Một trong những nội dung nổi bật là Bộ Tài chính giao Tổng cục Hải quan chủ trì làm đầu mối đàm phán với New Zealand để mở rộng phạm vi trao đổi thông tin, dữ liệu điện tử đối với chứng từ khác liên quan đến giao lưu hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới phục vụ cho công tác quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại giữa 2 quốc gia.
Những bước phát triển tích cực
Phát biểu tại buổi tiếp, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Hải quan Việt Nam và Hải quan New Zealand đã ký kết thỏa thuận hợp tác vào năm 2010. Tuy nhiên, phải đến năm 2017, sau khi hai cơ quan Hải quan ký kết Chương trình hợp tác giai đoạn 2017 – 2019 vào tháng 11/2017, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực hải quan giữa hai nước mới có những bước phát triển tích cực.
Cụ thể, Hải quan New Zealand đã cử chuyên gia sang hỗ trợ Hải quan Việt Nam phát triển Chương trình doanh nghiệp ưu tiên vào tháng 10/2018 và phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức Hội thảo về Phân loại Thuế quan vào tháng 5/2019.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Tài chính, về tiến trình triển khai Hiệp định CPTPP, cùng với kế hoạch thực hiện CPTPP của Chính phủ và Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 1489/QĐ-TCHQ ngày 23/5/2019 về Kế hoạch thực hiện Hiệp định nhằm triển khai các cam kết có liên quan đến lĩnh vực hải quan thuộc Hiệp định. Các cam kết quốc tế liên quan đến lĩnh vực Hải quan đã được nội luật hóa tại các văn bản pháp quy để thực thi Hiệp định.
Về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong CPTPP, Thứ trưởng Bộ Tài chính cũng chia sẻ, trong khuôn khổ Hiệp định CPTPP, cơ quan Hải quan chấp nhận chứng từ tự chứng nhận xuất xứ được người sản xuất hoặc người xuất khẩu tự chứng nhận theo đúng cam kết. Đối với chứng từ tự chứng nhận được cấp bởi người nhập khẩu, Bộ Tài chính sẽ hướng dẫn theo đúng cam kết. Thời gian chuyển đối áp dụng cho Việt Nam áp dụng cơ chế này là tối đa 5 năm kể từ ngày triển khai Hiệp định.
Mở rộng trao đổi thông tin, dữ liệu điện tử
Tại buổi làm việc, hai bên cũng thảo luận về hợp tác hải quan song phương giữa hai nước, tập trung tìm hiểu cơ hội hỗ trợ, nâng cao năng lực hải quan giữa New Zealand và Việt Nam; chia sẻ về tiến trình triển khai Hiệp định CPTPP, đặc biệt về cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa; cập nhật về các biện pháp nhằm giải quyết các vấn đề về thông báo thanh toán cho bên thứ ba trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA); và cập nhật về đề xuất hợp tác chứng nhận điện tử SPS (kiểm dịch các sản phẩm có nguồn gốc động, thực vật) giữa New Zealand và Việt Nam.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, về nội dung hợp tác chứng nhận điện tử SPS (kiểm dịch các sản phẩm có nguồn gốc động, thực vật) giữa New Zealand và Việt Nam, Bộ Tài chính nhất trí chủ trương kết nối trao đổi thông tin kiểm dịch điện tử thông qua Cơ chế một cửa quốc gia như đề xuất của New Zealand. Theo đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan để thành lập nhóm làm việc trong quá trình đàm phán và triển khai.
Bộ Tài chính giao Tổng cục Hải quan chủ trì làm đầu mối đàm phán với New Zealand để mở rộng phạm vi trao đổi thông tin, dữ liệu điện tử đối với chứng từ khác liên quan đến giao lưu hàng hóa xuất nhập khẩu qua biên giới phục vụ cho công tác quản lý hải quan và tạo thuận lợi thương mại giữa 2 quốc gia.
Hiện Bộ Tài chính đang chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng văn bản Báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại đối với chủ trương hợp tác chứng nhận điện tử SPS với New Zealand.
Chia sẻ tại buổi làm việc, bà Wendy Matthews cho biết, New Zealand hoan nghênh quá trình hoàn thiện pháp lý mà Việt Nam đã thực hiện trong CPTPP. Tiến trình phát triển thương mại song phương sắp tới sẽ là điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế hai nước. Đại sứ New Zealand kỳ vọng, trong thời gian sớm nhất, hai nước sẽ hoàn thành nhiều Hiệp định với nhau và cơ quan Hải quan hai nước sẽ làm việc chặt chẽ để phát huy được hết những ưu đãi đề ra tại các cam kết.