Trao đổi với báo chí tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế cho biết, năm 2017, chất lượng dân số đã được cải thiện nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình vẫn còn nhiều hạn chế. Mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể,...
Ngoài ra, ông Tân cho biết thêm, sau khi trình 3 phương án về mức sinh thay thế, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 đã có 76% đại biểu lựa chọn phương án 1. Đó là duy trì mức sinh thay thế là 2,1 con như hiện nay. Theo ông Tân, ưu điểm của phương án 1 là mức sinh không xuống quá ngưỡng, chậm quá trình già hoá dân số, chậm mất cân bằng giới tính khi sinh và không vi phạm pháp lệnh cam kết quốc tế. Tuy vậy, hạn chế của phương án này là tâm lý sinh nhiều con là không vi phạm dễ làm tăng đột biến dân số, ảnh hưởng đến thu nhập bình quân và mức chi an sinh xã hội.
Do đó, mục tiêu đặt ra là sẽ đưa dân số Việt Nam đạt tuổi thọ bình quân 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung. Đồng thời, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng...