Phát biểu khai mạc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội Vũ Thị Lan Anh nhấn mạnh: Công tác phòng, chống tham nhũng được xác định là công cuộc lâu dài, khó khăn và phức tạp, tuy nhiên ở Việt Nam trong những năm qua, công tác này đã có bước tiến mạnh mẽ với nhiều chủ trương, giải pháp phù hợp, đi vào chiều sâu. Do đó, tham nhũng được kiềm chế, từng bước bị ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định 2 định hướng trọng tâm về công tác phòng, chống tham nhũng: Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và công tác dân vận của Đảng.
Vì vậy, phòng, chống tham nhũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các ngành, các cấp, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị, đề cao vai trò của xã hội, các tổ chức đoàn thể và quần chúng nhân dân. Qua đó, Phó Hiệu trưởng Vũ Thị Lan Anh bày tỏ hy vọng thông qua Hội thảo, các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu sẽ có những quan điểm, kiến nghị, giải pháp có giá trị để quy định pháp luật về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân phát huy hiệu quả cao hơn nữa trong thực tiễn thực thi pháp luật.
Trao đổi tại Hội thảo về vai trò, trách nhiệm của Bộ Công an trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay, Thượng tá Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng phòng 2, V03 – Bộ Công an cho biết, những năm gần đây có nhiều vụ án tham nhũng có tính chất phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, nhiều vụ việc kéo dài đã được chỉ đạo xử lý dứt điểm. Công tác phát hiện, điều tra án tham nhũng không ngừng được cải thiện ở các địa phương, trong đó có nhiều địa phương đã phát hiện, khởi tố các vụ tham nhũng lớn như Phú Thọ, Quảng Nam, Thái Bình… Cùng với đó, lực lượng Công an nhân dân còn chú trọng phát hiện, điều tra các vụ án tham nhũng xảy ra trong chính nội bộ ngành.
Do vậy, để nâng cao hiệu quả việc đấu tranh phòng chống tham nhũng trong thời gian tới, ông Thịnh cho rằng cần tiếp tục rà soát các quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng và phòng, chống tội phạm, công tác điều tra, xử lý tội phạm; nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; xây dựng và thực hiện tốt cơ chế phối hợp giữa Công an nhân dân với các cơ quan, đơn vị hữu quan trong hoạt động đấu tranh phòng, chống tham nhũng…
Nêu ý kiến về trách nhiệm của công dân trong phòng, chống tham nhũng, TS. Lý Văn Quyền, Khoa Pháp luật Hình sự, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, để khuyến khích công dân chủ động, tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các biện pháp như bảo vệ, khen thưởng người phản ánh, tố cáo, báo cáo về hành vi tham nhũng và giáo dục ý thức trách nhiệm trong đấu tranh với tham nhũng cho tất cả công dân…
Tại Hội thảo, TS. Nguyễn Tuấn Khanh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ - nêu rõ: Nếu những người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách đều bị xem xét để xử lý theo quy định. Trong năm 2020, đã có 82 người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu bị kết luận thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 69 người đã bị xử lý kỷ luật và 12 người bị xử lý hình sự.
Vì vậy, ông Khanh đề nghị cần tăng cường thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cả đối với doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng…