Theo quy định tại Điều 58, Luật THADS, việc bảo quản tài sản thi hành án sau khi kê biên được thực hiện bằng một trong 3 hình thức: Giao cho người phải thi hành án, người thân thích của người phải thi hành án theo quy định tại khoản 2 Điều 40 của Luật này hoặc người đang sử dụng, bảo quản; giao cá nhân, tổ chức có điều kiện bảo quản; bảo quản tại kho của cơ quan THADS. Đối với tài sản là kim khí quý, đá quý, tiền hoặc giấy tờ có giá sẽ được bảo quản tại Kho bạc nhà nước. Việc giao bảo quản tài sản phải được lập thành biên bản ghi rõ loại tài sản, tình trạng tài sản; tên Chấp hành viên, đương sự, người được giao bảo quản, người làm chứng; quyền, nghĩa vụ của người được giao bảo quản tài sản…
Thực tế cho thấy hình thức giao tài sản cho người phải thi hành án, người thân thích của người phải thi hành án, người đang sử dụng, bảo quản tạo được thuận lợi trong việc bảo quản, trông coi, khai thác lợi ích từ tài sản; việc kê biên tài sản sẽ ít gặp phải sự chống đối của người có tài sản…
Tuy nhiên, hình thức giao tài sản này cũng bộc lộ một số bất cập bởi vẫn có trường hợp người phải thi hành án, người thân thích của người phải thi hành án không nhận bảo quản tài sản. Do tài sản do người phải thi hành án đang quản lý nên cũng khiến quá trình bán đấu giá tài sản không phản ánh trung thực giá trị của tài sản được đưa ra bán đấu giá. Thậm chí, họ còn tìm cách thông tin không đúng sự thật về tài sản, làm cho người có nhu cầu mua không muốn mua hoặc nếu mua thì không trả giá đúng với giá trị thực của tài sản.
Ngoài ra, việc thực hiện quy định tại Điều 58 Luật THADS cũng gặp một số khó khăn, vướng mắc khác như: có nhiều trường hợp tài sản là nhà ở và tài sản gắn liền với đất ở miền núi, hẻo lánh, không có ai nhận bảo quản tài sản hoặc không có cá nhân, tổ chức có đủ điều kiện bảo quản; kê biên tài sản là nhà ở, công trình, nhà máy nhưng đương sự vắng mặt hoặc cố tình bỏ đi, không có ai nhận bảo quản tài sản...
Trước đây, Nghị định 62/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật THADS không có quy định về phương án xử lý trong trường hợp đương sự, người đang quản lý, sử dụng, bảo quản tài sản cố tình chống đối, không hợp tác với cơ quan THADS trong quá trình giải quyết thi hành án. Tuy nhiên, Nghị định 33/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 62 đã quy định rõ hơn trong việc xử lý đối với những trường hợp đương sự cố tình gây cản trở, khó khăn cho công tác thi hành án.
Theo đó, Nghị định 33/2020/NĐ-CP quy định trường hợp đương sự, người đang quản lý, sử dụng, bảo quản tài sản không thực hiện theo yêu cầu của chấp hành viên thì tùy từng trường hợp cụ thể mà chấp hành viên tổ chức cưỡng chế mở khóa, mở gói; buộc ra khỏi nhà, công trình xây dựng, tài sản gắn liền với đất hoặc các biện pháp cần thiết khác để kiểm tra hiện trạng, thẩm định giá, bán đấu giá tài sản hoặc giao tài sản cho cá nhân, tổ chức khác bảo quản theo quy định của pháp luật. Quy định mới này sẽ giúp khắc phục tình trạng đương sự cố tình gây cản trở, khó khăn cho công tác THADS.
Ngoài ra, Nghị định 33/2020/NĐ-CP đã bổ sung quy định về bảo quản tài sản trong thi hành án. Theo đó, trường hợp sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế mà không thực hiện được việc giao bảo quản đối với tài sản theo quy định thì thủ trưởng cơ quan THADS có văn bản đề nghị UBND cấp xã phối hợp, hỗ trợ bảo quản trong thời gian chưa xử lý được tài sản. Quy định này góp phần tăng cường sự phối hợp của chính quyền địa phương trong những trường hợp cá biệt, việc bảo quản tài sản gặp khó khăn và cũng hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 175 Luật THADS.