Sử dụng ma túy đá gây ảo giác trước khi giết người?
Ngày 26/9, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm vụ án Giết người vì mâu thuẫn trên facebook đối với bị cáo Vũ Văn Hiệp (SN 1992 trú tại Thị trấn Thổ Tang huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).
Mở đầu phiên tòa, cha của bị cáo Vũ Văn Cẩn trình bày nội dung kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cho biết đã đền bù 700 triệu đồng đối với gia đình nạn nhân. Đồng thời ông Cẩn trình bày tình tiết xin kháng cáo giảm nhẹ hình phạt là bị cáo Hiệp đã dùng chất kích thích (ma túy đá) khi phạm tội.
Tuy nhiên HĐXX cho biết tình tiết này đã được ghi nhận tại phiên xử sơ thẩm nên đề nghị ông Cẩn xem xét lại kháng cáo của mình.
Theo ông Cẩn, gia đình ông có bà Vũ Thị Thu (chị gái ông Cẩn) và bố đẻ (ông nội bị cáo) bị bệnh tâm thần nên đề nghị HĐXX xem xét về hành vi của con trai.
Ông Nguyễn Văn Thanh (bố nạn nhân) cho biết cấp sơ thẩm áp dụng khoản 2 Điều 93 BLHS, điểm p, n khoản 1 điều 46 BLHS để xử phạt bị cáo là chưa tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo.
Khẳng định tại tòa, ông Thanh cho biết, bị cáo đã Hiệp phản cung, ban đầu Hiệp khẳng định không dùng chất kích thích tuy nhiên trong phần thẩm vấn của HĐXX cấp phúc thẩm lại tự nhận rằng mình có sử dụng ma túy đá từ trước.
Sau quá trình thẩm vấn, HĐXX đã xác định bị cáo Hiệp và anh Nguyễn Văn Duy (SN 1987, người cùng địa phương) là bạn chơi thân với nhau từ năm 2007, tuy nhiên đến khoảng tháng 4/2014, Hiệp có nói với Duy sẽ không chơi với nhau nữa. Kể từ đó, Duy và Hiệp thường xuyên lên mạng xã hội Facebook nói xấu nhau khiến cả hai xảy ra mâu thuẫn.
Đỉnh điểm của sự mâu thuẫn này khiến anh Nguyễn Văn Duy tử vong dưới nhát dao trí mạng của Hiệp vào ngày 29/6/2015.
HĐXX hỏi ông Cẩn trước khi bị cáo phạm tội có biểu hiện, dấu hiệu, bị bệnh gì không?
Trả lời câu hỏi này, ông Cẩn cho biết Hiệp bị hở môi hàm ếch bẩm sinh từ bé và được ông đưa đi phẫu thuật 3 lần ở Viện Răng Hàm Mặt Trung ương nên bị ảnh hưởng một phần đến đầu óc.
“Trước khi phạm tội, Hiệp có hành vi bất thường, mua ma túy dấu vào thùng gạo và gia đình nghi sử dụng mà túy tuy nhiên chưa bắt gặp trực tiếp lần nào” – ông Cẩn trình bày.
Sau đó, ông Cẩn cho biết khi thấy Hiệp có biểu hiện bất thường nên gia đình đã đưa đi kiểm tra thì phát hiện có sử dụng ma túy đá gây ảo giác.
Trả lời HĐXX về bản kết luận số 52/KL-GĐ ngày 11/11/2015 của Viện pháp y tâm thần trung ương, ông Dương Văn Lương – Phó Viện trưởng Giám định viên Viện Pháp Y Tâm thần Trung ương cho biết, theo trưng cầu giám định của CQ CSĐT CAT Vĩnh Phúc về việc giám định pháp y tâm thần đối với Hiệp thì và Viện Pháp Y đã cử các y bác sĩ tiếp nhận bị cáo Hiệp và khẳng định tại thời điểm phạm tội Hiệp có biểu hiện rối loạn tâm thần.
Lý giải thêm về bản KLGĐ này, ông Lương cho biết qua thu thập, khai thác trên đối tượng (bị cáo Hiệp – PV) thì Viện pháp y tâm thần trung ương ra kết luận Hiệp sử dụng hồng phiến 2 đến 3 lần/năm”.
