Đối tượng kiểm tra còn cản trở, không hợp tác
Số liệu từ Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, hiện nay, diện bao phủ BHXH mới chỉ đạt trên 20% lực lượng lao động, còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu mà Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra là 50% lực lượng lao động tham gia BHXH vào năm 2020.
Số người tham gia BHYT tuy đã đạt 82% dân số nhưng vấn đề duy trì bền vững vẫn còn nhiều thách thức. Trong khi đó, tình trạng trốn đóng, nợ đọng vẫn còn phổ biến, năm 2016, tổng số nợ chiếm 3,3% số phải thu, trong đó nhiều doanh nghiệp nợ hàng trăm tỷ đồng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động (NLĐ).
Do đó, năm 2016, Luật BHXH sửa đổi năm 2014 và Nghị định của Chính phủ quy định, BHXH Việt Nam được giao chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đây được cho là một giải pháp tốt nhất để xử lý tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho NLĐ. Tuy nhiên, sau gần 1 năm triển khai thì hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra chưa cao, chưa tạo được chuyển biến trong nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhiều doanh nghiệp.
Tại Hội thảo “Tăng cường công tác thanh tra - kiểm tra bảo hiểm xã hội tại Việt Nam” do BHXH Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức mới đây, ông Trần Đức Long - Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra (BHXH Việt Nam) cho biết, hiện nay, những biện pháp, chế tài của pháp luật xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN có mức phạt còn thấp.
Hàng năm, số đơn vị được phối hợp thanh tra, kiểm tra chưa nhiều và chưa thường xuyên; chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra của các đoàn phối hợp còn chưa cao; công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra tại cấp huyện còn rất hạn chế; việc triển khai ứng dụng CNTT trong công tác thanh tra, kiểm tra còn chậm; phối hợp chia sẻ thông tin giữa cơ quan BHXH với các cơ quan liên quan về quản lý doanh nghiệp còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Mặt khác, các đối tượng kiểm tra đôi khi còn cản trở, không hợp tác. Còn công tác thanh tra, kiểm tra hiện nay mới chỉ dừng ở phát hiện, kiến nghị nên hiệu quả thực thi kết luận thanh tra, kiểm tra còn hạn chế. Trong khi đó, cơ quan BHXH không còn được giao quyền khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT, BHTN, chức năng này đã được giao cho tổ chức công đoàn, nhưng các văn bản hướng dẫn thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, nên việc thu hồi nợ đọng gặp nhiều khó khăn.
Ông Chang Hee Lee - Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam - cũng cho rằng, lực lượng thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH hiện nay mới chỉ đáp ứng được 1/5 nhu cầu, mỗi cán bộ bình quân phụ trách theo dõi khoảng 100 nghìn lao động, trong khi theo ILO khuyến nghị các nước đang phát triển thì mỗi cán bộ thanh tra, kiểm tra chỉ phụ trách từ 1.000 đến 2.000 lao động.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của ILO, cứ 10 cán bộ thanh tra, kiểm tra thì mới chỉ có 1 cán bộ được đào tạo bài bản và được giao chính thức thanh tra viên chính. Đây là vấn đề không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà còn khá phổ biến ở các nước trên thế giới.
Cần sớm có chính sách hữu hiệu bảo vệ người lao động
Vì thế, ông Trần Đức Long đề nghị, cần phải giao chức năng thanh tra chuyên ngành BHXH đầy đủ hơn để xử lý các vi phạm trong quản lý chi trả các chế độ BHXH, đặc biệt là việc thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế; nâng cao hiệu quả công tác khởi kiện; tăng cường trao đổi thông tin, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan liên quan phục vụ công tác quản lý, xử lý vi phạm…
Ông Paguman Singh - chuyên gia quốc tế của ILO - cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra bước đầu phải mang tính tư vấn, khuyến khích, cung cấp thông tin cho chủ sử dụng lao động và người lao động về việc tuân thủ các quy định của pháp luật, sau đó mới đến xử phạt hành chính và các hình thức xử phạt cao hơn; phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến điều kiện làm việc và bảo vệ người lao động trong quá trình làm việc; thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề thiếu sót, bất cập chưa được quy định tại các quy phạm pháp luật hiện hành để có biện pháp điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. “Nếu việc tuân thủ kém thì cần phải thanh tra nhiều lần và phải có những quyết định xử phạt đủ tính răn đe” - ông Paguman Singh nhấn mạnh.
Để nâng cao năng lực thanh tra BHXH ở Việt Nam, ông Paguman Singh kiến nghị, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH tới chủ chủ sử dụng lao động và người lao động để nâng cao tính tuân thủ pháp luật; công khai các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH; cung cấp thường xuyên về tình trạng đóng BHXH của chủ chủ sử dụng lao động cho người lao động để họ chủ động trong việc theo dõi các quyền lợi của mình; có biện pháp xử phạt tức thời đối với người chủ sử dụng lao động khi không tuân thủ pháp luật về BHXH.
Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) - đề nghị, cần phải ban hành, sửa đổi kịp thời các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH, nhất là về cơ chế, chính sách xử lý nợ BHXH, BHYT, BHTN ở những doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn để giải quyết quyền lợi cho người lao động; nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn và người lao độngtrong việc thanh tra, kiểm tra các đơn vị chủ sử dụng lao động; đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và BHXH Việt Nam trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.