Tăng cường tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp

(PLVN) - Đây là một trong số những giải pháp được Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Đồng Ngọc Ba chia sẻ nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập được phát hiện thông qua kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thời gian gần đây.

-Được biết, vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện đợt rà soát văn bản sâu rộng để phát hiện và xử lý các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, trong khi rà soát văn bản là nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, ngành. Xin ông cho biết lý do tại sao phải tổ chức thêm đợt rà soát này?

Cục trưởng Đồng Ngọc Ba: Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực trong hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật. Các bộ, ngành, địa phương đã rà soát số lượng lớn văn bản quy phạm pháp luật (QPPL), kịp thời phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý nhiều quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, bảo đảm thi hành hiệu quả Hiến pháp năm 2013; thực hiện hệ thống hóa, xác định và công bố các văn bản QPPL đang còn hiệu lực trong cả nước, góp phần tăng cường tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật. 

Cục trưởng Đồng Ngọc Ba.
 Cục trưởng Đồng Ngọc Ba.

Trong lĩnh vực pháp luật về đầu tư, kinh doanh, đất đai, môi trường, xây dựng, nhà ở và quy hoạch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp phối với hợp với bộ, cơ quan liên quan tổ chức thực hiện rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật; nhiều quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn đã được xử lý trong những năm gần đây. Điểm qua kết quả công tác rà soát thời gian qua như vậy để thấy rằng, công tác rà soát văn bản thường xuyên đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như các bộ, ngành quan tâm triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực. 

Tuy nhiên, nhiệm vụ xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa giai đoạn hiện nay đang đặt ra nhiều yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật. Thành tựu của khoa học, công nghệ đang tác động sâu sắc tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, làm phát sinh nhiều vấn đề pháp lý mới, phức tạp cả trong phạm vi quốc gia và toàn cầu, đòi hỏi phải có những phản ứng nhạy bén, kịp thời về chính sách, pháp luật. 

Trong khi đó, do những nguyên nhân khác nhau, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay vẫn chưa thực sự đầy đủ, đồng bộ; hệ thống pháp luật vẫn còn những hạn chế về chất lượng văn bản và hiệu quả thi hành; một số lĩnh vực, nhất là liên quan đến quyền sử dụng đất, điều kiện đầu tư kinh doanh, thị trường vốn, xây dựng, nhà ở, quy hoạch còn vướng mắc, bất cập. Chính vì thế, đợt rà soát lần này rất quan trọng và cần thiết.

-Ông đánh giá như thế nào về quá trình thực hiện và kết quả rà soát, đã đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đặt ra chưa?

Cục trưởng Đồng Ngọc Ba: Phạm vi rà soát đợt này là các văn bản QPPL của các cơ quan trung ương đang còn hiệu lực (tính đến ngày 30/6/2020), trừ Hiến pháp, trong đó đặt trọng tâm là các lĩnh vực pháp luật tác động trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh. Mục đích là phát hiện các quy định pháp luật có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển; có phương án xử lý kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội. 

Nhìn lại quá trình tổ chức thực hiện, có thể khẳng định đây là đợt rà soát văn bản QPPL theo chuyên đề, lĩnh vực được tổ chức bài bản, khoa học, bảo đảm tính toàn diện, có hệ thống, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm. Với số lượng lớn văn bản QPPL được rà soát (249 bộ luật, luật; 43 nghị quyết của Quốc hội; 44 pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; 1163 nghị định của Chính phủ; 866 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 6414 văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ), quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, đặc biệt là do dịch Covid-19, song nhìn chung các bộ, ngành, cơ quan liên quan đã tập trung nguồn lực, tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao. 

Quá trình rà soát đã nhận được sự quan tâm của các cá nhân, tổ chức trong xã hội, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp thông qua việc gửi phản ánh, kiến nghị về vướng mắc, bất cập của các quy định pháp luật.

Trên cơ sở Báo cáo của các bộ, cơ quan, Bộ Tư pháp (Cơ quan thường trực Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ) đã nghiên cứu, tổng hợp, tổ chức các cuộc họp trao đổi với các bộ, ngành, chuyên gia, người hoạt động thực tiễn theo nhóm nội dung chuyên môn sâu, trong đó những hạn chế cụ thể của hệ thống văn bản QPPL được phân loại thành hai nhóm cơ bản: (i) các quy định mâu thuẫn, chồng chéo; (ii) các quy định bất cập, không phù hợp thực tiễn đang ngăn cản, kìm hãm sự phát triển. 

