Hoạt động nằm trong khuôn khổ thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, từ năm 2009 đến nay tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm.
Đặc biệt, trong những năm 2016, 2017, 2018, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ lần lượt là 10,2%, 10,9% và 11,7%. Từ đó, tăng doanh thu và mở rộng hệ thống phân phối, góp phần phát triển thương mại trong nước liên tục tăng trưởng, thúc đẩy tiêu thụ hàng nội địa và thu hút nguồn vốn đầu tư.
Nhưng việc tăng cường hoạt động liên kết để tạo ra mối liên kết bền vững, lâu dài giữa các nhà sản xuất và nhà phân phối phải được chú trọng hơn, nhằm tạo ra chuỗi cung ứng hàng hóa hiệu quả, xuyên suốt.
Hiện nay, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn đã được Bộ Công Thương cũng như Sở Công Thương các tỉnh triển khai khá đồng bộ. Theo các doanh nghiệp, khó khăn lớn nhất hiện nay khi đưa hàng hóa về nông thôn là bà con nông dân chưa hiểu hết được giá trị sản phẩm an toàn.
Cùng đó, các chủng loại đưa về đây chủ yếu vẫn là các sản phẩm truyền thống nên người dân chưa có cơ hội tiếp cận các sản phẩm mới. Vì vậy, cần thường xuyên tổ chức đưa hàng về nông thôn đi kèm với hoạt động tuyên truyền, giới thiệu và tư vấn cho bà con nông dân để vấn đề kết nối được tốt hơn.