Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, vấn đề an toàn thực phẩm sẽ vẫn là vấn đề “nóng”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trên cả nước cần chú trọng kiểm tra, xử lý các mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn; đồng thời đẩy mạnh việc giám sát chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất đến quá trình tiêu thụ trên thị trường.

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Công Thương, hiện TP có 29 trung tâm thương mại, 132 siêu thị, 453 chợ, 18 nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm. Trong đó, hệ thống chợ phục vụ 60% nhu cầu tiêu dùng, mua sắm thực phẩm trên địa bàn.

Bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho hay, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn thời gian qua dù đạt được nhiều bước tiến song vẫn còn một số bất cập. Cụ thể, việc chấp hành quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của các tiểu thương còn yếu; truy xuất nguồn gốc thực phẩm chưa được làm thường xuyên; nhận thức của người tiêu dùng chưa cao; còn tồn tại nhiều chợ cóc, chợ tạm chưa đảm bảo điều kiện về an toàn thực phẩm…

TP Hà Nội đã ban hành Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025”. Đề án đặt mục tiêu tới năm 2025, 100% số đơn vị quản lý chợ, các cơ sở kinh doanh thực phẩm cố định tại chợ được tuyên truyền, phổ biến, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; 100% số chợ được giám sát, lấy mẫu kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm; 100% số chợ đang hoạt động được nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, đầu tư; 100% số chợ xây mới đáp ứng được các tiêu chí chợ bảo đảm an toàn thực phẩm, văn minh thương mại…

Đặc biệt đề án cũng giao Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, bố trí vị trí thuận lợi để lắp đặt nhà trạm phục vụ Tổ kiểm tra làm việc, lấy mẫu xét nghiệm nhanh hằng ngày đối với các thực phẩm kinh doanh tại chợ.

Mặt khác, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ đã đề xuất UBND TP Hà Nội tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, xã, phường... đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các cơ sở có hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; đồng thời có sự kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị để tránh chồng chéo trong công tác.

Tại TP HCM, trong 10 tháng năm 2022, các lực lượng chức năng đã thanh tra, kiểm tra 26.005 cơ sở, phát hiện 2.602 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm và xử phạt 633 cơ sở với tổng số tiền gần 10 tỷ đồng… Cơ quan chức năng cũng đã rà soát 10.460 sản phẩm thực phẩm chức năng và thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các trang web kinh doanh và phát hiện 53 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, chuyển thanh tra theo dõi, xử lý theo quy định. Đáng chú ý, trong tháng 10/2022, TP HCM xảy ra 3 vụ ngộ độc, trong đó có vụ ngộ độc về rượu làm 2 người tử vong…

Để bảo đảm an toàn thực phẩm, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM đã triển khai nhiều đợt tăng cường kiểm tra an toàn thực phẩm trên toàn địa bàn thành phố; chú trọng kiểm tra tại các cơ sở phân phối, các chợ truyền thống, hệ thống siêu thị, hàng hóa lưu thông trên thị trường; xử lý nghiêm các sai phạm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, tính đến hết ngày 10/11/2022, đơn vị đã phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra hơn 8.000 cơ sở, trong đó hơn 700 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm bị xử phạt với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai Võ Thái, những tháng cuối năm, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị chức năng duy trì thường xuyên các hoạt động kiểm tra, tuyên truyền, xử lý những trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh thực phẩm, quán ăn, cơ sở sản xuất thực phẩm, chất phụ gia...

Đặc biệt, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành của các sở, ngành và địa phương liên quan thực hiện đồng bộ các biện pháp giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm để bảo đảm an toàn thực phẩm đối với sản phẩm gia súc, gia cầm tại các chợ, các cơ sở kinh doanh, giết mổ trên địa bàn…