Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số Quảng Trị: Nhiều hiệu ứng tích cực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số ( DTTS ), tỉnh Quảng Trị đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016 .
Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số Quảng Trị: Nhiều hiệu ứng tích cực

Tăng cường tiếng Việt (TCTV) được coi là “chìa khóa” quan trọng trong công tác giáo dục vùng đồng bào DTTS, những năm qua, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện nhiệm vụ này nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường.

Sở Giáo dục Đào tạo (GDĐT) đã tham mưu và thực hiện nhiều giải pháp có hiệu quả để thực hiện tốt việc TCTV cho học sinh vùng đồng bào DTTS, trong đó tập trung vào các giải pháp cụ thể như: tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực về công tác quản lí, phương pháp, kĩ năng tổ chức các hoạt động giáo dục để TCTV phù hợp với học sinh vùng đồng bào DTTS qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho CBQL-GV; giới thiệu và triển khai áp dụng bộ tài liệu TCTV các lớp 1,2,3,4,5 sử dụng trong các cơ sở giáo dục tiểu học; TCTV thông qua việc xây dựng thư viện thân thiện, tổ chức tiết đọc thư viện; chỉ đạo các đơn vị trường học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, bố trí kế hoạch dạy học linh hoạt, thời khóa biểu hợp lí, khóa học, phù hợp với điều kiện từng trường…

Một buổi học làm quen với chữ cái tiếng Việt của Cô và trò tại trường mầm non Hướng Phùng (Hướng Hóa - Quảng Trị)

Một buổi học làm quen với chữ cái tiếng Việt của Cô và trò tại trường mầm non Hướng Phùng (Hướng Hóa - Quảng Trị)

Với sự quan tâm của tỉnh, kết quả học tập môn Tiếng Việt của học sinh người DTTS trong những năm gần đây có những chuyển biến tích cực. Theo đánh giá mới nhất của Sở Giáo dục Đào tạo, năm học 2022 - 2023, số lượng học sinh người DTTS “chưa hoàn thành” môn Tiếng Việt giảm chỉ còn dưới 3,5%, cụ thể: huyện Hướng Hóa còn 3,04%; huyện Đakrông còn 2,84%, huyện Vĩnh Linh còn 1,02%, huyện Gio Linh còn 0,98% và huyện Cam Lộ chỉ còn 0,66%.

Huyện miền núi Hướng Hoá có 14 xã thuộc khu vực III, có 11 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Dân số hiện nay của toàn huyện khoảng 95.000 người, chủ yếu là người đồng bào Vân Kiều, Pa Kô. Thực hiện đề án tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số, những năm qua, ngành Giáo dục Đào tạo huyện Hướng Hóa đã có nhiều giải pháp tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh DTTS ở hai cấp học này. Qua đó, giúp các em mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp bằng tiếng Việt, tạo tiền đề để các em học tập, lĩnh hội chương trình giáo dục một cách tốt nhất.

Hiệu trưởng Trường Mầm non Hướng Tân (huyện Hướng Hoá) chia sẻ, trường hiện có 315 trẻ, trong đó có 205 trẻ là người dân tộc Vân Kiều, phân bố tại 6 điểm trường. Phần lớn trẻ là người DTTS khi vào nhập học đều chưa biết hoặc chưa nói thạo tiếng Việt. Nhằm nâng cao khả năng tiếng Việt cho các em, nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện đề án tăng cường khả năng tiếng Việt cho trẻ mầm non vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường và địa phương.

Một hoạt động ngoài trời của học sinh mầm non trường Hướng Tân (Hướng Hóa - Quảng Trị)

Một hoạt động ngoài trời của học sinh mầm non trường Hướng Tân (Hướng Hóa - Quảng Trị)

Cùng với việc bổ sung, tăng cường thiết bị dạy học, nhà trường đã tổ chức linh hoạt các chương trình dạy học nhằm giúp trẻ được tiếp cận tiếng Việt một cách nhẹ nhàng và gần gũi nhất. Lựa chọn các nội dung giáo dục mang bản sắc văn hóa địa phương, vùng miền, lồng ghép vào các hoạt động giáo dục, phù hợp với từng điểm trường, tạo sự gần gũi để trẻ tích cực tham gia các hoạt động giáo dục.

Thường xuyên lồng ghép, tổ chức các hoạt động cho trẻ khám phá, trải nghiệm, các trò chơi để trẻ được giao tiếp bằng tiếng Việt; vận dụng linh hoạt các phương tiện hỗ trợ các kỹ năng nghe, nói để tăng vốn từ và phát âm chuẩn tiếng Việt cho trẻ. Tận dụng vốn tiếng mẹ đẻ của trẻ để học tiếng Việt thuận lợi và hiệu quả hơn thông qua việc tạo cơ hội giao tiếp cho trẻ mọi lúc, mọi nơi dựa trên nền tiếng mẹ đẻ của trẻ. Tạo môi trường giao tiếp giữa giáo viên và trẻ dựa trên cơ sở tiếng mẹ đẻ. Ngoài ra, nhà trường còn khuyến khích phụ huynh thường xuyên sử dụng tiếng Việt khi giao tiếp ở nhà để tăng cường vốn từ cho các em.

Với cách làm trên, 100% trẻ mẫu giáo người DTTS đã được chuẩn bị tốt tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Tạo tiền đề vững chắc để trẻ nhanh chóng tiếp cận chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới.

Theo đánh giá của Phòng GDĐT huyện Hướng Hóa, việc thực hiện đề án tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025 trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ trên địa bàn huyện trong thời gian qua có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đã giúp các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học; tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo.

Thời gian tới Phòng GDĐT huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tham mưu với các cấp chính quyền, vận động sự hỗ trợ của các chương trình, dự án trên địa bàn trong việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu phục vụ dạy, học tiếng Việt cho trẻ vùng DTTS. Tổ chức thực hiện các hoạt động tăng cường tiếng Việt với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt, phù hợp; tăng thời lượng tiếng Việt, lồng ghép tăng cường tiếng Việt trong các môn học, hoạt động giáo dục.

Vận dụng linh hoạt các phương tiện hỗ trợ kỹ năng nghe, nói để tăng vốn từ và chuẩn âm tiếng Việt cho trẻ. Lựa chọn các nội dung giáo dục mang bản sắc văn hóa địa phương, vùng miền lồng ghép vào các hoạt động giáo dục, phù hợp với từng đơn vị, tạo sự gần gũi để trẻ tích cực tham gia các hoạt động giáo dục.

Tiếp tục triển khai các mô hình phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong chăm sóc, giáo dục trẻ; phối hợp với cha mẹ trẻ trong việc dạy tiếng Việt cho trẻ, thường xuyên giao tiếp với trẻ bằng tiếng Việt tại gia đình. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các thiết bị điện tử, phần mềm, tư liệu, hình ảnh phù hợp để nâng cao hiệu quả dạy học tiếng Việt.

Đọc thêm