Nhiều thách thức trong thu hồi tài sản
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho rằng tham nhũng có tác hại to lớn đến đời sống kinh tế - chính trị và xã hội không chỉ của từng quốc gia mà đã trở thành vấn nạn mang tính toàn cầu. Tội phạm tham nhũng có thể đe dọa sự ổn định, an ninh xã hội, xâm hại các thể chế và giá trị dân chủ, các giá trị đạo đức, công lý, cản trở sự phát triển bền vững và nguyên tắc Nhà nước pháp quyền. Đặc biệt, sự hội nhập kinh tế sâu rộng cũng ẩn chứa những điều kiện để tham nhũng phát triển mạnh mẽ hơn, nhất là với những nước có nền kinh tế đang chuyển đổi, quản trị không hiệu quả.
Theo ông Thanh, việc xử lý tham nhũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết, trong đó có việc thu hồi tài sản tham nhũng. “Đây là yếu tố quan trọng để đánh giá mức độ thành công và là một trong những mục đích chủ yếu của việc xử lý tham nhũng”, ông Thanh nói. Tuy nhiên, trên thực tế tại Việt Nam và nhiều nền kinh tế khác, việc thu hồi tài sản tham nhũng đang gặp những khó khăn rất lớn, từ việc truy tìm, xác minh, phong tỏa đến việc hồi hương, tịch thu. Khi các hành vi tham nhũng bị phát hiện và điều tra, truy tố thì tài sản tham nhũng đã bị tẩu tán bằng nhiều hình thức, như chi tiêu dùng, rửa tiền hay bị che lấp ở một dạng thức hợp pháp.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng việc xác định nguồn gốc tài sản, sự chuyển dịch của tài sản có nguồn gốc tham nhũng trở nên khó khăn, thách thức hơn nhiều tại các nền kinh tế chuyển đổi do các quy định về giám sát, kiểm soát tài sản, thu nhập của xã hội còn có những bất cập. Bên cạnh đó, việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án là một chuỗi các hoạt động, do nhiều cơ quan thực hiện. Quá trình này đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa các cơ quan nhằm bảo đảm cho việc thu hồi tài sản đúng đắn, khách quan và kịp thời, hiệu quả.
Trên thực tiễn, việc phối hợp giữa các cơ quan trong nước như cơ quan điều tra, tòa án, thi hành án còn có những bất cập và sự hợp tác quốc tế còn có những trở ngại như: thiếu khuôn khổ pháp lý; có sự khác biệt giữa các hệ thống, truyền thống pháp luật… dẫn đến việc thu hồi tài sản tham nhũng gặp nhiều khó khăn. “Đây thực sự là những thách thức rất lớn đối với các cơ quan thực thi pháp luật nhằm thiết lập những cơ chế phối hợp nhằm thu hồi tài sản tham nhũng hiệu quả”, ông Thanh nhận định.
Cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Shervin Majlessi - Cố vấn pháp luật cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) - cho biết, hàng năm, các nước đang phát triển mất từ 20-23 tỷ USD do tham nhũng từ các nguồn ngoại tệ được hưởng do các nguồn tài trợ. “Tổn thất này khiến chúng tôi choáng váng vì chỉ cần 100 triệu USD là đã đủ cung cấp lương thực cho khoảng 4 triệu trẻ em”, ông Shervin Majlessi nói.
Nhấn mạnh trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc có việc tăng cường hợp tác thu hồi tài sản bị đánh cắp do tham nhũng, ông Majlessi cho rằng cần thúc đẩy xu hướng hợp tác sâu rộng trong khuôn khổ nhóm công tác APEC để cùng nhau giải quyết các vấn đề quan trọng là thu hồi tài sản tham nhũng. “Trong 15 năm qua, các nước mới chỉ thu hồi được khoảng 5 tỉ USD tài sản tham nhũng. Vì thế, tôi tin rằng để tăng cường công tác thu hồi tài sản bị đánh cắp do tham nhũng, các nước cần hợp tác và tin tưởng lẫn nhau”, ông Majlessi nhận định.
Trong thời gian diễn ra Hội thảo, các đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về những khó khăn, thách thức và những thực tiễn tốt trong việc hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật nhằm thu hồi tài sản, bao gồm cả việc hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trong nước và hợp tác quốc tế giữa các cơ quan thực thi pháp luật của các nền kinh tế thành viên APEC. Kết quả của Hội thảo sẽ là nguồn thông tin đầu vào để ACT-NET và Nhóm công tác về Chống tham nhũng và bảo đảm minh bạch của APEC đề xuất các định hướng hay cam kết về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới nói chung và thu hồi tài sản tham nhũng có hiệu quả nói riêng.