Cùng xây dựng Chính phủ kiến tạo
Thay mặt Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng đánh giá, trong thời qua, Bộ Tư pháp đã cùng các bộ, ngành, trong đó có Bộ Nội vụ nỗ lực hoàn thành khối lượng lớn công việc nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách phục vụ phát triển đất nước. Hai Bộ đã phối hợp chặt chẽ trong việc giúp Chính phủ xây dựng dự án Luật về Hội và Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Trong 8 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã thẩm định 272 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), trong đó có 6 văn bản do Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng; đã kiểm tra gần 2000 văn bản, trong đó có 11 văn bản do Bộ Nội vụ chủ trì.
Bộ Nội vụ đã phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Tư pháp để hoàn thành sớm việc chuẩn hóa danh mục thủ tục hành chính, ban hành 8 Quyết định công bố thủ tục hành chính; phê duyệt phương án đơn giản hóa nhóm thủ tục hành chính về tuyển dụng, nâng ngạch công chức.
Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về chức năng, nhiệm vụ và công tác xây dựng Ngành trong thời gian qua tiếp tục được Bộ Tư pháp chú trọng với mục tiêu xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, công khai, minh bạch và hiệu quả, tạo cơ sở cho việc kiện toàn tổ chức, cán bộ, đáp ứng yêu cầu công tác tư pháp trong tình hình mới. Công tác tuyển dụng, tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức đã được Bộ Tư pháp thực hiện theo đúng quy trình và có sự phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ.
Cùng với việc tích cực xây dựng, hoàn thiện thể chế về thi đua, khen thưởng và hướng dẫn phát động phong trào thi đua, Bộ Tư pháp đã thực hiện công tác khen thưởng chặt chẽ, đúng tiêu chuẩn, đối tượng, đảm bảo dân chủ, công khai, công bằng, kịp thời, chính xác.
Năm 2016, Bộ Tư pháp đã triển khai toàn diện công tác cải cách hành chính trên cơ sở 7 lĩnh vực chủ yếu với việc đặt trọng tâm vào 3 lĩnh vực là: cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hành chính.
Kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc
Bên cạnh những kết quả trên, lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng cho biết, công tác tư pháp trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, cần sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa của Bộ Nội vụ, đơn cử như trong việc phối hợp thực hiện Nghị định 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; về tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức tư pháp- hộ tịch cấp xã cũng như biên chế cho hệ thống thi hành án dân sự (THADS)…
Đề cập đến một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trên, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị hai Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong việc kiện toàn tổ chức pháp chế; Bộ Nội vụ tiếp tục quan tâm, phối hợp về vấn đề biên chế và kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành Tư pháp trong tình hình Bộ, ngành Tư pháp được tăng cường chức năng, nhiệm vụ như hiện nay.
Đặc biệt là việc nghiên cứu, xây dựng cơ chế giao biên chế cho hệ thống THADS tương thích với việc giao biên chế cho ngành Kiểm sát và Tòa án hàng năm, vì hệ thống THADS nằm trong “dòng chảy” sau của các cơ quan tiến hành tố tụng. Trước mắt, xem xét không cắt giảm biên chế theo lộ trình giảm 1,5% biên chế hành chính hàng năm.
Nhất trí cho rằng việc cắt giảm biên chế không nên “cào bằng” mà cần có sự linh động cho phù hợp với từng bộ, ngành, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân đề nghị lãnh đạo một số đơn vị của hai Bộ cùng đánh giá về những khó khăn trong công tác THADS để xác định rõ nguyên nhân. Nếu đúng là do thiếu cán bộ thì Bộ Nội vụ sẽ có những kiến nghị, giải pháp tháo gỡ phù hợp.
Từ kinh nghiệm của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân gợi ý: “Để giải quyết khó khăn trong công tác biên chế, có thể tăng cường phân cấp quản lý hoặc giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp…”.
Đánh giá cao hiệu quả của buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Thành Long và Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho rằng, trong những năm tới, hai Bộ sẽ tiếp tục có những buổi làm việc, trao đổi ở cấp Vụ trưởng, cấp Thứ trưởng hoặc cấp Bộ trưởng nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi Bộ, hướng tới cùng xây dựng một Chính phủ kiến tạo và một ngành tư pháp vững mạnh.