trong cuộc đời Bác Hồ. Đó là ông Nguyễn Văn Mùi, sinh năm 1931 tại thôn Bắc Cầu (Xuân Hùng, Xuân Trường, Nam Định).  
Ông Nguyễn Văn Mùi- được lái xe phục vụ Bác là duyên của trời
Ông Nguyễn Văn Mùi- được lái xe phục vụ Bác là duyên của trời
Từ anh thợ đúc tiền trên chiến khu
Ngôi nhà của ông giản dị nằm trên con phố Phương Mai ( Hà Nội). Với dáng người nhỏ, cách ăn mặc giản dị, một cuộc sống khiêm nhường, luôn được mọi người tôn trọng và quý mến là những gì còn lại của một cựu lái xe của Văn phòng Chính phủ.  Ông nói, được lái xe phục vụ Bác là một cơ duyên đối với ông. Dù đã ngoài 80 nhưng những kỷ niệm về vị Cha già dân tộc và những năm tháng đó dường như vẫn vẹn nguyên trong kí ức...
Ngày ấy, khắp xóm làng chịu ách đô hộ của thực dân Pháp và tầng lớp phong kiến, năm 17 tuổi ông tự nguyện tham gia du kích. Rồi ông tìm lên Chiến khu Việt Bắc. Tại đây, ông gặp anh trai mình (lúc này đang làm ở xưởng đúc tiền của Chiến khu Việt Bắc) và được nhận vào làm công nhân của xưởng đúc tiền. 
Năm 1950, sau Chiến dịch Biên giới, ta chuyển từ tiêu tiền xu sang tiền giấy, xưởng đúc tiền ngừng hoạt động, ông được điều động sang bộ phận áp tải lương thực ở chiến khu. Do tính ham học hỏi, nên lúc rỗi ông lại nhờ mấy anh em dạy cách xử lí và tập học lái xe. Vốn là người thông minh, nhanh nhẹn, một thời gian sau ông đã lái được xe. 
Năm 1952, đang vận chuyển lương thực vào căn cứ địa, tình cờ ông Mùi gặp đội xe Văn phòng Chính phủ. Đồng chí Vũ Hoàng phụ trách đội xe hỏi: Tại sao trên xe nhiều người thế? Anh phụ trách đoàn xe chở lương thực nhanh nhẩu: “Hiện tại, chúng tôi đang thiếu lái xe, nên thường xuyên sử dụng cả tài làm phụ”. Anh Hoàng vui ra mặt và ngỏ lời xin ông Mùi về lái xe cho Ban 12. Ngay ngày hôm sau, ông Mùi được nhận nhiệm vụ mới mà chẳng cần giấy tờ, quyết định gì cả. 
Lái xe ở Ban 12 một thời gian, năm 1961, duyên may lại đến với ông một lần nữa, ấy là ông trở thành người trực tiếp lái xe cho Bác Hồ. Nhớ lại ngày đầu nhận nhiệm vụ thiêng liêng ấy, ông Mùi bồi hồi: “Ngày 15/3/1961, đồng chí Vũ Kỳ (thư kí của Bác) gọi ông và giao nhiệm vụ mới, đồng chí dặn: “Đồng chí lái xe cho Bác phải giữ bí mật, xe phải bảo đảm thật tốt, khi lái thật an toàn, đi đến nơi, về đến chốn, nói tóm lại phải an toàn 100%! Đặc biệt, khi Bác gọi, đồng chí phải khẩn trương đánh xe từ trong gara ra ngoài”.
Bác như một người cha
 Hôm đầu tiên Bác lên xe, đồng chí Vũ Kỳ giới thiệu với Bác: “Từ hôm nay đồng chí Mùi chính thức lái xe cho Bác, để đồng chí Nền đi học bổ túc văn hóa”. Lúc đó ông quay lại chào Bác, Bác gật đầu, vui vẻ nói: “Cháu lái xe cho Bác cẩn thận nhé, đi đứng thật an toàn, Bác không yêu cầu phải đi nhanh, tuyệt đối không được đâm vào ai và cũng không để ai đâm vào mình! Thi thoảng ngồi trong xe Bác trò chuyện vui vẻ, hỏi thăm về gia đình, bạn bè”.
