Nền tảng cho năm 2025 với các nhiệm vụ trọng tâm
Ngay trong những ngày đầu Xuân năm mới, có thể dễ dàng ghi nhận không khí làm việc nghiêm túc, khẩn trương tại các cơ quan, doanh nghiệp. Công chức, viên chức, người lao động đều quay trở lại làm việc với tinh thần vui tươi, phấn khởi, khí thế hăng say thi đua lao động, sản xuất. Tâm lý “tháng Giêng là tháng ăn chơi” dường như không còn phổ biến, thay vào đó là sự quyết tâm, sẵn sàng cống hiến của đa số công chức, viên chức, người lao động. Đây chính là tín hiệu tích cực, báo hiệu một khởi đầu thuận lợi cho năm mới.
Để có thể đạt được những tín hiệu tích cực ngay từ đầu năm, một phần quan trọng đến từ việc các Bộ, cơ quan và địa phương đã thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11/12/2024 của Ban Bí thư về tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025. Các Bộ, cơ quan, địa phương đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt chú trọng bảo đảm việc trở lại làm việc bình thường ngay sau đợt nghỉ Tết.
Đồng thời, tập trung triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ công tác năm 2025 ngay từ những tháng đầu năm. Nhất là thực hiện đúng tiến độ việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng tốc, bứt phá thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2025 và cả nhiệm kỳ Đại hội XIII, tạo nền tảng vững chắc đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, vươn mình phát triển giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Rõ ràng, ngay từ trước Tết Nguyên đán, các nhiệm vụ công tác năm 2025 đã được xác định với mục tiêu cụ thể và rõ ràng. Chính định hướng này đã trở thành động lực mạnh mẽ, thúc đẩy các cơ quan, doanh nghiệp nhanh chóng triển khai các kế hoạch đề ra ngay khi trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Chưa kể, việc xác định mục tiêu sớm càng trở nên quan trọng khi năm 2025 mang ý nghĩa đặc biệt đối với nước ta.
|
Công chức, viên chức, người lao động phấn chấn trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. (Hình minh họa - Nguồn: Hải Nguyễn) |
TS Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhận định: “Năm 2025 là một năm có ý nghĩa đặc biệt đối với dân tộc Việt Nam, bởi đây không chỉ là thời điểm mới trong dòng chảy lịch sử, mà còn là năm bản lề tạo đà cho kỷ nguyên vươn mình của đất nước. Sau nhiều năm định hình và phát triển, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để khẳng định vị thế trong khu vực và trên thế giới. Đây là giai đoạn mà tiềm năng, nguồn lực và khát vọng của cả dân tộc được huy động tối đa, tạo nền móng vững chắc cho một tương lai rực rỡ”.
Năm 2025 là năm cuối cùng trong giai đoạn 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nên việc hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, sau Đại hội XIV của Đảng. Theo GS.TS Hoàng Văn Cương - Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, năm 2025 là năm chúng ta phải thực hiện 3 nhiệm vụ lớn: “Thứ nhất là hoàn thành các mục tiêu đặt ra của giai đoạn 2021 - 2025, nhiệm vụ thứ hai là phải thực hiện thành công Đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng không phải chỉ là công tác tổ chức cán bộ mà còn là xây dựng một cương lĩnh hành động, một kế hoạch phát triển cho các giai đoạn tiếp theo, giai đoạn 2026 - 2030. Đặc biệt, giai đoạn này là giai đoạn tiền đề chúng ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình. Thứ ba là sắp xếp tinh gọn bộ máy, đây chính là cơ sở để chúng ta thực hiện cải cách về thể chế, bộ máy gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả”.
Đây cũng là năm mà Việt Nam đặt trọng tâm vào những nhiệm vụ chiến lược nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã khẳng định quyết tâm thực hiện thành công 8 nhiệm vụ trọng tâm và đột phá nhằm đạt tốc độ tăng trưởng trên 8%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân khoảng 4,5%; tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8 - 1% và thực hiện 71 chỉ tiêu quan trọng khác.
