Tăng cường phân cấp, đi đôi với kiểm tra, giám sát

(PLVN) -  Phát biểu kết luận phiên thảo luận của Quốc hội về thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ lưu ý đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro; quản lý giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận Phiên họp.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận Phiên họp.

Đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

Sáng 2/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đánh giá cao những kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Đề cập đến việc sắp xếp, cổ phần hóa, khoán, bán, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thực hiện rất chậm, chưa hoàn thành được mục tiêu đề ra, Đại biểu đề nghị Chính phủ có đánh giá cụ thể để thời gian tới quyết liệt đẩy nhanh việc cổ phần hóa đạt tiến độ; ổn định tư tưởng, việc làm cho người lao động tại các doanh nghiệp có phương án cổ phần hóa. Đồng thời, tăng nguồn thu cho ngân sách và phát triển sản xuất, kinh doanh tại các doanh nghiệp này.

Theo Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu), việc sử dụng đất tại một số nơi hiện nay còn sai phạm, lãng phí và hiệu quả thấp. Số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực đất đai còn nhiều và phức tạp. Đề nghị Chính phủ sớm khắc phục những vướng mắc, bất cập, sai phạm trong lĩnh vực đất đai, những vụ việc tồn đọng về khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, nhất là việc giao đất không qua đấu giá làm thất thu ngân sách nhà nước. Những vấn đề này cần được quan tâm đúng mức và có biện pháp chấn chỉnh ngay nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước cũng như ý thức chấp hành pháp luật.

Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương kết thúc các cuộc thanh tra và sớm có kết luận đúng, sai đối với việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm y tế trong toàn ngành Y tế. Cùng với đó, đề nghị Chính phủ sớm rà soát lại hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực y tế và có những sửa đổi phù hợp để đội ngũ cán bộ y tế sớm ổn định tinh thần, củng cố tổ chức bộ máy và vững tâm thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Cũng đề cập đến vấn đề này, Đại biểu Lê Minh Trí (đoàn TP Hồ Chí Minh, Viện trưởng VKSNDTC) chỉ ra rằng, vừa qua, xảy ra một số vụ án liên quan đến ngành Y tế nên việc tổ chức đấu thầu, đấu giá, mua sắm thuốc men, sinh phẩm và trang thiết bị y tế đang bị đình trệ. Việc thực hiện hợp tác kinh doanh, đầu tư các trang thiết bị y tế thế hệ mới từ nguồn lực của xã hội cũng dừng lại.

“Sai thì sửa nhưng cần phải tiếp tục làm; nếu chúng ta để kéo dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ nhân dân trong khám, chữa bệnh”, Đại biểu Lê Minh Trí nêu quan điểm.

Minh bạch hơn trong thu thuế bất động sản

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, thời gian qua, có việc trốn thuế và trục lợi về thuế bất động sản. Có những trường hợp ban đầu kê khai có 500 triệu đồng, nhưng sau khi được giải thích đã kê khai là 10 tỷ đồng, có nghĩa gấp đến 20 lần. Có trường hợp kê khai lại cao gấp 40 lần. Còn bình quân gấp khoảng 6 lần. Do đó, Bộ Tài chính đã có 2 văn bản chỉ đạo cơ quan thuế siết chặt vấn đề thu thuế để đúng với giá trị mua bán. Sắp tới, Bộ Tài chính cũng sẽ đề nghị các địa phương xây dựng hệ số điều chỉnh, xây dựng dữ liệu về mua bán bất động sản để minh bạch hơn trong quá trình thu thuế chuyển nhượng bất động sản.

Khẳng định, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là phải chống được lạm phát, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, gói giải pháp phải tập trung vào vấn đề chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, quản lý giá, tăng năng lực sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp; tái cơ cấu và tăng cường sản xuất kinh doanh trong nước.

Giải trình về ý kiến cho rằng cần giảm giá xăng dầu, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh, việc này cần sử dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Bộ Tài chính sẽ cân nhắc, đánh giá tác động và báo cáo với Chính phủ để báo cáo với Thường vụ Quốc hội và Quốc hội về vấn đề giảm thuế trong giá xăng, dầu.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trong phát biểu giải trình tại phiên họp cũng khẳng định, Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ, quyết liệt thực hiện các biện pháp, công cụ thuộc thẩm quyền để bảo đảm cung - cầu, kiểm soát lạm phát. Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ nghiên cứu các giải pháp về giảm thuế, phí; báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định để giảm áp lực tăng giá xăng dầu, tránh tác động tăng giá dây chuyền, hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội và những nội dung đề cập trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, trong đó đặc biệt chú ý khẩn trương triển khai nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết số 43 và Nghị quyết về kế hoạch 5 năm của Quốc hội. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch, đặc biệt chú ý tới chất lượng các quy hoạch, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia.

Cùng với đó chủ động kiểm soát, ứng phó với các rủi ro, đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, kiểm soát lạm phát, nợ xấu, quản lý giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản có giải pháp ổn định thị trường, tăng niềm tin của nhà đầu tư, bảo đảm cân đối cung - cầu, bình ổn giá. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (đoàn Bến Tre) cho rằng, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các địa phương cân nhắc, xem xét lộ trình tăng học phí nhưng trong điều kiện hiện nay, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 vừa qua. Vì vậy, đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo có chỉ đạo thống nhất tạm hoãn việc tăng học phí trong năm học tới, tạo điều kiện cho các em được đến trường, đời sống của người dân cũng đỡ cơ cực hơn.

Đọc thêm