Phát biểu khai mạc, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức nhấn mạnh phân cấp, phân quyền và chuyên nghiệp hoá trong xây dựng pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống pháp luật của bất kỳ quốc gia nào. Những yếu tố này đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả, đồng bộ của hệ thống pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và tốc độ phản ứng với các vấn đề phát sinh trong xã hội.
Cụ thể, phân cấp, phân quyền giúp xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn giữa các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương; giúp mỗi cấp, mỗi cơ quan có thể ra quyết định nhanh chóng, không phụ thuộc vào cơ quan cấp trên, tăng tính hiệu quả, linh hoạt trong quản lý.
Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Trần Anh Đức phát biểu. |
Cùng với việc phân cấp, phân quyền, chuyên nghiệp hoá trong xây dựng pháp luật cũng là yếu tố cần thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững, hiệu quả của hệ thống pháp luật, giúp nâng cao chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Sự chuyên nghiệp hoá trong xây dựng pháp luật cũng góp phần thúc đẩy minh bạch, đảm bảo kiểm soát quyền lực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; đảm bảo tính công bằng, khả thi của các quy định pháp luật.
Trên tinh thần đó, thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm tới công tác phân cấp, phân quyền và chuyên nghiệp hoá công tác xây dựng pháp luật. Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo phải “phân định rõ khâu xây dựng chính sách và quy phạm hoá chính sách. Nghiên cứu việc tổ chức soạn thảo VBQPPL tập trung, bảo đảm tính chuyên nghiệp, đồng bộ thống nhất”. Đồng thời quy định rõ trách nhiệm của từng chủ thể, nhất là người đứng đầu trong từng khâu của quá trình soạn thảo, thẩm định, trình, thẩm tra, xây dựng chính sách và ban hành VBQPPL.
Tại Nghị quyết số 188/NQ-CP ngày 11/10/2024 về Phiên họp Chính phủ Thường kỳ tháng 9 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh “tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực với phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Thực hiện các chỉ đạo trên, Bộ Tư pháp đã khẩn trương tham mưu với Chính phủ, Quốc hội sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL để cụ thể hoá các tư duy, quan điểm mới trong xây dựng pháp luật.
Đồng chí Trần Anh Đức đề nghị các chuyên gia, đại diện cơ quan Trung ương, địa phương, người làm công tác pháp chế dự Hội thảo chia sẻ thực trạng phân cấp, phân quyền trong xây dựng pháp luật và khó khăn, vướng mắc trong khâu quy phạm hoá chính sách; từ đó đề xuất giải pháp tháo gỡ gắn với việc sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về cơ sở pháp lý cho việc phân cấp, phân quyền; cách thức phân quyền giữa Trung ương và địa phương; việc kiểm soát vấn đề phân cấp, phân quyền…