Để đảm bảo 100% an toàn cho Bác, ông tự đặt cho mình một chế độ bảo dưỡng an toàn cho xe. Cụ thể: Xăng phải lấy ở bể lọc, không để cho cát bụi, lá cây rơi vào; từng bộ phận xe (gầm xe, máy xe, vô lăng…) phải được kiểm tra hàng ngày để đảm bảo độ quay, độ trơn. Mỗi buổi sáng thức dậy, ông phải dùng tay quay máy để làm nóng máy… tất cả phải ở tư thế sẳn sàng và đảm bảo. Đặc biệt, khi lên xe là phải tập trung cao độ, không phân tán tư tưởng.
Ông Mùi xúc động kể: “Ngoài cảm giác vui mừng và vinh dự, tôi rất lo lắng cho sự an toàn của Bác. Nhưng sự gần gủi, quan tâm của Bác giúp tôi bớt căng thẳng, không có cảm giác nặng nề. Với tôi lúc đó, Bác như một người cha, một thủ trưởng cơ quan. Đến bây giờ, ngồi nghĩ lại tôi mới thấy hết tầm quan trọng của công việc mình làm”. 
Những kỷ niệm không thể phai mờ
Theo lời kể của ông Mùi, sinh thời, Bác sử dụng chiếc ô-tô con hiệu “Pôpêđa” do Chính phủ Liên Xô tặng. Năm 1954, khi Trung ương về tiếp quản Thủ đô, tập trung ở nhà thương Đồn Thuỷ (nay là Quân y viện 108), Bác Hồ và Chính phủ đều ở đây, trong đó có đội xe. Từ Việt Bắc, đoàn xe có 4 chiếc Gat-69, và 3 xe Gat 51 (Bác đi trong nhóm xe Gat 69) đến đường rẽ vào Đền Hùng, Bác yêu cầu dừng nghỉ, tập hợp bộ đội lại nói chuyện. Tại đây, Bác đã nói “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.
Với Bác Hồ, trong hàng nghìn, hàng vạn cử chỉ, hành vi về đạo đức, ông nhớ nhất là bản tính tiết kiệm và giản dị của Người. Hồi mới về lái xe cho Bác, ban đầu đội xe phục vụ toàn là xe Gát do Liên Xô (cũ) sản xuất. Sau đó, Liên Xô có tặng Bác một chiếc Zít nanh đơ, xe này sản xuất cho các nguyên thủ thời ấy nên rất sang, xe có cả kính chắn đạn.
Nhận xe về nhưng Bác không thường xuyên sử dụng vì Bác bảo xe sang quá đi đâu hay gây sự chú ý, không an toàn và không gây thân thiện với các tầng lớp, nhất là nhân dân lao động. Vì lí do này nên Bác đã chuyển sang dùng thường xuyên xe Pô bê đa. Nhưng vì lo cho sự an toàn của Bác nên cán bộ văn phòng có ý đổi xe. Mỗi lần như vậy Bác thường gọi ông Mùi ra hỏi: “Này chú! Xe mình tốt hay xấu”. Ông Mùi bảo xe còn tốt thì Bác bảo: Tốt thì nên dùng. Đổi xe lãng phí và Bác vẫn dùng xe cũ.
Ngày ấy, ở Nhà sàn của Bác có cái quạt tai voi, trời nắng nóng nhưng quạt chạy khoảng 30 phút Bác lại tắt đi. Mọi người bật lên, Bác bảo “Tắt đi để cho quạt nghỉ, vừa bền lại vừa tiết kiệm được điện. Trời nắng nóng, mọi người muốn lắp cho Bác cái điều hòa, nhưng Bác không đồng ý. Nhân lúc Bác đi vắng, các anh trong Văn phòng ở nhà lắp, khi về trông thấy, Bác bảo: “Các chú tháo ra và đem lắp cho một bệnh viện nào đó. Ở đó họ cần hơn Bác!”. 