Công tác triển khai thực hiện và kết quả rà soát văn bản QPPL đã được các cơ quan ghi nhận, đánh giá cao, đồng thời tán thành với nhiều nội dung được nêu trong báo cáo rà soát. 

Ông Ba trình bày dự thảo tại cuộc họp góp ý dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật.
Ông Ba trình bày dự thảo tại cuộc họp góp ý dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

Ngày 01/10/2020, Chính phủ đã có Báo cáo số 442/BC-CP trình Quốc hội về kết quả rà soát, trong đó đã nêu phương án xử lý (sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ban hành mới) các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn, tập trung vào các lĩnh vực: điều kiện gia nhập thị trường, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp; phê duyệt, triển khai, tổ chức thực hiện, chấm dứt dự án đầu tư; tài chính; thuế; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng và kinh doanh bất động sản; lao động, việc làm và an sinh xã hội; hợp đồng, giải quyết tranh chấp phát sinh trong kinh doanh, phá sản doanh nghiệp; kiểm tra chuyên ngành đối với hang hóa xuất, nhập khẩu; bổ trợ tư pháp và tiếp cận pháp luật của doanh nghiệp; phân công, phân cấp, phân quyền, ủy quyền trong quản lý nhà nước về kinh tế; quy định pháp luật đảm bảo đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (chuyển đổi số, mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ số, thương mại điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh số và xác thực điện tử, thanh toán điện tử…). 

Bên cạnh đó, đối với 25 nội dung kiến nghị được cho là có mâu thuẫn, chồng chéo, chưa rõ ràng trong pháp luật về đầu tư kinh doanh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành liên quan đã cầu thị lắng nghe, tiếp thu và tổ chức rà soát lại. Qua đó cho thấy, 16/25 nội dung được nêu là có cơ sở hoặc đúng một phần, 09/25 nội dung chưa chính xác. 

Nhiều nội dung trong các kiến nghị này đã được Bộ Tư pháp chủ động rà soát, phát hiện trước đó, thể hiện trong các Báo cáo rà soát gửi Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan thực hiện các giải pháp để hoàn thiện pháp luật. 

Đến nay, có 12/16 nội dung đã được xử lý tại Luật Đầu tư năm 2020 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020; 04 nội dung khác đã được các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất xử lý trong quá trình xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ môi trường và một số Nghị định của Chính phủ.

-Như ông đã chia sẻ thì thông qua kết quả rà soát văn bản QPPL cho thấy, hệ thống pháp luật vẫn còn hạn chế, bất cập, nhất là còn tồn tại những quy định mâu thuẫn, chồng chéo. Theo ông, đâu là nguyên nhân của những hạn chế, bất cập này? 

Cục trưởng Đồng Ngọc Ba: Từ kết quả rà soát cho thấy, công tác xây dựng văn bản QPPL thời gian qua đạt kết quả tích cực là chủ yếu. Hệ thống văn bản QPPL đã tương đối đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội; phần lớn văn bản QPPL có chất lượng tốt, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, đóng góp tích cực và quan trọng vào quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật được nâng lên thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin để đăng tải ngày càng kịp thời, đầy đủ văn bản QPPL (Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Công báo điện tử).  

Tuy nhiên, đúng là hệ thống pháp luật vẫn còn những hạn chế, bất cập như: hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; tính khả thi, tính dự báo chưa cao, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật. Quy định bất cập trong một số văn bản QPPL mặc dù đã được phát hiện, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. 

Một số quy định chưa đáp ứng yêu cầu “chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu” theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL, dẫn đến việc hiểu, áp dụng không thống nhất. Nhiều vướng mắc, bất cập xuất phát từ việc hiểu không đúng, không nắm vững nguyên tắc áp dụng pháp luật dẫn đến lúng túng, thậm chí áp dụng sai pháp luật. 

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.

