Cả 3 động lực tăng trưởng đều gặp khó khăn
Trong phát biểu bế mạc Diễn đàn, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ khẳng định Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương.
Tại Diễn đàn đã có 7 báo cáo tham luận của các diễn giả tại Phiên toàn thể và 2 Phiên chuyên đề, hơn 40 bài viết của các tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học.
Trong các phiên chuyên đề và phiên toàn thể cũng như tọa đàm cấp cao đã có hơn 40 ý kiến của các diễn giả, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và đại biểu trong, ngoài nước tham gia trao đổi, thảo luận tương tác lẫn nhau. Sự lan tỏa của Diễn đàn cũng rất tích cực.
Diễn đàn đã dành nhiều thời gian trọng tâm không chỉ vào các vấn đề kinh tế - xã hội mang tính thời sự, ngắn hạn mà còn tiếp cận các vấn đề lớn, mang tính bao quát, những xu hướng mới định hình của thế giới, các động lực, các hướng đi mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững của Việt Nam.
Tóm tắt lại một số nội dung chính đã được các đại biểu tập trung thảo luận, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết, với việc QH, Chính phủ Việt Nam ban hành và triển khai thực hiện các chính sách, giải pháp quyết liệt, kịp thời, sát thực, kể cả chưa từng có tiền lệ trong suốt 2,5 năm qua từ sau Đại hội XIII của Đảng, Việt Nam vẫn đứng vững, cơ bản vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện, được quốc tế và trong nước ghi nhận.
Nền kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng và vẫn là một “điểm sáng” trong “bức tranh màu xám” của nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, từ Quý IV/2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, rất khó đạt chỉ tiêu cả năm 2023 là khoảng 6,5% theo Nghị quyết của QH. Ngoài nông nghiệp vẫn là “trụ đỡ”, các động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều khó khăn, tăng trưởng thấp, thậm chí đều gặp “trục trặc”, giảm tốc.
Điều đáng lưu ý là cả 3 động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế đều gặp khó khăn mang tính cơ cấu, do thiếu định hướng dài hạn và giải pháp cụ thể kịp thời, khả thi theo hướng chuyển đổi xanh, giảm thiểu thâm dụng năng lượng, phát thải các bon và kinh tế tuần hoàn và luôn bám sát mục tiêu phát triển bền vững.
“Diễn đàn đều thống nhất và nhấn mạnh rằng cần phải “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ, các động lực tăng trưởng truyền thống trên cơ sở ban hành, thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật để khuyến khích các thay đổi hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư”, Chủ tịch QH nói.
Ngược lại, việc ban hành, thực thi các chính sách mang tính hành chính, sự vụ, phản ứng thụ động, thiếu định hướng dài hạn của đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế sẽ tiếp tục làm suy giảm niềm tin của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và sẽ làm suy giảm đáng kể tăng trưởng kinh tế cả về quy mô và chất lượng.
Bên cạnh củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu, Diễn đàn cũng nhấn mạnh phải phát hiện, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là các động lực như phát triển kinh tế số, tăng năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, nhất là cho chuyển đổi số một cách bền vững, an toàn, chuyển đổi năng lượng công bằng, thích ứng biến đổi khí hậu.
Tăng cường phối hợp với các quốc gia trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hiện có, hợp tác phát triển các chuỗi cung ứng có tính chất chiến lược, có tính đột phá, lan toả, nâng cao vị thế Việt Nam trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu trong bối cảnh các nước trên thế giới đều đang cơ cấu lại các chuỗi cung ứng và đầu tư cho riêng mình trong môi trường liên kết kinh tế thế giới.
Cần đồng bộ các chính sách, xác định rõ ưu tiên
Khẳng định những thành tựu của các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội nửa nhiệm kỳ vừa qua, Chủ tịch QH cho biết, trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, cơ hội và thách thức nửa nhiệm kỳ và năm 2023, các đại biểu cho rằng bài toán phát huy nội lực, nâng cao năng lực nội sinh của doanh nghiệp, của nền kinh tế, đồng thời vận dụng hiệu quả các yếu tố “ngoại lực” và kiến tạo các động lực mới cho tăng trưởng là yếu tố mấu chốt, đem lại sức mạnh cộng hưởng nhằm hướng tới phục hồi và phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững.
Các đại biểu cũng khẳng định đây là vấn đề cấp bách nhưng cũng là hành trình dài hạn, đòi hỏi cần đồng bộ các chính sách, xác định rõ ưu tiên, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội, lợi thế để tạo bứt phá ngay trong nội tại nền kinh tế, nâng cao sức chống chịu trước các cú sốc và thách thức trong bối cảnh mới.
Theo Chủ tịch QH, tại Diễn đàn, nhiều gợi ý chính sách quan trọng, ý nghĩa, thiết thực được đưa ra xoay quanh chủ đề của Diễn đàn, nhằm hướng tới tăng trưởng và phát triển bền vững nền kinh tế.
Thứ nhất, về năng lực, động lực nội sinh của nền kinh tế, các đại biểu cho rằng cần phát triển các khu vực sản xuất của nền kinh tế, gồm khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường nội địa và nâng cao năng suất lao động. Thực hiện đồng bộ, cộng hưởng các yếu tố này sẽ phát huy tổng hợp sức mạnh nội sinh của nền kinh tế.
Thứ hai, về vận dụng, khai thác hiệu quả “ngoại lực”, chúng ta cần phát huy các động lực từ thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu, hướng tới bền vững.
Thứ ba, về kiến tạo các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế, các đại biểu đã đưa ra rất nhiều gợi ý chính sách, trong đó tập trung vào 5 động lực chủ yếu là thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nội địa, đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và năng cao năng lực tự chủ, tự lực của nền kinh tế.
Chủ tịch QH nhấn mạnh, các đại biểu cho rằng cải cách và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế là động lực đột phá nhưng cũng khó thực hiện và có thể cần nhiều thời gian nhất bởi động lực này giúp kiến tạo cơ chế mới, cách thức vận hành mới, tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư hấp dẫn, minh bạch.
Để đẩy mạnh cải cách thể chế, các đại biểu đề nghị cần tiếp tục đổi mới tư duy nâng cao nhận thức về vai trò của công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Đại biểu cho rằng cải cách thể chế cần bảo đảm tính đồng bộ (giữa trung ương và địa phương, trong nước và quốc tế, ban hành và tổ chức thực thi, giữa các ngành, lĩnh vực...). Đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế (nhất là các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng, đấu thầu, cơ chế đặc thù cho một số địa phương động lực (như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng…).
Hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, pháp luật thực thi để kết nối các khu vực kinh tế, tạo liên kết kinh tế giữa các địa phương trong vùng và giữa các vùng...
Cuối cùng là nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.