Tăng ca lên 400 giờ/năm để bù “khoảng trống” thiếu hụt lao động

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam kiến nghị tăng khung giờ làm thêm tối đa trong 1 năm từ 300 giờ lên 400 giờ để đảm bảo bù đắp cho việc thiếu hụt lao động trầm trọng do dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn số 112/CV-VASEP gửi Bộ Lao động và Thương binh Xã hội (LĐ-TB&XH), đóng góp ý kiến xây dựng Nghị quyết về số giờ làm thêm.

Trong đó, VASEP kiến nghị tăng khung giờ làm thêm tối đa trong 1 năm từ 300 giờ lên 400 giờ để đảm bảo bù đắp cho việc thiếu hụt lao động trầm trọng do dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Sau khi nghiên cứu dự thảo và trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp hội viên, VASEP cho biết, nhất trí bỏ quy định trần số giờ làm thêm trong 1 tháng để tạo điều kiện linh hoạt cho sản xuất, nhằm đáp ứng đơn hàng và đối ứng với tình trạng thiếu hụt lao động do dịch bệnh COVID-19.

Đồng thời, VASEP kiến nghị tăng khung giờ làm thêm tối đa trong 1 năm từ 300 giờ lên 400 giờ không phụ thuộc vào ngành nghề sản xuất, để đảm bảo bù đắp cho việc thiếu hụt lao động trầm trọng do dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Bên cạnh đó, VASEP cũng kiến nghị bỏ tạm thời quy định thông báo về việc tổ chức làm thêm giờ theo Điều 62, Nghị định 145/2020/NĐ-CP. Khi doanh nghiệp có kế hoạch làm thêm giờ chỉ cần dựa trên thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động. Việc này giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong việc bố trí, sắp xếp kế hoạch làm thêm tùy thuộc theo tình hình thực tế của doanh nghiệp về nguyên liệu và lực lượng lao động. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý, tổ chức thời gian làm thêm theo đúng quy định của Nghị quyết và chịu trách nhiệm hậu kiểm.

Theo VASEP, thời gian qua khi các tỉnh/thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, đến 70% nhà máy chế biến thủy sản phải ngừng sản xuất suốt 2 tháng qua, chỉ khoảng 30% nhà máy sản xuất cầm chừng theo phương thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp không sắp xếp được chỗ ở cho người lao động trong quá trình thực hiện “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”.

Doanh nghiệp bị thiếu hụt lao động do các tỉnh/thành phố thực hiện giãn cách xã hội khiến người lao động không thể đi làm; bị thiếu hụt nguyên liệu, nguyên vật liệu phụ trợ trong chuỗi cung ứng sản xuất xuất khẩu do quá trình vận chuyển hàng hóa gặp khó khăn khi di chuyển liên tỉnh. Những điều này khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất, bị mất khách hàng do không cung cấp đủ đơn đặt hàng cho khách hàng.

Vì vậy, VASEP đề nghị Bộ LĐ-TB&XH xem xét đồng ý để giúp cho người lao động có thêm thu nhập ổn định; các doanh nghiệp có thể sản xuất kịp thời đơn hàng và phát triển bền vững tại Việt Nam.

Theo dự thảo Nghị Quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc cho phép không áp dụng giới hạn số giờ làm thêm trong 1 tháng và được tổ chức làm thêm đến 300 giờ trong 1 năm. Nghị Quyết cho phép người sử dụng lao động thỏa thuận với người lao động về việc làm thêm giờ mà không áp dụng giới hạn số giờ làm thêm trong 01 tháng (quy định tại điểm b khoản 2 Điều 107 Bộ luật Lao động) và được làm thêm đến 300 giờ trong 01 năm mà không bị giới hạn nhóm ngành, nghề, công việc (quy định tại khoản 3 Điều 107 Bộ luật Lao động) trong khoảng thời gian làm việc trước ngày 01/01/2025.

Đọc thêm