Một quầy “thuốc mẹt” được bày bán công khai tại cổng chợ Yên Thạch, xã Yên Thạch, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc |
Mới đây, trong một chuyến công tác lên huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, chúng tôi có dịp đến chợ Bắc Hà. Do là chợ phiên, chỉ diễn ra trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật nên số người họp chợ rất đông. Lách qua một số hàng quần áo, thực phẩm và những hàng ăn lúp xúp, chúng tôi dễ dàng tiếp cận một vài “cửa hàng” thuốc chữa bệnh được bày bán công khai trên những tấm ni lông đặt dưới nền chợ vương đầy bụi bẩn.
Trong vai một người bệnh, tôi trình bày với bà bán thuốc người dân tộc Mông mình bị đau bụng. Không nói không rằng, “dược sỹ” nhanh tay lấy 10 viên thuốc trần màu vàng cho vào túi ni lông rồi dặn cộc lốc: “Uống hai lần trong ngày”.
Một khách hàng ngồi cạnh tôi là chị Sùng Thị Di, người dân tộc Mông, trú tại xã Na Hối, huyện Bắc Hà sau khi mua được một gói thuốc khá lớn, vui vẻ bảo: “Chợ ít họp lắm à, đường thì lại xa nên tiện thể mua nhiều thuốc về uống dần”.
Quan sát gói thuốc của chị Di thấy không tên, không nhãn mác, không ghi hạn sử dụng mà tôi không khỏi ái ngại, lo ngại xảy ra hậu quả, biến chứng từ liều thuốc “3 không” kia.
Hỏi chuyện một số bà con đi chợ, được biết tại những chợ họp theo phiên ở miền núi thế này xuất hiện khá nhiều người bán “thuốc mẹt”. Do cả tuần đồng bào mới xuống chợ một lần, đường đi lại hết sức khó khăn nên ngoài các nhu yếu phẩm thiết yếu như mắm, muối, dầu ăn… thì thuốc chữa bệnh cũng là mặt hàng được người dân mua nhiều đề phòng khi ốm.
Mua rau, tiện thể mua thuốc
Tiếp tục tìm hiểu vấn đề nêu trên, chúng tôi có mặt ở các chợ nông thôn tại tỉnh Vĩnh Phúc như: Chợ Ơn xã Đồng Thịnh, chợ Yên Thạch xã Yên Thạch, huyện Sông Lô; chợ Lầm xã Tam Hồng, chợ Cảnh Đá xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc và một số chợ khác, địa điểm nào chúng tôi cũng phát hiện có từ 2 đến 3 sạp bán thuốc công khai giống như các mặt hàng tiêu dùng khác.
Những “cửa hàng” thuốc đơn giản chỉ là một chiếc bàn gỗ, một chiếc túi và một chỗ ngồi ở góc chợ. Thuốc được bày bán ở đây đa số có nhãn mác bằng tiếng nước ngoài, không niêm yết giá, để lẫn với thực phẩm chức năng.
Tại chợ Yên Thạch, xã Yên Thạch, huyện Sông Lô, chúng tôi chứng kiến khá đông người dân đang tập trung quanh “quầy thuốc” của người bán hàng tên X. ngay tại cổng chợ. Một vài loại thuốc được xếp lộn xộn trên chiếc bàn gỗ đã xỉn màu, số còn lại được chủ quán đặt la liệt dưới nền đất ẩm, sát bên là sạp bán thức ăn chăn nuôi. Không cần đơn thuốc của bác sĩ, người bán và người mua trao đổi thuốc chữa bệnh như mua bó rau, con cá.
Vẫn trong vai một người bệnh, tôi hỏi mua thuốc đau dạ dày. “Dược sỹ” X. lấy ra một số loại (gồm Tylenol và Amoxicillin) với giá 30 nghìn đồng, kèm lời dặn ngày uống 2 lần sau bữa ăn. Đứng cạnh tôi là một cụ bà hỏi mua hộp thuốc hoạt huyết dưỡng não. Không cần kể bệnh, không cần biết người mua cho ai dùng, người bán cũng bán luôn hộp thuốc cho bà cụ với giá 70 nghìn đồng.
Tiếp tục dạo một vòng quanh chợ Ơn, xã Đồng Thịnh, chúng tôi còn thấy vài “cửa hàng” thuốc tương tự, hàng nào cũng taasp nập người mua, kẻ bán. Hỏi một số người mua thuốc tại sao không đến khám tại cơ sở y tế và mua thuốc ở các nhà thuốc đạt chuẩn gần chợ thì đều nhận được các câu trả lời giống nhau, đại loại:
“Tôi đi chợ mua mớ rau, con cá, tiện thể mua thuốc luôn”; “Nhà tôi mua và uống thuốc ở đây quen rồi, với lại thuốc bán rong rẻ hơn ở hiệu nhiều”. Bà M. đã có 10 năm bán thuốc ở chợ Ơn cũng cho biết: “Tôi từng có hiệu thuốc bán tại nhà nhưng người dân vào mua ít lắm, vì vậy đành phải mang ra chợ bán”.
Cơ quan chức năng cần sớm quan tâm
Theo báo cáo của Phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân Sở Y tế Vĩnh Phúc, tính đến tháng 10/2014 trên địa bàn tỉnh có 660 cơ sở kinh doanh dược được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Với hệ thống cơ sở dược phát triển rộng khắp, trên địa bàn tỉnh không có “xã trắng” về cơ cở bán thuốc chữa bệnh đạt chuẩn; thậm chí, ngay gần các khu chợ cũng có những nhà thuốc đạt chuẩn.
Bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng về thực trạng bán thuốc chữa bệnh tại chợ Ơn, xã Đồng Thịnh với cơ quan Quản lý thị trường huyện Sông Lô, chúng tôi được ông Nguyễn Xuân Bình - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường cho biết, trong các đợt kiểm tra liên ngành về hành nghề y, dược tư nhân trên địa bàn huyện từ tháng 6/2014 đến nay, Đội Quản lý thị trường không phát hiện trường hợp nào bán tân dược tại chợ.
Tuy nhiên, do lực lượng mỏng, kiểm tra không thường xuyên và theo quy định của ngành, trước khi đi kiểm tra chúng tôi thông báo cho UBND các địa phương nơi đến kiểm tra trước ba ngày. Do vậy, khi Đội Quản lý thị trường đến chợ thì các hàng thuốc không bán nữa, hết đợt kiểm tra họ lại tiếp tục bán khiến các cơ quan chức năng rất khó quản lý.
Ông Nguyễn Hải Châu, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y, dược tư nhân Sở Y tế Vĩnh Phúc thì khẳng định người bán thuốc rong ở các chợ nông thôn phần lớn đều không có chứng chỉ hành nghề dược, không có chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.
Nguy hiểm hơn, các loại thuốc được bày bán ở đó khó có thể biết được nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng; không bảo đảm các điều kiện tối thiểu trong bảo quản thuốc, vì vậy người dân có thể mua phải những loại thuốc kém chất lượng, thậm chí là thuốc giả. Hậu quả của việc này thật khó lường.