“Dự thảo Hiến pháp mới không tiếp thu kiến nghị không quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội nhưng nội dung Thủ tướng, Bộ trưởng có nhiệm vụ báo cáo công tác trước nhân dân đã thể hiện trách nhiệm cá nhân cao hơn trong công tác điều hành”…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh trao đổi bên hành lang Quốc hội. |
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên thông tin trong buổi họp báo ngày 17/5 về kết quả lấy ý kiến đối với dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Thứ trưởng Hoàng Thế Liên khái quát, báo cáo góp ý các nội dung sửa Hiến pháp của Chính phủ gửi tới Ban biên tập vừa qua của Chính phủ dài 104 trang, được chắt lọc từ khoảng 5.000 trang báo cáo tổng kết lấy ý kiến nhân dân của 63 tỉnh thành và 30 bộ, ngành thể hiện 7 nhóm vấn đề của dự thảo được quan tâm đề xuất hoàn thiện.
Một nội dung lớn được Chính phủ tập trung đề cập là các quy định ở Chương VII – quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ.
Ông Liên cho biết, vấn đề đầu tiên, Chính phủ đề nghị là Hiến pháp xác định rõ vị trí, địa vị pháp lý của Chính phủ với tư cách là cơ quan thực hiện quyền hành pháp trong tổ chức quyền lực nhà nước. “Đã ghi nhận là cơ quan hành pháp thì không nên quy định Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Cần quy định thế nào về quyền hành của Chính phủ và các thành viên Chính phủ để Chính phủ được độc lập tương đối, để có thể chủ động điều hành, ứng phó nhanh nhạy trong thực tiễn cuộc sống rất nhiều biến động hiện nay” – ông Liên cho biết, nội dung này đã không được UB Dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp thu trong bản dự thảo mới nhất.
Theo quan điểm của ông Liên, chương Chính phủ cũng không nên đưa ra các quy định quá chi tiết. Nguyên tắc chỉ cần xác định rõ ràng vị trí pháp lý của Thủ tướng, các Phó thủ tướng và các thành viên của Chính phủ để đảm bảo sự độc lập về quyền lực trong bộ máy nhà nước.
Ngoài ra, Chính phủ cũng kiến nghị điều chỉnh các quy định theo hướng tăng cường trách nhiệm cá nhân của Thủ tướng, bộ trưởng, cụ thể mối quan hệ phân công phối hợp, kiểm soát thực hiện quyền lực nhà nước giữa Chính phủ với Quốc hội, Chủ tịch nước, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và các thiết chế hiến định độc lập.
Cụ thể, một vấn đề đã được UB Dự thảo tiếp thu là quy định Thủ tướng Chính phủ có nghĩa vụ báo cáo công tác của mình trước nhân dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ báo cáo công tác trước dân những vấn đề quan trọng thuộc trách nhiệm quản lý.
Ông Liên đánh giá, quy định này thể hiện trách nhiệm cá nhân rất cao của Thủ tướng, Bộ trưởng đối với việc điều hành đất nước.
Ngoài các nội dung trên, Chính phủ cũng góp nhiều ý kiến mới cho dự thảo Hiến pháp.
Cụ thể, đóng góp cho chương I về chế độ chính trị, Chính phủ tán thành với việc ghi nhận tại điều 4 về vị trí, vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng. Đồng thời kiến nghị tập trung vào quy định về nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân và việc cụ thể hóa nguyên tắc này trong dự thảo.
Chính phủ cũng đề nghị không quy định yếu tố nền tảng của quyền lực nhân dân là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức mà kế thừa các quy định của Hiến pháp 1946. Cần ghi nhận và đảm bảo thực thi quyền lập hiến của nhân dân, hoàn thiện các hình thức dân chủ trực tiếp, dân chủ gián tiếp.
Liên quan đến nội dung về chế độ kinh tế, báo cáo Chính phủ nhấn vào các quy định liên quan đến thu hồi đất, bồi thường đất. Theo đó, trong mọi trường hợp nhà nước thu hồi đất, thì người sử dụng đất hợp pháp, đúng mục đích bị thu hồi sẽ được bồi thường theo giá thị trường. Việc thu hồi đất chỉ được thực hiện trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Không quy định nhà nước thu hồi đất của các tổ chức, cá nhân cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Về việc kiến nghị của Chính phủ chỉ được tiếp thu ở mức độ nhất định, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên giải thích, khó có thể định lượng cụ thể về tỷ lệ. Nhận định việc không tiếp thu vấn đề này, nội dung kia trong quá trình làm luật là “chuyện bình thường”, ông Liên cho biết, vẫn có nhiều vấn đề được tiếp thu và việc đó làm chất lượng dự thảo tốt hơn trước.
“Xây dựng luật là quá trình thuyết phục lẫn nhau. Là một thành viên trong Ban soạn thảo, tôi cũng thấy nhiều ý kiến đặt vấn đề rất hay nhưng khi bị phản biện, vặn vẹo thì chính tôi cũng chưa trả lời một cách đầy đủ, thuyết phục được. Nhiều vấn đề đúng về lý luận trong thực tiễn cuộc sống cần được tiếp tục kiểm nghiệm, xem xét” – ông Liên lý giải.
Liên quan đến kinh phí dành cho việc lấy ý kiến, Thứ trưởng Liên cho hay hiện chưa tổng kết xem kinh phí thế nào, nhưng nếu có tốn kém cũng chấp nhận vì đây là sản phẩm quan trọng cần có ý kiến của nhân dân.
Theo Dân Trí