Tận dụng mọi nguồn lực để có được vaccine

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 29/6, trong buổi tiếp và làm việc với bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) và bà Carolyn Turk - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề xuất WB có những dự án viện trợ không hoàn lại hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Đề nghị WB hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất vaccine tại Việt Nam

Theo đề xuất của Bộ trưởng Bộ Y tế, nếu như có khoản vốn vay của WB, Việt Nam sẽ tiến hành xây dựng một trung tâm nghiên cứu, phát triển vaccine và sinh phẩm y tế; xây dựng nhà máy sản xuất vaccine đáp ứng Chương trình tiêm chủng mở rộng cũng như đại dịch trong tương lai (nếu có).

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị WB tiếp tục ủng hộ các dự án hiện đang thực hiện như thúc đẩy cải cách đào tạo nhân lục y tế; dự án y tế cơ sở tại các địa bàn khó khăn, đồng thời mong muốn WB có những hỗ trợ để thúc đẩy tiến trình giải ngân nhanh hơn.

Đối với đề xuất của Bộ trưởng Bộ Y tế, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh, đây là đề xuất hết sức quan trọng, do đó Bộ Y tế và WB cần làm việc sớm. Cần có sự phối hợp và làm việc thống nhất giữa các bộ, ngành có thể huy động được nguồn vốn từ các dự án của WB hiện chưa sử dụng hết tại Việt Nam trong thời gian ngắn, kết hợp thêm các nguồn viện trợ hoặc vốn vay khác nhanh chóng thiết kế thành dự án mới cho ngành y tế Việt Nam.

Về hỗ trợ liên quan đến nguồn vốn không hoàn lại của Dự án hỗ trợ khẩn cấp cho đại dịch, bà Victoria Kwakwa cho biết hiện đã giải ngân xong. Đối với dự án mới, bà sẽ tiếp tục tìm hiểu và sẽ có phản hồi sớm.

Về dự án nâng cao năng lực đào tạo cán bộ y tế, bà Carolyn Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho biết, hiện dự án đã triển khai đạt các mục tiêu đề ra. Cuối năm nay sẽ đóng dự án. Hiện vẫn còn một số địa phương chưa đảm bảo thời gian thực hiện (do đang phòng chống dịch), tuy nhiên bà mong muốn triển khai càng sớm càng tốt vì đây là các cơ sở y tế tuyến đầu…

Phê duyệt khẩn cấp vaccine Moderna

Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường ký quyết định phê duyệt khẩn cấp có điều kiện vaccine Spikevax (tên khác là Moderna) cho nhu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Đây là vaccine phòng COVID-19 thứ 5 được phê duyệt ở Việt Nam.

Bộ Y tế cho biết, vaccine Moderna là vaccine dạng hỗn dịch tiêm bắp. Mỗi lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5ml chứa 100mcg mRNA. Vaccine Moderna của Mỹ được sản xuất tại Tây Ban Nha, Pháp hoặc có thể thay đổi căn cứ vào khả năng cung cấp vaccine tại thời điểm nhập khẩu nộp hồ sơ đề nghị cấp phép.

Tập đoàn Zuellig Pharma, đóng tại TP HCM là đơn vị chịu trách nhiệm phân phối vaccine Moderna. Tập đoàn này cũng được yêu cầu phối hợp với Việt Nam thực hiện kiểm định các lô vaccine trước khi sử dụng; bảo đảm an toàn, hiệu quả, chất lượng khi nhập khẩu vào nước ta.

Liên quan đến vấn đề vaccine, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cũng vừa đưa ra thông tin mới nhất về vaccine COVID-19 thứ 2 của Việt Nam được cấp phép thử nghiệm trên người. Theo đó, vaccine COVIVAC do Công ty Vaccine và sinh phẩm Nha Trang (IVAC) nghiên cứu đang được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội để thử nghiệm.

Hiện vaccine này đã hoàn thành pha 1. Trên dữ liệu ghi nhận cho thấy vaccine này ở giai đoạn một có tính an toàn rất tốt, đánh giá sơ bộ bước đầu về tính sinh miễn dịch cũng rất khả quan. Dự kiến đến cuối tháng 6 này sẽ có kết quả và sẽ bắt đầu tiến hành pha 2 vào tháng 7 tới. Hy vọng trong năm 2021 sẽ xong pha 2 và đầu 2022 sẽ tiến hành pha 3…

Đọc thêm