Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, thực thi pháp luật

(PLVN) - Tại phiên họp bế mạc Kỳ họp thứ 6 diễn ra sáng 29/11, với 474 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 95,95% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.
Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.
Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.

Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm, với nhiều giải pháp đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm theo nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, việc triển khai một số nghị quyết còn chậm, một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải được khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn, khắc phục những tồn tại, hạn chế, trong từng lĩnh vực.

Tại Nghị quyết, Quốc hội nêu rõ các các nội dung cần tập trung thực hiện đối với 21 lĩnh vực.

Trong đó, đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Quốc hội yêu cầu tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, thực hiện hiệu quả các giải pháp tạo môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng, thuận lợi để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh; tập trung phát huy vai trò đầu tàu, dẫn dắt của các đô thị lớn và các cực tăng trưởng để tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế.

Tập trung ưu tiên, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế, tăng thu nhập cho người lao động trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao phúc lợi xã hội.

Với lĩnh vực tài chính, trong số các nội dung cần tập trung thực hiện có tiếp tục hoàn thiện pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện kết nối Cơ sở dữ liệu tài sản công chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, bảo đảm việc khai thác dữ liệu của các cơ quan dân cử; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Rà soát, hoàn thiện pháp luật, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và trong công tác quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp, bảo đảm các nguyên tắc cổ phần hóa các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, không để thất thoát, lãng phí, tham nhũng vốn, tài sản nhà nước.

Với lĩnh vực ngân hàng, hoàn thiện pháp luật về tiền tệ, hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại và xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; nhất là cơ chế khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu. Có giải pháp kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm tình trạng sở hữu chéo của tổ chức, cá nhân trong hoạt động tín dụng, tình trạng doanh nghiệp “sân sau” của tổ chức tín dụng… là các nội dung được đề cập.

Trong lĩnh vực nội vụ, Quốc hội yêu cầu đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Đổi mới hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, trong đó rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức về thẩm quyền giao, quản lý biên chế nhằm thể chế chủ trương của Đảng về quản lý biên chế công chức, viên chức; tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế đạt mục tiêu đến năm 2026 giảm 5% biên chế công chức và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021 trên cơ sở đẩy mạnh tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Về lĩnh vực xây dựng, thực thi pháp luật, pháp chế, giám định tư pháp và thi hành án, Quốc hội yêu cầu tập trung chỉ đạo bảo đảm tiến độ, chất lượng thực hiện các nhiệm vụ lập pháp được giao trong Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 và các nhiệm vụ bổ sung (nếu có).

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng và thực thi pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, thống nhất và đúng thời hạn luật định.

Tăng cường công tác hướng dẫn thực hiện pháp luật, công tác truyền thông về chính sách, pháp luật; đẩy mạnh kiện toàn tổ chức pháp chế, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và quan tâm chế độ, chính sách cho đội ngũ công chức làm công tác pháp chế…

Đọc thêm