Tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra trong thi hành án dân sự

(PLVN) -Công tác kiểm tra, tự kiểm tra trong hoạt động thi hành án dân sự (THADS) không chỉ góp phần đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ mà còn giúp các cơ quan THADS kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý những vi phạm, thiếu sót, từ đó nâng cao hiệu quả các mặt công tác.
Đoàn kiểm tra của Tổng cục THADS kiểm tra chuyên đề tại Cục THADS tỉnh Bạc Liêu

Hàng năm, Tổng cục THADS, các Cục THADS đều ban hành và chủ động triển khai nghiêm túc Kế hoạch kiểm tra công tác THADS và Kế hoạch phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mỗi năm, Tổng cục THADS thành lập 10-20 đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất, toàn diện và chuyên đề thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ; xác minh, phân loại điều kiện thi hành án, bán đấu giá tài sản thi hành án, trình tự, thủ tục thi hành án... Đồng thời còn tiến hành tổ chức thẩm tra Kết luận tự kiểm tra của các Cục THADS.

Tại địa phương, các Cục THADS hàng năm đều ban hành kế hoạch kiểm tra trên tất cả các mặt công tác đối với hai cấp. Tùy tình hình thực tế, các Cục THADS còn tiến hành kiểm tra đột xuất và kiểm tra toàn diện đối với một số Chi cục. Đồng thời, các chi cục THADS phải tự kiểm tra hồ sơ thi hành án thuộc trách nhiệm tổ chức thi hành án của mình.

Ngoài ra, các Cục THADS còn thành lập các đoàn để kiểm tra chuyên đề, toàn diện và đột xuất. Việc kiểm tra quyết định lớn đến chất lượng công tác và giúp Cục THADS kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm trong quá trình THADS, nhằm đảm bảo việc thi hành án trung thực, khách quan, đúng quy định pháp luật. Đồng thời, tìm ra cách làm hay, điển hình tiên tiến để phổ biến, nhân rộng.

Thông qua kiểm tra còn để tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật. Đặc biệt, việc tập trung kiểm tra còn rút ra được những kiến nghị, đề xuất một cách toàn diện, giúp lãnh đạo cục nắm rõ tình hình, thực trạng công tác. Từ đó, đưa ra những đề xuất, kiến nghị và chỉ đạo cần thiết, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý của lãnh đạo Cục THADS.

Tuy nhiên, công tác kiểm tra tại một số đơn vị có lúc còn chưa thường xuyên; lãnh đạo chưa sát sao, đôn đốc, nhắc nhở công chức trong đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ; chưa tập trung quyết liệt trong việc chỉ đạo giải quyết án trọng điểm. Một số công chức, chấp hành viên chưa làm hết chức trách, nhiệm vụ được giao, có những vi phạm về trình tự, thủ tục tổ chức thi hành án. Việc khắc phục các kết luận kiểm tra còn chậm…

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, các cơ quan THADS cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, thanh tra, tự kiểm tra và kiểm soát nội bộ với công tác THADS, THAHC theo đúng tinh thần như Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đã chỉ đạo tại Hội nghị giao ban công tác THADS, THAHC 9 tháng đầu năm 2022: “Công tác kiểm tra từ Tổng cục xuống các Cục THADS và Chi cục cần được thực hiện hiệu quả trên tinh thần hết sức chặt chẽ, nghiêm khắc, kịp thời phát hiện ra những thiếu sót, vi phạm để chấn chỉnh, không để phát sinh hậu quả”.

Trong đó, trọng tâm là thực hiện kiểm tra, thanh tra đối với công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng; công tác xác minh, phân loại án; thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án. Làm tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở. Chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong công tác THADS, theo dõi THAHC, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm đã được chỉ ra trong các kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm sát, phòng ngừa tham nhũng trong hoạt động THADS.

Cùng với đó, để đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ, hệ thống cơ quan THADS cần thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Tổng cục THADS tại Công văn được ban hành mới đây. Theo đó, Tổng cục THADS yêu cầu Cục trưởng Cục THADS các tỉnh, trực thuộc Trung ương chỉ đạo Chấp hành viên của Cục và các Chi cục THADS trực thuộc thực hiện nghiêm, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật trong quá trình tổ chức thi hành án, đặc biệt trong quá trình kê biên, thẩm định giá, bán đấu giá và thu tiền bán tài sản, tiền thi hành án.

Tăng cường công tác kiểm tra, tự kiểm tra để sớm phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật có thể xảy ra, bảo đảm 100% hồ sơ thi hành án phải được kiểm tra tại đơn vị. Chỉ đạo, theo dõi công tác kiểm tra, tự kiểm tra của Chấp hành viên và các Chi cục THADS trực thuộc, đặc biệt đối với các hồ sơ thi hành án có giá trị lớn và các hồ sơ bán đấu giá. Kết luận và chỉ đạo các Chi cục THADS trên địa bàn đánh giá, làm rõ các tồn tại, sai phạm tại các hồ sơ thi hành án; khắc phục và chỉ đạo các Chi cục trưởng Chi cục THADS khắc phục các vi phạm, thiếu sót phát hiện trong quá trình kiểm tra, tự kiểm tra.

Đọc thêm