Thực tiễn này có nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, nhất là thời gian qua nhiều vấn đề kinh tế, xã hội mới, phức tạp nảy sinh đã dẫn tới những bất cập trong hệ thống pháp luật. Trong khi đó, nguồn lực bảo đảm nhìn chung chưa tương xứng với tầm quan trọng, tính chất khó khăn, phức tạp của hoạt động xây dựng pháp luật. Vì vậy, một số trường hợp chưa thực thi được đầy đủ yêu cầu của Luật Ban hành văn bản QPPL, nhất là khảo sát, đánh giá tác động của văn bản trong một số trường hợp chưa sát thực tiễn. 

Một số vấn đề lý thuyết căn bản về pháp luật đã được nghiên cứu, đúc rút trong khoa học pháp lý (luật công, luật tư, luật chung, luật riêng, ủy quyền lập pháp, giải thích pháp luật, án lệ…) nhưng chưa được ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn xây dựng và áp dụng pháp luật. Một số cơ quan soạn thảo văn bản chưa quan tâm đúng mức đến việc rà soát đầy đủ, kỹ lưỡng văn bản QPPL liên quan khi ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế văn bản QPPL, dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định.

Năng lực, trình độ của một bộ phận công chức làm công tác xây dựng pháp luật còn hạn chế, nhất là về tính chuyên nghiệp, kỹ năng phân tích, dự báo, xây dựng chính sách, áp dụng pháp luật. Các điều kiện đảm bảo thi hành pháp luật còn chưa đầy đủ, nhất là về tổ chức, bộ máy, biên chế và kinh phí; cơ chế phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các cơ quan, tổ chức liên quan về tổ chức thi hành pháp luật còn chưa đồng bộ, hiệu quả. 

-Vậy giải pháp khắc phục trong thời gian tới ra sao, thưa ông?

Cục trưởng Đồng Ngọc Ba: Thời gian tới, để hạn chế các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật và bào đảm hiệu quả thi hành pháp luật, cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm quy trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL theo Luật Ban hành văn bản QPPL, trong đó cần chú trọng rà soát kỹ các quy định pháp luật hiện hành liên quan trước khi ban hành quy định mới; tăng cường huy động trí tuệ xã hội trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; ứng dụng hiệu quả kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý vào xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật; tiếp tục nâng cao chất lượng các công tác thẩm định, thẩm tra dự thảo văn bản.

Thứ hai, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan, nhất là người đứng đầu cần quan tâm, nhận thức đầy đủ về nội dung, yêu cầu của công tác xây dựng pháp luật; cần nhận thức văn bản QPPL là bộ phận cốt lõi của thể chế, tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường hơn nữa trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ; tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL gắn kết với xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật.

Thứ ba, bảo đảm nguồn lực cho công tác xây dựng pháp luật, có giải pháp đổi mới cơ chế phân bổ kinh phí, đảm bảo tài chính để thực hiện hiệu quả quy trình xây dựng pháp luật, nhất là khảo sát thực tiễn, đánh giá tác động của chính sách; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật, đặc biệt là chuyên môn và đạo đức công vụ.

Lễ ra mắt Cổng thông tin điện tử pháp điển và phần mềm pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.
Lễ ra mắt Cổng thông tin điện tử pháp điển và phần mềm pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật. 

Thứ tư, thực hiện các giải pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận pháp luật, qua đó nâng cao năng lực hiểu và thực thi pháp luật; tiếp tục thực hiện có hiệu quả, thực chất công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; thực hiện các giải pháp bảo đảm chất lượng các dịch vụ pháp lý, bổ trợ tư pháp, có chính sách cụ thể để nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực này; hoàn thành và có giải pháp quản lý, sử dụng hiệu quả Bộ pháp điển điện tử đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và Công báo điện tử về văn bản QPPL.

Thứ năm, thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, chú trọng đối thoại với doanh nghiệp về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật. 

Việc rà soát, phát hiện những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật là công việc khó, đòi hỏi nhiều công sức và thời gian thực hiện, cần có sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan liên quan. Kết quả đợt rà soát vừa qua, bên cạnh sự nỗ lực của các bộ, cơ quan liên quan, đã khẳng định vai trò quan trọng của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản QPPL, nhất là về rà soát độc lập, chuyên sâu đối với các lĩnh vực pháp luật.

Thời gian tới, Cục Kiểm tra văn bản QPPL sẽ tiếp tục tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Tổ trưởng Tổ công tác thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của Tổ công tác, trong đó sẽ lựa chọn các chuyên đề rà soát bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chú trọng các lĩnh vực pháp luật có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh. 

-Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm