Trình bày báo cáo về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, tại Tờ trình số 07/TTr-TLĐ ngày 19/4/2024, Cơ quan soạn thảo trình Quốc hội hai phương án và lựa chọn phương án 1 là bổ sung quyền gia nhập và hoạt động trong tổ chức Công đoàn Việt Nam của người lao động là người nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam. Hồ sơ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 đã cung cấp thông tin tham khảo kinh nghiệm pháp luật của một số nước trên thế giới về nội dung này.
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc quy định quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài làm việc trên lãnh thổ Việt Nam sẽ góp phần thể chế hóa đường lối của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; đáp ứng các yêu cầu thực thi cam kết quốc tế về lao động, công đoàn của Việt Nam; đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành, đặc biệt là Bộ luật Lao động.
Tiếp thu ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội và ý kiến của cấp có thẩm quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định “người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên thì có quyền gia nhập công đoàn, hoạt động tại công đoàn cơ sở”; bổ sung cụm từ “và thôi tham gia”, thể hiện tại tên điều (thành “Quyền thành lập, gia nhập, hoạt động và thôi tham gia công đoàn”) và khoản 4 Điều 5.
Ngoài ra, khoản 5 Điều 4 của dự thảo Luật đã quy định cán bộ công đoàn là công dân Việt Nam, do đó, người lao động là người nước ngoài không thể trở thành cán bộ công đoàn.
Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Đoàn Thanh Hoá) bày tỏ thống nhất với dự thảo luật đã bổ sung quyền gia nhập công đoàn của người lao động là người nước ngoài.
Đại biểu Võ Mạnh Sơn phát biểu tại phiên họp. |
Phân tích, Đại biểu chỉ ra rằng, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ký kết và tham gia hàng chục hiệp định đa phương và song phương.
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến 2023 có khoảng 136.800 người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, nguồn lao động này góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần đào tạo nhân lực tại chỗ theo tương tác thẩm thấu.
Việc dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) cho phép người lao động nước ngoài gia nhập Công đoàn Việt Nam là phù hợp với bối cảnh, nhu cầu thực tiễn của người lao động người nước ngoài tại Việt Nam, đảm bảo thể chế hóa chủ trương của Đảng, đảm bảo sự tương thích, đồng bộ trong hệ thống luật pháp.
Bên cạnh đó, việc cho phép người lao động nước ngoài gia nhập Công đoàn Việt Nam như dự thảo luật đang ghi nhận là quy định quan trọng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ và cũng phù hợp với Công ước quốc tế năm 1996 của Liên Hợp quốc về các quyền dân sự, chính trị mà Việt Nam là thành viên, trong đó có nêu về quyền gia nhập các công đoàn để bảo vệ lợi ích của mình.
Cũng theo Đại biểu, việc bổ sung quy định này góp phần tạo sự bình đẳng giữa lao động Việt Nam và lao động nước ngoài tại Việt Nam, làm tăng uy tín của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người, đảm bảo sự công bằng giữa các lao động trong nước và nước ngoài.
Đồng quan điểm, Đại biểu Chu Thị Hồng Thái (Đoàn Lạng Sơn) cũng cho rằng việc gia nhập công đoàn của người nước ngoài không chỉ đáp ứng quyền lợi chính đáng của gần 92.000 người lao động người nước ngoài tại Việt Nam cần được chăm lo, bảo vệ quyền lợi bình đẳng như lao động người Việt Nam mà còn là phương thức nâng cao vị trí, vai trò của công đoàn trong truyền bá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trước thế giới.
Theo Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum), việc cho phép người nước ngoài gia nhập Công đoàn Việt Nam là phù hợp với xu hướng chuyển dịch lao động từ trong nước ra nước ngoài và từ nước ngoài vào nước ta, đồng thời cũng thể hiện thái độ cởi mở của Đảng và Nhà nước ta, qua đó quyền, lợi ích hợp pháp của họ cũng được quan tâm và bảo vệ.
Tuy nhiên, Đại biểu Tô Văn Tám cũng cho rằng, công đoàn là một tổ chức chính trị xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng có điều lệ; do vậy cần có quy định cụ thể thêm về điều kiện gia nhập công đoàn của người nước ngoài lao động tại Việt Nam theo hướng họ phải tán thành tôn chỉ, mục đích của công đoàn, tự nguyện và có trách nhiệm trong việc xây dựng công đoàn vững mạnh, tránh tình trạng lợi dụng việc gia nhập công đoàn để chống phá.
“Đây cũng là vấn đề mới, theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì mới có 53% người lao động nước ngoài có nhu cầu gia nhập công đoàn. Bởi vậy, tôi nghĩ nên quy định ghi nhận quyền của họ nhưng ghi nhận theo hướng thay vì chúng ta khẳng định là có quyền, khi khẳng định có quyền gia nhập công đoàn thì sẽ ngang với người lao động Việt Nam”, Đại biểu nói và đề nghị quy định là “có thể gia nhập Công đoàn Việt Nam” hoặc sử dụng cụm từ “được gia nhập Công đoàn Việt Nam”.