Kịp thời phát hiện sai phạm, góp phần tháo gỡ “điểm nghẽn”
Năm 2013, công tác thanh tra của Bộ/ngành Tư pháp đã thu được những kết quả nhất định, giúp Bộ Tư pháp thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước của ngành, phát hiện và xử lý kịp thời những sai phạm trong công tác thi hành án dân sự, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý ngân sách... Đánh giá trên được thể hiện bằng những kết quả cụ thể nào, thưa ông?
- Năm 2013, ngành Tư pháp đã triển khai 560 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 942 tổ chức, cá nhân. Qua thanh tra phát hiện vi phạm, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 741.176.416 đồng, ban hành 222 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 435.600.000 đồng. Thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực công chứng đã được triển khai thực hiện đồng bộ trên toàn quốc. Qua đó, đã đề xuất với cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực này, phục vụ kịp thời cho việc quản lý nhà nước của ngành.
Ông Hà Kế Vinh |
Riêng Thanh tra Bộ Tư pháp đã triển khai 33 cuộc thanh tra, kiểm tra, hoàn thành 100% Kế hoạch công tác thanh tra đề ra. Công tác thanh tra đột xuất được đẩy mạnh, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và thu được những kết quả nhất định, giúp Bộ trưởng thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước của ngành, các trường hợp sai phạm nghiêm trọng đã được kịp thời chấn chỉnh, khắc phục và xử lý nghiêm để làm gương trong toàn ngành.
Cùng với việc phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật, cơ quan thanh tra của Bộ còn giúp phòng ngừa các vi phạm pháp luật, hạn chế, răn đe những hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng thuộc quyền quản lý của Bộ Tư pháp. Mặt khác, trên cơ sở các kiến nghị được Thanh tra Bộ đưa ra từ hoạt động thanh tra, kiểm tra còn có tác dụng giúp Bộ Tư pháp kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những “điểm nghẽn” trong một số lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của ngành; khắc phục các kẽ hở của chính sách, pháp luật, ngăn ngừa những vi phạm pháp luật tương tự phát sinh.
Kết quả kể trên thực sự đáng ghi nhận nhưng một số lĩnh vực thanh tra chuyên ngành chưa được thanh tra, thời gian giải quyết khiếu nại, tố cáo còn vượt thời hạn, vẫn còn tình trạng khiếu nại kết quả giải quyết khiếu nại của Bộ Tư pháp... Ông lý giải thực trạng này như thế nào?
- Phải thừa nhận là như nhiều năm, nhiều mảng công tác thanh tra chuyên ngành còn “bỏ ngỏ” do những nguyên nhân chưa thể được giải quyết triệt để. Đó là, biên chế làm công tác thanh tra toàn ngành còn mỏng (toàn ngành hiện có 174 biên chế); một số Sở Tư pháp bố trí công chức làm công tác thanh tra chưa ổn định, thay đổi thường xuyên nên chưa có kinh nghiệm chuyên sâu về công tác thanh tra.
Năm 2013, mặc dù không phải là đơn vị xây dựng pháp luật nhưng Thanh tra Bộ Tư pháp đã được lãnh đạo Bộ giao và tập trung nhiều cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, đồng thời có nhiều cuộc thanh tra đột xuất do phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật và thanh tra để giải quyết khiếu nại, tố cáo phát sinh, trong khi biên chế có hạn dù công tác tổ chức, biên chế đã được lãnh đạo Bộ đặc biệt quan tâm, công chức Thanh tra Bộ rất nỗ lực, cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ nhưng vẫn luôn quá tải công việc.
Về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, các vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng thường là những vụ việc có tính chất phức tạp, đã được giải quyết qua nhiều cấp nhưng đương sự vẫn khiếu nại, tố cáo gay gắt, kéo dài. Để giải quyết dứt điểm các vụ việc này đảm bảo hợp lý, hợp tình cần có sự thống nhất của nhiều ngành, nhiều cấp. Do đó, thời gian giải quyết tương đối dài, một số vụ việc chưa đáp ứng được yêu cầu về mặt thời gian theo quy định.
