Tăng cường giám sát tài chính để đối phó với khủng hoảng

Những diễn biến phức tạp trên thị trường tài chính thế giới đang đặt hệ thống tài chính khu vực Đông Á trước không ít rủi ro, đòi hỏi các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách tài chính, các cơ quan giám sát phải tiếp tục đổi mới cơ chế phối hợp trong giám sát tài chính…

Những diễn biến phức tạp trên thị trường tài chính thế giới đang đặt hệ thống tài chính khu vực Đông Á trước không ít rủi ro, đòi hỏi các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách tài chính, các cơ quan giám sát phải tiếp tục đổi mới cơ chế phối hợp trong giám sát tài chính…

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm
Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm

Với chủ đề “Khuôn khổ ổn định và giám sát tài chính trong môi trường nhiều biến động”, Hội nghị ổn định tài chính khu vực Đông Á đã khai mạc sáng qua- 27/11 tại Hà Nội.

Khoảng 400 quan chức và chuyên gia tài chính ngân hàng khu vực Đông Á, các tổ chức tài chính quốc tế cùng các chuyên gia cao cấp từ khu vực Châu Âu, Bắc Mỹ đã tham dự sự kiện  được đánh giá là rất có ý nghĩa cả đối với Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới. Theo thông tin từ Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia, đơn vị đang cai tổ chức Hội nghị, đây cũng là hội nghị quốc tế lần đầu tiên về ổn định tài chính và giám sát vĩ mô tổ chức tại Việt Nam.

“Trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế và Việt Nam tiềm ẩn nhiều bất ổn, việc nỗ lực tổ chức Hội nghị này là minh chứng mạnh mẽ cho quyết tâm cải cách hệ thống tài chính theo hướng an toàn, vững chắc tạo tiền đề duy trì đà tăng trưởng và phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam…”- Thủ tướng  Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định trong bài phát biểu tại hôi nghị.

Còn Chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia - TS Vũ Viết Ngoạn-  đã nhắc lại cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008- 2009 mà đến nay nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới vẫn đang phải vật lộn với cơn bão nợ công, thất nghiệp cao, kinh tế trì trệ, nền tảng thị trường tài chính thiếu vững chắc. “Song chúng ta cũng chứng kiến một công cuộc cải cách tài chính  mang tính cách mạng đã và đang diễn ra một cách sâu rộng trên phạm vi toàn cầu, đã đạt được một số tiến bộ đáng ghi nhận kể từ sau tuyên bố Hội nghị thượng đỉnh G20 năm 2008 tại Washington”- ông Ngoạn nói.

Theo ông, những hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu và diễn biến phức tạp hiện nay trên thị trường tài chính thế giới đang đặt hệ thống tài chính khu vực Đông Á trước không ít rủi ro, đòi hỏi phải tiếp tục lộ trình cải cách, tăng cường phối hợp chính sách và giám sát thị trường tài chính hiệu quả để xây dựng hệ thống tài chính Đông Á an toàn hơn, bền vững hơn.

Với tư cách nước chủ nhà của hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định hiện Việt Nam đang thực hiện chiến lược tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển nhanh, bền vững đất nước; phấn đấu xây dựng Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam đang thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, tập trung vào cơ cấu lại sản xuất dịch vụ, cơ cấu lại đầu tư, cơ cấu lại hệ thống DNNN, hệ thống tài chính tín dụng, điều chỉnh chiến lược thị trường theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nền kinh tế.

“Trọng tâm chương trình tái cơ cấu thị trường tài chính Việt Nam là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tăng cường hạ tầng tài chính, đổi mới cơ chế ổn định tài chính và giám sát tài chính theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế nhằm đảm bảo cho tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường kết nối, phối hợp khu vực và quốc tế, đặc biệt là đổi mới cơ chế phối hợp trong giám sát tài chính và đề cao vai trò của các tổ chức tài chính quốc tế nhằm đối phó hiệu quả hơn với các rủi ro hệ thống, có tính liên thông trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng….”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo chương trình, trong phiên hội thảo, hội nghị tập trung thảo luận 3 chủ đề: Tăng cường chính sách thận trọng và quy chế tài chính; Đẩy mạnh nền tảng tài chính và những giải pháp cơ bản hướng tới mục tiêu ổn định hệ thống; Ổn định thị trường tài chính khu vực Đông Á vì sự phát triển bền vững của kinh tế khu vực và kunh tế toàn cầu. Còn tại phiên hội nghị toàn thể, đại diện các cơ quan hoạch định chính sách và các cơ quan quản lý, giám sát sẽ thảo luận đánh giá sự ổn định tài chính của khu vực và đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng một hệ thống tài chính Đông Á an toàn hơn.  Hội nghị sẽ diễn ra hết ngày hôm nay -28/11.

Thanh Lan

Đọc thêm