Tăng cường phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự

(PLVN) -6 tháng đầu năm 2020, công tác phối hợp trong Thi hành án dân sự tiếp tục được chú trọng ở cả Trung ương và địa phương. Theo đó, dù ảnh hưởng rất lớn từ dịch bệnh Covid -19 nhưng toàn hệ thống thi hành án dân sự vẫn đạt những kết quả tích cực.
Ký kết Quy chế phối hợp trong THADS giữa Cục THADS Lạng Sơn và Sở TNMT
Ký kết Quy chế phối hợp trong THADS giữa Cục THADS Lạng Sơn và Sở TNMT

Chủ động phối hợp tháo gỡ khó khăn trong thi hành các vụ án lớn

Bộ Tư pháp cho biết, các Quy chế phối hợp liên ngành với các bộ, ngành liên quan như Tòa án, Kiểm sát, Nội chính, Công an, Ngân hàng, Bảo hiểm xã hội tiếp tục phát huy hiệu quả, qua đó tăng cường trách nhiệm giữa các ngành có liên quan trong công tác THADS, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác THADS. 06 tháng đầu năm 2020, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức tổng kết Quy chế phối hợp liên ngành số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/10/2013 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác THADS và Quy chế số 01/QCLN/NHNNVN-BTP ngày 18/3/2015 giữa Ngân hàng nhà nước Việt Nam và Bộ Tư pháp trong công tác THADS. Đối với việc tổ chức sơ kết Quy chế số 01/QCLN/NHNNVN-BTP, sau khi nhận được văn bản đề nghị của Ngân hàng nhà nước về việc tiếp tục duy trì thực hiện Quy chế này, Bộ Tư pháp đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan THADS địa phương tiếp tục thực hiện Quy chế đến khi có chủ trương mới.

Bộ Tư pháp thường xuyên chỉ đạo theo dõi, tổng hợp Kiến nghị, Kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân các cấp, Cơ quan điều tra, giám sát của Hội đồng nhân dân, Đại biểu Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền liên quan; theo dõi, báo cáo, tổng hợp kết quả thực hiện kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra; giám sát của Hội đồng nhân dân, Đại biểu Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền liên quan trong Hệ thống tổ chức THADS. 

Công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp và cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục được tăng cường. Bộ Tư pháp đã có nhiều Đoàn làm việc với cấp ủy, chính quyền địa phương, qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động THADS, nhất là trong công tác tổ chức cán bộ và chỉ đạo giải quyết các vụ án lớn, phức tạp, kéo dài. Cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo công tác THADS trên địa bàn.

Tại địa phương, công tác phối hợp trong hoạt động THADS tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Ban chỉ đạo THADS các cấp thường xuyên được rà soát, kiện toàn, hoạt động có hiệu quả nhất là trong chỉ đạo công tác phối hợp thi hành án, tổ chức cưỡng chế, chỉ đạo giải quyết những vụ án lớn, những vụ việc khó khăn, phức tạp. Tại nhiều địa phương, Ban Chỉ đạo THADS đã tổ chức sơ kết, tổng kết hoạt động, định kỳ họp giải quyết các vụ việc THADS hiệu quả.

Bám sát chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, khó khăn là công tác phối hợp ở một số nơi chưa thật sự nhịp nhàng, hiệu quả; nhiều vụ việc đương sự khiếu nại, tố cáo nhiều lần, khiếu nại vượt cấp, gửi đơn đến nhiều cơ quan, ban ngành với nội dung không chính xác để kéo dài tiến độ giải quyết án, trong khi pháp luật mới chỉ quy định chế tài đối với hành vi cố tình tố cáo sai sự thật (vu cáo), còn đối với hành vi khiếu nại không có căn cứ để trì hoãn hoặc gây rối quá trình thi hành án thì chưa có biện pháp hữu hiệu để xử lý

Công tác phối hợp với một số cơ quan, đơn vị có liên quan trong một số trường hợp hiệu quả chưa cao; tại một số nơi, cơ quan THADS và các cơ quan có liên quan chưa đồng thuận về phương án giải quyết vướng mắc, phương án bảo vệ cưỡng chế hoặc trong giao, nhận vật chứng, thu các khoản tiền, tài sản mà người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù hoặc thân nhân của họ nộp để thi hành án.

Một số vụ việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng đến nay cơ quan THADS chưa nhận được đầy đủ hồ sơ, tài liệu từ cơ quan có liên quan mặc dù trước đó, cơ quan THADS đã có nhiều văn bản đề nghị. Cơ quan THADS đã có văn bản đề nghị xem xét, kháng nghị bản án theo thủ tục giám đốc thẩm nhưng đến nay chưa nhận được văn bản trả lời, làm chậm tiến độ tổ chức thi hành án. Một số bản án không ghi rõ thông tin của người bị kết án nên trong quá trình phối hợp xác minh, truy tìm tài sản của người phải thi hành án chưa đạt hiệu quả như mong muốn. 

Trong thời gian tới, Bộ Tư pháp yêu cầu các cơ quan THADS địa phương tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong tổ chức thi hành án, nhất là trong tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, có ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương; trong việc giải quyết các vụ việc trọng điểm, tham nhũng, kinh tế, phức tạp, kéo dài và hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các cơ quan THADS.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả các Quy chế phối hợp liên ngành giữa Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành có liên quan. Tham mưu tổ chức tổng kết Quy chế phối hợp liên ngành số 14/2013/QCLN/BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/10/2013 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong công tác THADS bằng hình thức linh hoạt, phù hợp. Xây dựng báo cáo tổng kết, đánh giá qua 04 năm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 06/2016/TTLT-BTP-VKSNDTC-TANDTC để tham mưu đề xuất sửa đổi Thông tư liên tịch. 

Đọc thêm