Một nguyên nhân quan trọng là nhận thức của người dân còn có những hạn chế, việc chấp hành của công dân đối với quyết định giải quyết khiếu nại một số vụ việc chưa cao. Thậm chí, còn có những trường hợp cố tình lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gửi đơn khiếu nại, tố cáo nhiều lần, tới nhiều cơ quan mặc dù đã được Bộ Tư pháp giải quyết hết thẩm quyền, hợp tình, hợp lý.
Thanh tra có trọng tâm, trọng điểm và tăng cường thanh tra đột xuất
Nhận thức rõ các nguyên nhân như vậy, năm 2014 Thanh tra Bộ sẽ chọn giải pháp nào để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác, thưa ông?
- Muốn nâng cao hiệu quả công tác thanh tra năm 2014 và công tác thanh tra của toàn ngành, cần phải kiện toàn tổ chức, tăng cường biên chế. Thực hiện thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt thanh tra đột xuất và kiểm tra sau thanh tra các kết luận thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại. Bên cạnh đó, tăng cường phối kết hợp với các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ trong việc ra kết luận thanh tra, tham mưu cho lãnh đạo Bộ giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng trình tự, thẩm quyền cũng như phối hợp giữa Thanh tra Bộ với Thanh tra Chính phủ và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Năm 2014, Thanh tra Bộ Tư pháp sẽ thành lập từ 20-25 đoàn thanh tra, tập trung chủ yếu vào 04 lĩnh vực: thi hành án dân sự; bán đấu giá tài sản; luật sư; hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; tập trung thanh tra công tác đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý, sử dụng kinh phí hành chính sự nghiệp và thanh tra trách nhiệm việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Trong đó, chú trọng thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về kê khai tài sản. Đồng thời, Thanh tra các Sở Tư pháp tập trung thanh tra chuyên đề về bán đấu giá tài sản và thực hiện thanh tra các lĩnh vực có nhiều bức xúc, tiêu cực như: công chứng, hộ tịch, luật sư...
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ chú trọng nắm bắt thông tin, phát hiện kịp thời những dấu hiệu vi phạm pháp luật để tiến hành thanh tra đột xuất. Năm nay, công tác này sẽ mang tính đột phá, Thanh tra Bộ sẽ tập trung vào những vấn đề bức xúc, nổi cộm, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực và khiếu nại, tố cáo như công tác thống kê, báo cáo; trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý trực tiếp của Bộ trưởng trong phạm vi toàn quốc để siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ cũng sẽ thành lập từ 06 đến 08 đoàn kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra, quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo thực tế tại địa phương..., tổ chức triển khai Nghị định số 110/2013, tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến cho cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng bị xử phạt và tập huấn cho người có thẩm quyền xử phạt; thường xuyên theo dõi, sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Nghị định...
Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 74 về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Tư pháp đang trình cấp có thẩm quyền ban hành. Ông đánh giá như thế nào về vai trò “đòn bẩy” của văn bản này đối với công tác thanh tra tư pháp thời gian tới?
- Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 74/2006/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Tư pháp đang trình cấp có thẩm quyền ban hành sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế của Nghị định số 74/2006/NĐ-CP, đáp ứng yêu cầu của công tác thanh tra trong giai đoạn mới. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bộ máy của Thanh tra ngành Tư pháp, tăng cường tính hiệu quả và khẳng định hơn nữa vị trí, vai trò của bộ máy thanh tra ngành Tư pháp trong hệ thống các cơ quan Thanh tra Nhà nước; góp phần không nhỏ vào việc giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý trong lĩnh vực tư pháp. Đây cũng là sự kế thừa những kết quả đáng ghi nhận mà Nghị định số 74/2006 đã đạt được.
Chúng tôi hy vọng Nghị định thay thế Nghị định số 74/2006 không chỉ góp phần tiếp tục củng cố, hoàn thiện bộ máy, biên chế, cơ sở vật chất cho Thanh tra ngành Tư pháp mà sẽ là cơ sở quan trọng để các cơ quan Thanh tra ngành Tư pháp tiến hành các hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo thẩm quyền một cách hiệu quả hơn, phát huy vai trò của lực lượng thanh tra trong đảm bảo hoạt động thông suốt, đồng bộ, thống nhất và tuân thủ đúng qui định pháp luật trong hoạt động tư pháp thời gian tới.
Trân trọng cảm ơn ông và chúc công tác thanh tra của Bộ và ngành sẽ gặt hái nhiều kết quả khả quan hơn trong năm mới!