Bản Giám định sai phạm nghiêm trọng
Bước sang phần tranh luận, VKS cho rằng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bố bị cáo không có tình tiết gì mới nên đề nghị HĐXX bác kháng cáo của ông Cẩn.
Đối với việc thay đổi điều khoản với bị cáo, VKS cho biết thời gian bị cáo phạm tội đã được xác định có biểu hiện tâm thần.
“Cơ quan giám định pháp y đã tiến hành giám định các bị cáo và xác định thời điểm phạm tội bị cáo đã sử dụng chất kích thích và có biểu hiện mắc bệnh tâm thần” – VKS bác kháng cáo của gia đình nạn nhân.
Về vấn đề này, ông Thanh đề nghị HĐXX cho giám định lại bệnh tâm thần đối với bị cáo.
Luật sư Trần Văn Lý – là luật sư bảo vệ cho gia đình bị hại đưa ra quan điểm, hồ sơ vụ án thể hiện bị cáo Hiệp đã có hành vi côn đồ được thể hiện trong các bút lục có nội dung sau khi bị đâm anh Duy bỏ chạy và Hiệp đuổi theo, sau đó có rất nhiều người can ngăn nhưng Hiệp vẫn lao tới đâm thêm nhiều nhát mới khiến anh Duy tử vong.
Về việc VKS cho rằng dựa vào bản KLGĐ số 52 ngày 11/11/2015 của Viện pháp y tâm thần trung ương kết luận bị cáo Hiệp bị tâm thần. LS cho rằng bản KLGĐ này thể hiện:
“Tại thời điểm phạm tội bị can Vũ Văn Hiệp có biểu hiện rối loạn tâm thầm do sử dụng các chất gây ảo giác… Hành vi phạm tội do phảm ứng mâu thuẫn. Bị can hạn chế khả măng nhận thức và điều khiểm hành vi”
Theo luật sư Lý, biểu 18 của tổ chức y tế thế giới và dược thư quốc gia Việt Nam, tài liệu của cục phòng chống HIV/AIDS của Bộ y tế thì thời gian thải trừ chất ma túy trong con người chỉ có 24-48 giờ nếu tái sử dụng, nếu sử dụng chất ephedrine thì thời gian thải trừ là từ 48-72 giờ (tương ứng với 2-3 ngày).
Như vậy để xác định được bị cáo có sử dụng chất ma túy hay không thì các xét nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng (như xét nghiệm máu, nước tiểu) phải được thực hiện ngay sau khi bị cáo phạm tội hoặc là trong vòng 03 ngày bị cáo phạm tội để xét nghiệm thì kết quả mới phản ánh chính xác.
Bị cáo phạm tội vào ngày 29/6/2015, tuy nhiên trong hồ sơ không có biên bản lấy mẫu nước tiểu, mẫu máu để giám định, đến tận ngày 11/11/2015 sau 04 tháng mới thực hiện giám định - kết quả giám định sẽ không thể phản ánh được tại thời điểm bị cáo phạm tội có sử dụng chất ma túy hay không.
Tính từ thời điểm tháng 2/2015 là lần bị cáo sử dụng ma túy gần nhất đến khi phạm tội ngày 29/6/2015 là 4 tháng, kể cả bị cáo có sử dụng chất ma tuy mạnh nhất thì thời gian thải trừ ra khỏi cơ thể cũng chỉ có từ 48-72 tiếng tương ứng từ 2-3 ngày, như vậy không cần xét nghiệm cũng có đầy đủ căn cứ khẳng định tại thời điểm phạm tội trong người của bị cáo Hiệp không còn chất ma túy do đã thải trừ hết.
Trong KLGĐ không xác định cụ thể bị cáo sử dụng loại chất ma túy gây ảo giác là loại nào để xác định thời gian loại thải ra khỏi cơ thể nên không thể lấy lý do Hiệp sử dụng các gây ảo giác bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi để cho rằng hành vi phạm tội của bị cáo “không có tính côn đồ” và làm căn cứ giảm nhẹ tội cho bị cáo.
Sau giờ nghị án, HĐXX đã quyết định chấp nhận một phần kháng cáo tăng nặng hình phạt của gia đình bị hại. Theo đó, chủ tọa Ngô Anh Dũng – Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định tuyên phạt bị cáo Vũ Văn Hiệp 9 năm 6 tháng tù giam (tăng 18 tháng so với bản án sơ thẩm).