Sáng 2/12, Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực cho báo cáo viên pháp luật” theo hình thức trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ.
Cả nước có hơn 28.000 báo cáo viên pháp luật ở các cấp
Tham dự và chủ trì Hội nghị có ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), Bộ Tư pháp; bà Đào Thu An, Quản lý dự án EU JULE, UNDP tại Việt Nam. Tại các điểm cầu có đại diện 10 Sở Tư pháp Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Lào Cai, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Ninh Bình, Phú Thọ, Thái Bình, Hải Dương và các điểm cầu liên quan tham dự.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL cho biết, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược là xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ và giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ chính trị. Trong công tác PBGDPL, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thời gian qua đã được Bộ Tư pháp quan tâm và triển khai nhiều hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ này.
Theo thống kê của Bộ Tư pháp, hiện nay, cả nước có hơn 28.000 báo cáo viên pháp luật ở các cấp. Thời gian qua, đội ngũ báo cáo viên đã có những đóng góp quan trọng trong công tác đưa pháp luật đi vào cuộc sống, truyền tải pháp luật đến với cán bộ và nhân dân, đóng góp thiết thực vào việc nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL Phan Hồng Nguyên phát biểu khai mạc. |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, một bộ phận báo cáo viên vẫn còn hạn chế về kiến thức và kỹ năng tuyên truyền pháp luật, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Vì vậy, việc nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật luôn được Vụ PBGDPL hết sức quan tâm, tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ này.
Năm 2019, được sự hỗ trợ của EU JULE, UNDP, Vụ PBGDPL đã phối hợp và tổ chức khảo sát tại 6 địa phương tại 3 miền trên cả nước để đánh giá thực trạng, nhu cầu, năng lực của đội ngũ báo cáo viên pháp luật làm cơ sở xây dựng Bộ tài liệu bồi dưỡng, nâng cao năng lực báo cáo viên pháp luật (Bộ tài liệu) nhằm hướng dẫn về kỹ năng, phương pháp tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, đồng thời là cơ sở để tìm kiếm giải pháp căn cơ nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật.
Nâng cao hơn nữa kiến thức, kỹ năng về tuyên truyền, PBGDPL
Phát biểu tại chương trình, bà Đào Thị Thu An, Quản lý dự án EU JULE, UNDP tại Việt Nam nêu rõ, để tăng cường pháp quyền ở Việt Nam cũng như đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững, việc trao quyền cho mọi công dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ, trẻ em, dân tộc thiểu số và người nghèo là điều kiện tiên quyết. Trao quyền chỉ có thể thực hiện được khi mọi người dân nhận thức được pháp luật, hiểu được quyền của mình và biết cách viện dẫn, bảo vệ các quyền này. Do đó, tuyên truyền, PBGDPL là điều kiện tiên quyết để việc trao quyền được thực hiện một cách hiệu quả.
Bà Đào Thị Thu An đánh giá, trong hơn 10 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã dành nguồn lực đáng kể để đẩy mạnh công tác PBGDPL cho người dân. Việt Nam đã có những thành công nhất định trong việc nâng cao nhận thức người dân về quyền.
Theo bà Đào Thị Thu An, hơn 10 năm qua, Chính phủ Việt Nam đã dành nguồn lực đáng kể để đẩy mạnh công tác PBGDPL cho người dân. |
Đề cập đến một số tồn tại cần được cải thiện hơn nữa, bà Đào Thị Thu An nhấn mạnh về việc thuyết trình vẫn đang được coi là phương pháp chủ yếu được sử dụng trong việc nâng cao nhận thức pháp luật và quyền cho người dân. Các tuyên truyền viên pháp luật vẫn chưa được đào tạo đầy đủ về các kỹ năng cũng như phương pháp tiếp cận lấy người học làm trung tâm, đồng thời hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuẩn bị và tuyên truyền PBGDPL, đặc biệt là tuyên truyền PBGDPL cho các nhóm dễ bị tổn thương như nạn nhân của bạo lực gia đình, người khuyết tật, người dân tộc ít người...
Theo bà An, những thách thức này đã đặt ra một yêu cầu cần hiện đại hóa và đa dạng hóa các kỹ năng của tuyên truyền viên pháp luật, nhằm tăng cường hiệu quả của công tác tuyên truyền, PBGDPL dành cho người dân, đặc biệt là các nhóm yếu thế.
Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Vụ PBGDPL, Bộ Tư pháp và UNDP, trong khuôn khổ dự án EU JULE, bà Đào Thu An hy vọng rằng Bộ tài liệu sẽ là nguồn thông tin hữu ích và có giá trị, hỗ trợ các cán bộ quản lý của các sở, ban, ngành, các báo cáo viên và tuyên truyền viên pháp luật các cấp nâng cao hơn nữa kiến thức, kỹ năng về tuyên truyền, PBGDPL, góp phần khám phá thêm nhiều ý tưởng và sáng kiến nhằm tăng cường năng lực cho các các báo cáo viên pháp luật tại Việt Nam trong thời gian tới. Sau Hội nghị tập huấn này, 2 khóa tập huấn tương tự cũng sẽ được thực hiện với các đại diện và báo cáo viên pháp luật đến từ các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Tại chương trình, TS Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Trung tâm so sánh, Đại học Luật Hà Nội; TS Vũ Hoài Phương, Khoa Tuyên truyền, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tham gia giảng dạy các nội dung như Phương pháp tập huấn lấy học viên làm trung tâm, các kỹ năng để tuyên truyền pháp luật có hiệu quả... An Hạ (Triệu Oanh- Thời sự)