“Tảng băng chìm” đằng sau danh hiệu Đại sứ Du lịch Việt Nam

(PLO) - Trước đạo diễn “Kong - Đảo đầu lâu”, từng có không ít ngôi sao nổi tiếng như Lý Nhã Kỳ, Jennifer Phạm… được bổ nhiệm vai trò Đại sứ Du lịch Việt Nam nhưng hiệu quả vẫn còn trong nghi vấn. Bên cạnh đó, có những người nổi tiếng không mang “trọng trách” này nhưng vì tình yêu và tâm huyết với văn hóa Việt, lại khắc ghi được dấu ấn Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Vậy, phải chăng danh hiệu Đại sứ Du lịch mới chỉ đạt được “phần nổi”, chưa lo được “phần chìm”?
Lý Nhã Kỳ, Đại sứ du lịch đầu tiên của Việt Nam từ tháng 9/2011 đến tháng 9/2012

Hiệu quả gây tranh cãi

Sau tiếng tăm của bộ phim bom tấn “Kong – Đảo đầu lâu” tại Việt Nam, đạo diễn Jordan Vogt-Roberts trong thời gian giữ vai trò Đại sứ Du lịch tại Việt Nam nhiệm kỳ 2017 – 2020 đã vướng vào không ít rắc rối, ồn ào, trong đó có không ít tin đồn thiếu tích cực liên quan đến việc bị tấn công trọng thương ở một quán bar (TP HCM) cách đây một năm.

Đáng nói, ngay sau đó, vị đạo diễn 34 tuổi đã phải hủy bỏ các hoạt động quảng bá du lịch để về Mỹ điều trị và đến nay, hoạt động quảng bá về du lịch Việt Nam của vị đại sứ du lịch Việt Nam người Mỹ này vẫn chưa có nhiều cập nhật đáng chú ý. 

Khi Jordan Vogt-Roberts được bổ nhiệm vai trò Đại sứ Du lịch Việt Nam, đã có nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn, liệu đây có phải gương mặt phù hợp? Rồi theo đó, những “lùm xùm” xung quanh vị đạo diễn sau khi được trao danh hiệu cũng khiến dư luận phải nghi ngại về tâm huyết của ông đối với văn hóa và du lịch Việt Nam.

Song, cũng không quá khi nói rằng, từ trước đến nay, những hy vọng quá lớn vào các Đại sứ Du lịch phần lớn đều chỉ nhận lại… nỗi thất vọng. Trước Jordan, Việt Nam cũng từng có không ít Đại sứ Du lịch là những ngôi sao nổi tiếng như Lý Nhã Kỳ, Jennifer Phạm… nhưng kết quả vẫn là câu chuyện bỏ ngỏ. Với trường hợp của đạo diễn phim “Kong – đảo đầu lâu”, rõ ràng không phải ai cũng sẽ phấn khích đến Việt Nam chỉ vì tiếng tăm của một bộ phim. 

Điều này đặt ra một câu hỏi lớn đối với việc sử dụng hình ảnh đại sứ, cũng như những người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng (KOL) tại Việt Nam đã thực sự hiệu quả cho việc phát triển du lịch hay chưa?   

Chọn người có tâm huyết

Việc lựa chọn gương mặt KOL phù hợp sẽ giúp kết nối được với thị trường mong muốn và khách hàng mục tiêu, góp phần tối ưu hóa việc quảng cáo trên các phương tiện truyền thông. Ông Brent Hill tại Diễn đàn du lịch cấp cao Việt Nam 2018 đã chỉ ra, khi Hội đồng Du lịch Nam Úc chọn siêu sao Trung Quốc Huỳnh Hiểu Minh làm Đại sứ thương hiệu toàn cầu nhiệm kỳ 2017 – 2018, lượt tiếp cận chỉ trên các phương tiện mạng xã hội đã đạt hơn 56 triệu người (Wechat, Facebook, Twitter, Instagram); theo đó, lượt đặt chuyến bay đến Úc qua hãng China Southern Airlines (Trung Quốc) cũng tăng gấp 4,5 lần. 

Mặt khác, cũng từ việc KBS Media và SaryeoNi Film (Hàn Quốc) cho ra mắt bộ phim tài liệu về HLV Park Hang-seo ngay trước trận chung kết lượt về giải AFF Suzuki Cup 2018 thu hút được sự quan tâm lớn của cộng đồng hâm mộ bóng đá Việt Nam và trong khu vực. Có thể thấy, người nước ngoài luôn biết nắm bắt thời cơ đúng lúc, sử dụng hình ảnh của những người nổi tiếng một cách khôn khéo để truyền thông, quảng bá cho đất nước và con người của họ.

Còn ở Việt Nam, có nhiều người nổi tiếng mặc dù không phải Đại sứ, nhưng vì lòng yêu mến với văn hóa Việt, lại khắc ghi được dấu ấn Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Đáng nói nhất chắc chắn phải kể đến vị đầu bếp đáng kính người Mỹ Anthony Bourdain. Hiếm có vị đầu bếp quốc tế nào tâm huyết với văn hóa Việt, được người Việt yêu mến và biết đến nhiều như Anthony Bourdain.

Chỉ cần nói đến “ông đầu bếp ăn bún chả cùng Tổng thống Obama” hay “ông Tây đưa "bún chửi" lên CNN”, hẳn nhiều người sẽ biết ngay đang nói đến ai. Nhờ sự giới thiệu không ngừng nghỉ của ông từ năm 2014, nhiều quán ăn, nhiều món ăn dân dã Việt Nam đã được đưa lên tầm cao mới trong bản đồ ẩm thực thế giới, góp phần đưa ẩm thực đường phố thành một “đặc sản” của du lịch Việt Nam. 

Đáng chú ý gần đây là việc diễn viên điện ảnh gạo cội người Mỹ Morgan Freeman đã đến nhiều cơ sở tôn giáo, địa danh văn hóa tại Việt Nam như Tòa thánh Tây Ninh, Văn Miếu Quốc Tử Giám,… cho chương trình truyền hình dài tập của ông trên National Geographic - kênh phim tài liệu (Mỹ) được yêu thích nhất ở châu Á. Qua đó, công chúng cũng mong chờ du lịch tâm linh tại Việt Nam sẽ thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế qua những thước phim này.

Nói tóm lại, trong thời đại 4.0, các kênh truyền thông cùng với những đại sứ quan hệ công chúng đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền đạt thông điệp, tăng sự nhận biết của du khách với quốc gia và những đặc điểm nổi bật về du lịch tại quốc gia đó.

Song, trọng trách quảng bá không thể chỉ đặt lên vai một người mang danh hiệu Đại sứ; mà hiệu quả chủ yếu vẫn phải nằm ở chiến lược của ngành, trong đó bao gồm việc định hướng hình ảnh và hoạt động của Đại sứ Du lịch./.

Đọc thêm