Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) Lê Minh Trí nhấn mạnh khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐB) về các biện pháp nâng cao chất lượng giải quyết tin báo tố giác, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) bày tỏ băn khoăn về chất lượng thực hành quyền công tố, việc trả hồ sơ cho cơ quan điều tra còn nhiều.
Giải đáp băn khoăn của ĐB, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC) Lê Minh Trí cho biết, trong báo cáo của Ủy ban Tư pháp có nhận định là một số VKSND chưa kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm dẫn đến có 3.368 tố giác tin báo vi phạm thời hạn giải quyết, dẫn tới lo lắng tiềm ẩn nguy cơ bỏ lọt tội phạm và chất lượng kiểm sát điều tra.
Tuy nhiên, ông Trí cung cấp một số thông tin để ĐB cũng như Quốc hội an tâm, “không đến nỗi phải lo như thế”.
Theo đó, Viện trưởng VKSNDTC cho biết, hiện nay, Luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định chặt chẽ việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Bên cạnh đó, VKSND luôn coi việc xử lý tin báo tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố là một nhiệm vụ quan trọng.
Theo Viện trưởng VKSNDTC, trong năm 2018, toàn ngành đã tập trung và đã kiểm soát giải quyết 120.142 tố giác tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; tăng 6.627 tin báo tội phạm, bằng 5,83% so với cùng kỳ năm 2017.
Các VKSND cũng đã trực tiếp kiểm soát giải quyết tin báo tố giác tội phạm khi khởi tố 1.218 lượt, tăng 13,2%; đã ban hành 1.225 bản kiến nghị khắc phục vi phạm pháp luật, tăng 17,7%; yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố điều tra 665 vụ, tăng 31,2%.
“Tôi nói con số này lên để muốn nói rằng thực sự cơ quan điều tra và VKS đã quan tâm và có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này một cách nghiêm túc. Tất nhiên do thực tế của tình hình tội phạm, chúng ta phải xử lý giống một quy trình chặt chẽ như vậy”, ông nói.
Viện trưởng VKSNDTC cũng khẳng định xử lý tin báo tố giác tội phạm là nhiệm vụ chủ yếu của cơ quan điều tra, còn kiểm sát là kiểm sát quá trình thụ lý giải quyết tin báo tố giác đó.
“3.386 phát hiện vi phạm thời hạn giải quyết chính là VKS các cấp phát hiện chậm thời hạn. Trong khi phát hiện như vậy thì VKS đã kịp thời ban hành 1.225 kiến nghị để cơ quan điều tra khắc phục vi phạm, tăng tới 184 kiến nghị và 17,7% so với năm 2017. Như vậy việc vi phạm thời hạn này nhưng đã được phát hiện. Có 1.225 kiến nghị như thế thì chúng ta an tâm không để bỏ lọt tội phạm”, Viện trưởng Lê Minh Trí nêu rõ.
Tranh luận gay gắt vụ bác sỹ Lương
Cũng tại phiên họp, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (TP Hà Nội) đề cập cụ thể về vụ chạy thận nhân tạo gây chết người xảy ra tại Hòa Bình, trong đó bác sỹ Hoàng Công Lương đã 3 lần bị thay đổi tội danh.
“Vậy vai trò của kiểm soát viên ở đây ra sao và chất lượng chúng ta cần phải đánh giá như thế nào trong vấn đề điều tra?”, ĐB đặt vấn đề.
Trả lời chất vấn, Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định đây là vụ án hết sức phức tạp và hậu quả rất nghiêm trọng gây chết 9 người.
“Có lẽ cũng là điều đáng tiếc, chúng ta không mong muốn xảy ra. Tuy nhiên, trách nhiệm của cơ quan tố tụng phải chứng minh được đúng bản chất của tội phạm. Trong quá trình tố tụng, cơ quan điều tra, VKS và kể cả Tòa án, việc xác định tội danh, đánh giá chứng cứ và xác định khung hình phạt tối đa, tối thiểu sẽ thay đổi khi xuất hiện những yếu tố, tình tiết, chứng cứ mới. Trong quá trình điều tra, truy tố vụ án này, có những đối tượng, bị can có liên quan phản cung, thay đổi lời khai. Phát sinh, phát hiện một số tài liệu chứng cứ có nghi vấn, cần phải được làm rõ, nên việc điều chỉnh tội danh là để đảm bảo đúng bản chất tội phạm và để không oan và không lọt, đó cũng là lẽ đương nhiên với những vụ án phức tạp như thế này”, ông nói.
Tuy nhiên, ĐB Lê Thị Nga (Thái Nguyên) - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội – cho biết, báo cáo Ủy ban Tư pháp cũng nêu ra số liệu số vụ án Tòa án trả hồ sơ cho VKS nhiều gấp hai lần số vụ kiểm sát trả hồ sơ cho cơ quan điều tra, cho thấy chất lượng công tố và thực hành công tố trong giai đoạn điều tra còn một số mặt hạn chế.
“Chúng tôi lấy ví dụ, ví dụ như ông Hoàng Công Lương, bác sỹ của Bệnh viện đa khoa Hòa Bình. Sau khi Tòa án trả hồ sơ thì VKS phải khởi tố thêm 2 tội danh, chuyển cho cơ quan điều tra khởi tố thêm 2 bị can là Hoàng Đình Khiếu và Trần Văn Thắng. Điều này chứng tỏ VKS trong giai đoạn truy tố đã bỏ lọt người phạm tội”, ĐB Nga nêu quan điểm.