Kiến nghị rà soát lại công tác nhân sự ngành Tư pháp các địa phương
Lãnh đạo ngành Tư pháp nhiều tỉnh, thành giãi bày: Dù khẳng định công tác tư pháp là đặc biệt quan trọng, ngành Tư pháp đã tham mưu cho địa phương giải quyết được nhiều vấn đề khó, tuy nhiên, còn đó một vài nơi công tác tư pháp vẫn chưa thể hiện vai trò quan trọng của mình, chưa được đánh giá cao. Từ đó dẫn đến công tác nhân sự của Tư pháp địa phương bị thờ ơ, chưa được quan tâm đúng mức.
Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Trị, Phan Văn Phong nêu ý kiến: “Tôi đề nghị cần xác định tư pháp ở địa phương là công tác quan trọng và cơ bản. Bởi, ở tỉnh tôi có những vụ việc đã tồn 20 năm nay, cho đến khi ngành Tư pháp vào cuộc giải quyết thì mang lại kết quả tốt. Tuy nhiên, thực tế cũng có nghịch lý là khi nói đến nhân sự của ngành Tư pháp thì lại không được chính quyền địa phương quan tâm đúng mức. Hiện Sở Tư pháp Quảng Trị chỉ có 22 nhân sự (trước đây chỉ có 19 người, để có thêm được 3 nhân sự, mỗi người phải trải qua 3 lần thi). Tôi đề nghị Bộ nên kiến nghị Bộ Nội vụ rà soát lại công tác nhân sự ngành Tư pháp của các địa phương để tháo gỡ cái khó này”.
Đồng tình với ông Phong, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi, Bùi Thị Lệ Thủy cũng bày tỏ mối trăn trở về vấn đề biên chế của ngành Tư pháp tại địa phương: “Với nhân sự hiện nay thì Sở phải cố gắng làm hết sức mình mới có thể hoàn thành nhiệm vụ. Tôi có cảm giác rằng, ở địa phương nào mà Sở Nội vụ xác định công tác tư pháp là quan trọng thì ở nơi đó công tác nhân sự được quan tâm; còn địa phương nào không xem trọng công tác tư pháp thì công tác nhân sự nơi đó không được quan tâm; thậm chí thiếu nhân sự trầm trọng, dẫn đến khó có thể hoàn thành nhiệm vụ”.
Lãnh đạo các Sở chia sẻ, việc thiếu nhân sự là nguyên nhân dẫn đến nhiều cái khó, cái vướng khiến công tác tư pháp chưa phát huy hết hiệu quả, một số đơn vị khó hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Công tác tư pháp là công tác của cả cấp ủy, chính quyền địa phương
Về Tư pháp TP.HCM, một trong những trung tâm lớn nhất cả nước, lãnh đạo Sở đặc biệt quan tâm đến vấn đề đào tạo nâng cao chất lượng nhân sự, đặc biệt là bồi dưỡng các kĩ năng cho cán bộ. Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Ung Thị Xuân Hương kiến nghị Bộ nên có những lớp bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng thẩm định văn bản, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến các điều ước quốc tế. Theo bà Hương, trên thực tế công tác theo dõi thi hành pháp luật, do chưa có thông tư hướng dẫn nên TP.HCM đôi khi cũng lúng túng, nhất là trong các lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng...
Rất thẳng thắn, bà Hương cho rằng: “Ngành Tư pháp TP.HCM đã được tạo điều kiện trong công tác nhân sự, được bổ sung biên chế... Tuy nhiên, dù được ưu đãi như thế nhưng vẫn còn đó khó khăn, và như thế đối với các địa phương không được bổ sung biên chế thì thật là vất vả, tôi hoàn toàn chia sẻ”.
Trước ý kiến của Sở Tư pháp các địa phương, đại diện các Vụ, nhất là Vụ Tổ chức cán bộ đã giải thích cặn kẽ cũng như trình bày các đường hướng giải quyết nhằm tháo gỡ cho các địa phương trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường kết luận: Về kết quả công tác năm 2013, Phó Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá rất kỹ và đã biểu dương những kết quả mà ngành Tư pháp đạt được. Bộ trưởng cũng bày tỏ vui mừng khi được nghe các đánh giá, nhận xét chí tình, chí lý về sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành, địa phương qua ý kiến của đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành (TP.HCM, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng…), đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Liên đoàn Luật sư Việt Nam... Bộ trưởng cho biết, sau hội nghị Bộ Tư pháp sẽ có kết luận hội nghị chính thức bằng văn bản gửi đến tất cả các cơ quan, đơn vị.
Về kiến nghị của Tư pháp các địa phương, Bộ trưởng nhận định: “Cái khó khăn lớn nhất của ngành ta là có bất cập giữa tăng cường, làm sâu sắc nhiệm vụ với vấn đề biên chế, mà đến nay vẫn chưa tháo gỡ được, chúng ta nói trong tổng thể”. Tuy nhiên, Bộ trưởng bày tỏ sự vui mừng bởi trong khó khăn đó, ngành Tư pháp kết thúc năm với nhiều khởi sắc mới, tạo dựng được sự đồng thuận của người dân và xã hội. Dù vậy, Bộ trưởng cũng cho rằng cần phải tiếp tục nhìn lại để khắc phục những hạn chế, tồn tại sau một năm công tác đã qua.
Về vai trò của ngành Tư pháp, Bộ trưởng nhấn mạnh: Đối với ngành Tư pháp, Thủ tướng đã xác định báo cáo công tác tư pháp của các địa phương là phải do lãnh đạo tỉnh, thành trực thuộc Trung ương ký chứ không phải Giám đốc Sở Tư pháp, bởi công tác tư pháp ở địa phương là của cấp ủy, chính quyền địa phương chứ không phải của riêng của Sở Tư pháp. Chính sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương mà công tác tư pháp có sự chuyển biến. Tuy nhiên, vẫn còn đó ở tỉnh này, tỉnh kia cấp ủy, lãnh đạo tỉnh còn chưa vào cuộc tích cực; rồi bản thân Sở Tư pháp cũng chưa thực sự giúp việc đắc lực cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Bộ trưởng đặt vấn đề: “Cũng sự lãnh đạo ấy của Đảng, Nhà nước tại sao có nơi làm tốt, có nơi làm không tốt, có nơi làm được, có nơi lại cho rằng khó khăn không làm được?”.
Bộ trưởng lưu ý, năm 2014 vai trò của ngành Tư pháp đã được khẳng định ngay từ trong thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ. Do đó: “Năm 2014, chúng ta phải đổi mới tư duy ngành, không thể để Bộ làm việc của tỉnh, ngược lại tỉnh làm việc của Bộ”.