Tăng cường hơn nữa hoạt động trợ giúp pháp lý cho nạn nhân bị buôn bán

(PLO) - Hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) cho nạn nhân bị buôn bán, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em trong thời gian qua đã được Cục TGPL, các Trung tâm TGPL Nhà nước và các tổ chức TGPL tích cực triển khai. 

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm của Chính phủ, trong 6 tháng đầu năm 2016, cả nước xảy ra 174 vụ mua bán người với 232 đối tượng, lừa bán 351 nạn nhân. Trong số các nạn nhân của tội phạm mua bán người có tới hơn 70% số nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em bị đưa sang Trung Quốc qua khu vực biên giới các tỉnh như Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Còn đến hết năm 2016, số liệu của Ủy ban Quốc gia Phòng chống HIV/AIDS và ma túy, mại dâm cho thấy, trong cả năm qua có 600 phụ nữ và trẻ em được giải cứu khỏi các đường dây buôn người. 

Chính phủ Việt Nam đã đưa ra rất nhiều biện pháp để phòng chống nạn buôn người. Ngày 10/5/2016, Thủ tướng ban hành Quyết định số 793/QĐ-TTg lấy ngày 30/7 hàng năm là “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”. Luật Phòng, chống mua bán người đã được ban hành và có hiệu lực từ năm 2012. Cũng trong năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn Nghị định thư Palermo về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Sau đó, năm 2015, Việt Nam ký Công ước ASEAN về Phòng chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. 

Về phía Bộ Tư pháp, trong phạm vi thẩm quyền của mình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 420/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 -2020. Theo Quyết định 420, trong giai đoạn 2016 – 2020, giao cho Cục TGPL phối hợp với Trung tâm TGPL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh việc thực hiện TGPL cho nạn nhân bị mua bán người.

Trong đó, chú trọng các nhiệm vụ như tổ chức tập huấn về kiến thức và kỹ năng TGPL cho nạn nhân bị mua bán người cho đại diện người thực hiện TGPL (trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên là luật sư) tại một số địa điểm giáp cửa khẩu biên giới hoặc nơi có số lượng nạn nhân bị mua bán nhiều; nghiên cứu, đánh giá thực trạng và nhu cầu TGPL của nạn nhân bị mua bán người để tăng cường hiệu quả TGPL đối với nạn nhân bị mua bán người; thực hiện truyền thông về Luật TGPL và các văn bản hướng dẫn thi hành về quyền được TGPL cho các nạn nhân của tội mua bán người; tổ chức thực hiện TGPL cho các nạn nhân mua bán người…

Với rất nhiều nỗ lực, qua các hoạt động đấu tranh, phân tích tình huống vụ việc, nhiều người dân đã cộng tác với các Trung tâm TGPL để tố cáo kẻ phạm tội, hoặc phối hợp giúp đỡ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Đặc biệt, có vụ ở Lạng Sơn, nạn nhân bị bán khi còn chưa thành niên, sau 17 năm mới trở về, cơ quan điều tra cho là đã quá thời hiệu, song tổ chức TGPL đã đưa ra lập luận về tội phạm kéo dài, chỉ khi nạn nhân trở về mới tố cáo được và vụ việc đã được tiếp tục điều tra.

Có vụ ở Bắc Giang, một luật sư cộng tác viên được cử tham gia bảo vệ quyền lợi cho hai nạn nhân là trẻ em bị buôn bán sang Trung Quốc (cháu Anh và cháu Trung) trong phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm xét xử kẻ phạm tội buôn bán. Kết quả, tại phiên tòa sơ thẩm, 2 nạn nhân được bồi thường mỗi người hơn 10 triệu đồng; tại phiên tòa phúc thẩm, kẻ phạm tội bị tuyên án tăng thêm 2 năm tù.

Mặc dù số lượng vụ việc TGPL cho nạn nhân bị buôn bán do các Trung tâm TGPL Nhà nước thực hiện còn rất thấp so với thực tế số lượng nhu cầu và sự cần thiết của các nạn nhân cần được giúp đỡ. Tuy nhiên, các hoạt động TGPL trong các vụ việc cụ thể đã góp phần giúp đỡ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng; giúp tăng cường ý thức cảnh giác đối với tội phạm buôn bán người trong cộng đồng; tạo thêm địa chỉ tin cậy cho các nạn nhân mới trở về và nhất là góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống buôn bán người.

Đọc thêm