Tăng cường bảo vệ ngư dân và đảm bảo an ninh trên vùng biển thuộc thẩm quyền

(PLO) - “Tình hình tàu cá và ngư dân Việt Nam hoạt động hợp pháp trên ngư trường truyền thống thuộc quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam bị Trung Quốc kiểm soát, xua đuổi, đập phá tịch thu tài sản và đâm va, đâm chìm vẫn tăng”. 
Tăng cường bảo vệ ngư dân và đảm bảo an ninh trên vùng biển thuộc thẩm quyền
Đó là chia sẻ của ông Lưu Văn Huy - Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) bên lề Hội nghị Tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016 của Cục Kiểm ngư.
Nhiều thách thức trên biển gây áp lực đối với ngư dân
- Tình hình trên biển năm 2015 có nhiều diễn biến phức tạp. Vậy kết quả hoạt động của lực lượng kiểm ngư năm 2015 như thế nào, thưa ông?
Tình hình phức tạp, nhiều thách thức trên biển gây áp lực đối với ngư dân, đòi hỏi Kiểm ngư Việt Nam và các lực lượng phải thường xuyên bám sát ngư trường để tuần tra, kiểm soát và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh nghề cá trên biển. Mặc dù mới hoạt động 2 năm, các văn bản, cơ chế tuyển dụng… chưa hoàn thiện nhưng lực lượng kiểm ngư vẫn hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Xin ông nói rõ hơn về tình hình tàu cá bị tai nạn và bị nước ngoài bắt giữ?
Trong năm 2015, tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm ở các nước trong khu vực có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, tình hình tàu cá và ngư dân Việt Nam hoạt động hợp pháp trên ngư trường truyền thống thuộc quần đảo Trường Sa - Hoàng Sa thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam bị Trung Quốc kiểm soát, xua đuổi, đập phá tịch thu tài sản và đâm va, đâm chìm vẫn tăng. 
Số lượng tàu cá Trung Quốc  vi phạm vùng biển Việt Nam trong năm 2015 có xu hướng tăng, cụ thể đến hết tháng 11/2015 là 3.718 lượt/chiếc, tăng 2.764 lượt/chiếc so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vịnh Bắc Bộ là 1.916 lượt/chiếc; cửa vịnh, Hoàng Sa và vùng viển miền Trung là 574 lượt/chiếc; khu vực Trường Sa và phía Nam là 1.228 lượt/chiếc; khu vực biển phía Tây Nam là 3 vụ/13 phương tiện/64 ngư dân Campuchia, 1 vụ/3 tàu Thái Lan.
Tính đến tháng 12/2015 xảy ra 93 vụ tai nạn trên biển, trong đó 34 vụ máy hỏng thả trôi, 6 vụ đâm va, 19 vụ mắc cạn phá nước, 4 vụ bị tàu Trung Quốc bắt giữ, 28 vụ tai nạn lao động làm 6 người bị thương, 10 người bị bệnh nặng, 14 người mất tích, 16 người chết và cứu sống 3 người.
- Còn tình trạng khai thác hải sản trên biển Đông, thưa ông?
Qua công tác tuần tra, kiểm soát và thanh tra chuyên ngành thủy sản cho thấy, tình hình hoạt động khai thác thủy sản của tàu nước ngoài trên biển tương đối phức tạp. Việc tàu cá nước ngoài cố tình vi phạm có tính chất thường xuyên với số lượng tàu cá đi thành đội, công suất máy lớn gây áp lực với ngư dân Việt Nam.
Ông Lưu Văn Huy - Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Ông Lưu Văn Huy - Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). 
Xử lý vi phạm để duy trì ổn định cho nghề cá
- Lực lượng Kiểm ngư đã thực hiện Chỉ thị số 689/CT-TTg về các biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam bị bắt như thế nào, thưa ông?
Cục đã tổ chức đoàn liên ngành kiểm tra tình hình tàu cá, ngư dân nước ngoài bắt giữ, xử lý tại các tỉnh (Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận..), phối hợp với các bộ ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng tàu cá bị nước ngoài bắt giữ. Đặc biệt trong năm, Cục đã phối hợp với Cục Lãnh sự- Bộ Ngoại giao, UBND tỉnh Kiên  Giang xử lý các vụ việc nghiêm trọng.
Trong năm 2015, Cục Kiểm ngư đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản trên các vùng biển; nắm bắt tình hình tàu cá nước ngoài, tàu cá Việt Nam hoạt động trên các vùng biển thuộc chủ quyền nước ta; phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản của tàu cá Việt Nam và tàu cá nước ngoài, duy trì sự ổn định hoạt động nghề cá trên các vùng biển góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. 
Đồng thời tuyên truyền pháp luật về bảo vệ thủy sản và kiểm ngư, hướng dẫn ngư dân nước ta khai thác thủy sản đúng pháp luật, hỗ trợ ngư dân, làm chỗ dựa cho ngư dân khai thác thủy sản trên biển; tham gia tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống thực tế xảy ra trên biển.
Sự có mặt của lực lượng Kiểm ngư trên biển đã tạo sự yên tâm tin tưởng của ngư dân ta trong quá trình hoạt động sản xuất trên ngư trường truyền thống, góp phần trong việc bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh trật tự trên biển, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm vùng biển đánh bắt trái phép.
- Để bảo vệ ngư dân, trong thời gian tới lực lượng Kiểm ngư có những kế hoạch gì, thưa ông?
Năm 2016 chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường tuần tra kiểm soát, tăng tần suất kiểm tra, kiểm soát tại các vùng biển chồng lấn; tại các ngư trường truyền thống; cửa vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, Trường Sa, Tây Nam bộ; kịp thời phối hợp với các lực lượng liên quan để xử lý các tình huống phức tạp, phát sinh trên biển; xua đuổi, ngăn chặn tàu cá nước ngoài hoạt động trái phép. 
Song song với đó, lực lượng Kiểm ngư cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các tổ chức, cá nhân, ngư dân hoạt động trên các vùng biển Việt Nam. Đồng thời Cục sẽ thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn chuyên môn, nâng cao năng lực cho các cán bộ kiểm ngư và cán bộ, thuyền viên tàu Kiểm ngư nhằm thực hiện tốt chức năng bảo vệ ngư dân và đảm bảo an ninh trên vùng biển thuộc thẩm quyền. 
- Xin cảm ơn ông và chúc ông sức khỏe!  

Đọc thêm