Lần đó ông chở Bác ra sân bay Gia Lâm để đón phái đoàn quốc tế, trên đường đi Bác kể chuyện: “Hôm qua, Bác đọc một tờ báo, có một cô giáo dũng cảm cứu sống hơn 40 học sinh trên chuyến xe ô-tô đi tham quan.
Chuyện là: Xe ô-tô đang lao trên đường thì anh lái xe bị cảm, gục xuống tay lái. Cô giáo ngồi cạnh nhanh trí nhẩy sang chỗ người lái xe, đạp phanh và đánh tay lái sang một bên, chiếc xe dừng lại cách mép hồ nước sâu trong gang tấc”.
Nhân câu chuyện, Bác khuyên các đồng chí ngồi trên xe “không cần phải học lái, nhưng phải biết các bộ phận cơ bản của chiếc xe để đôi lúc có sự cố mình cũng có thể xử lí như cô giáo được tuyên dương trên báo”. 
Nghe nói như vậy, đồng chí Vũ Kỳ và các đồng chí trong Văn phòng ngay hôm sau lục đục đi học và tìm hiểu về xe. “Còn Bác, có một chiều tôi lái xe đưa Bác đi công tác về, đang làm công tác bảo dưỡng xe thì Bác lại gần chỉ một chi tiết trong động cơ hỏi “Này chú, cái đó có tác dụng gì? Sau khi nghe ông giải thích, Bác lại ôn tồn nói: “Từ ngày mai, thỉnh thoảng chú rảnh, dành thời gian dạy Bác học lái xe với”. Ông Mùi chưa kịp hiểu đề xuất của Bác thì Bác lại ôn tồn: “Học để biết, nếu có tình huống gì thì mình tự biết để mà xử lí”. 
Nói về ngày sinh nhật của Bác, ông Mùi cho biết: “Vào dịp sinh nhật của Bác, Bác không đi công tác ở nước ngoài thì cũng đến các địa phương. Bác không muốn mọi người tốn kém để tổ chức sinh nhật cho mình. Có một năm vào dịp sinh nhật Bác, Bác đi Vĩnh Phúc, trên đường về dừng lại ở Đông Anh (Hà Nội) cho mọi người nghỉ và ăn trưa.
Bữa cơm hôm ấy, bác Đinh Văn Cẩn – người phục vụ bếp chuẩn bị cho Bác mấy miếng thịt gà hấp cách thủy và một ít cơm canh. Nhưng khi ăn, bác ăn rất ít và nhường cho mọi người trong đòan. Bác vẫn căn dặn bác Cẩn “tiết kiệm, không được lãng phí”. 
Vẫn mơ thấy Bác
Năm 1969, Bác mất. Ông Mùi được chuyển sang lái xe lái xe cho Bác Tôn 11 năm nữa. Tổng cộng thời gian ông Mùi đã lái xe là 19 năm cho Bác Hồ và Bác Tôn. Điều ông cảm thấy tâm đắc nhất đó là đức tính khiêm tốn, giản dị mà mình đã học được và rèn luyện để có được từ hai vị Chủ tịch đáng kính Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Mặc dù Bác đã đi xa, thế nhưng mỗi khi nhắc lại thời kì được lái xe cho Bác trong ông lại tràn đầy những kỉ niệm thật bồi hồi, xao xuyến và đầy nâng niu. Nhiều đêm ngủ ông vẫn nằm mơ về Bác, về những chuyến đi với Bác. 
Từ du kích đến công nhân xưởng đúc tiền và vinh dự được lựa chọn để lái xe cho hai vị Chủ tịch nước đáng kính. Sau này, ông Mùi còn được lái xe cho các lãnh đạo cao cấp khác như đồng chí Nguyễn Lương Bằng, đồng chí Võ Chí Công, đồng chí Đỗ Mười… Rồi ông Mùi đã được bầu làm Đội trưởng đội xe của Văn phòng Chính phủ cho tới khi về hưu. Và như một cơ duyên, người con trai duy nhất của ông giờ cũng dâng làm lễ tân tại Văn phòng Chính phủ.
Uyên Na

Đọc thêm