Tập trung thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2025
Để đạt được những mục tiêu trọng tâm trong năm 2025, việc nhanh chóng đưa các cơ quan, doanh nghiệp trở lại guồng quay làm việc sau kỳ nghỉ Tết là điều kiện tiên quyết. Đồng thời, mỗi cá nhân, tổ chức cần nhanh chóng bắt nhịp, triển khai công việc với tinh thần trách nhiệm cao, tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng yếu đã được định hướng.
Song hành với đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương ngay từ đầu năm phải quán triệt và triển khai nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Với chủ đề điều hành năm 2025 là “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá”. Trước hết, cần tập trung cải cách thể chế, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tháo gỡ các “điểm nghẽn”, khơi thông nguồn lực đổi mới sáng tạo, làm chủ công nghệ cao…
|
Công chức, viên chức, người lao động phấn chấn trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. (Hình minh họa - Nguồn: Hải Nguyễn) |
Chính phủ tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”, gắn với phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường của các cấp, đồng thời xóa bỏ cơ chế “xin - cho”. Mục tiêu là hoàn thành việc sắp xếp lại bộ máy các cơ quan Chính phủ trong tháng 2/2025, tạo động lực thúc đẩy hiệu quả hoạt động của cả cơ quan công quyền và doanh nghiệp.
Đồng thời, với trọng tâm thể chế là “đột phá của đột phá”, việc triển khai các đạo luật thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính, đầu tư, khoa học công nghệ được sửa đổi, có hiệu lực năm 2025 kỳ vọng sẽ khơi thông nguồn lực cho hoạt động đầu tư kinh doanh, đóng góp tích cực cho sự phát triển đất nước. Các luật như Luật Đất đai 2024, Luật sửa đổi 9 luật về tài chính và Luật sửa đổi 5 luật về đầu tư dự kiến sẽ tác động mạnh mẽ, khơi thông nguồn lực, tháo gỡ rào cản và thúc đẩy môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi, bền vững.
Mặt khác, ngay từ đầu năm 2025, các Bộ, ngành được giao nhiệm vụ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút vốn FDI có chọn lọc, kích thích tiêu dùng nội địa và đẩy mạnh du lịch. Chính sách tiền tệ được điều chỉnh linh hoạt để kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng. Đồng thời, các chính sách thuế sẽ tiếp tục được triển khai nhằm hỗ trợ các nhóm thu nhập thấp, tăng sức mua và cải thiện đời sống Nhân dân.
Năm 2025 là cột mốc “về đích” của các dự án hạ tầng trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025, như cao tốc Bắc - Nam phía Đông và sân bay quốc tế Long Thành. Chính phủ cũng tập trung vào các dự án quan trọng, mang tính chiến lược, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái của đất nước, như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối quốc tế, đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM và các cảng biển trung chuyển quốc tế tại Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM, Sóc Trăng...
Đặc biệt, cần đẩy mạnh đổi mới khoa học công nghệ và phát huy tối đa vai trò của khoa học công nghệ cùng đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh vực. Đây là nhân tố then chốt góp phần hiện thực hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững. Để làm được điều đó, cần tập trung thực hiện tốt Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Trọng tâm là phát triển các ngành mới nổi như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, công nghiệp bán dẫn, năng lượng mới, công nghiệp văn hóa và giải trí, khai thác không gian vũ trụ, biển và ngầm. Đồng thời, thúc đẩy thương mại hóa 5G, nghiên cứu công nghệ 6G và phát triển vệ tinh viễn thông tầm thấp. Việc xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và thu hút chuyên gia từ trong và ngoài nước cũng sẽ được ưu tiên để hỗ trợ đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
Nhìn chung, năm 2025 là một dấu mốc quan trọng trên hành trình phát triển của đất nước. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ và sự đồng lòng của toàn dân, chủ đề điều hành năm 2025 “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá” không chỉ là nhiệm vụ mà còn là khát vọng chung, đưa Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế trên trường quốc tế.