Tăng giá bán than, TKV “ăn nên làm ra” trong quý I

(PLO) - Trong bối cảnh doanh thu ngày càng sụt giảm, cuối năm 2016, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) tăng giá bán than từ 3-10%, tùy chủng loại. Sau hơn ba tháng tăng giá bán, TKV vừa tổng kết quý I/2017, chứng kiến nhiều chỉ tiêu kinh doanh tích cực. Tuy nhiên vẫn nhiều doanh nghiệp kêu than bán đắt.
Sau khi tăng giá bán than, TKV kinh doanh khởi sắc hơn nhưng nhiều DN mua than kêu đắt. Ảnh minh họa
Sau khi tăng giá bán than, TKV kinh doanh khởi sắc hơn nhưng nhiều DN mua than kêu đắt. Ảnh minh họa

Nhiều tín hiệu tích cực

Báo cáo sơ kết quý I của TKV cho thấy, các đơn vị trong Tập đoàn cơ bản đạt chỉ tiêu trong SXKD, một số chỉ tiêu quan trọng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý I/2017, TKV sản xuất được 9,4 triệu tấn than nguyên khai, đạt 26% kế hoạch năm; than sạch thành phẩm đạt 8,5 triệu tấn; lượng bốc xúc đất đá đạt 27,5 triệu mét khối (bằng 20% kế hoạch năm).

Tiêu thụ than là vấn đề được nhiều người quan tâm trong bối cảnh những năm gần đây thị trường than của TKV gặp nhiều khó khăn. Báo cáo của TKV cho biết, ba tháng đầu năm, đơn vị này tiêu thụ được 8,6 triệu tấn than (bằng 103% doanh số cùng kỳ năm ngoái).

Trong số này, Tập đoàn xuất khẩu được khoảng 190.000 tấn (đạt 12,3% kế hoạch năm). Doanh thu bán than trong quý I, TKV thu về gần 13.000 tỷ đồng. Riêng trong tháng 3/2017, toàn Tập đoàn sản xuất được 3,6 triệu tấn than nguyên khai, tiêu thụ 3,5 triệu tấn, doanh thu tiêu thụ than đạt 5.356 tỷ đồng.

“Tính chung quý I, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhìn chung tình hình các chỉ tiêu đạt tiến độ kế hoạch giao và có tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2016”, đại diện TKV nhận định.

Để tiếp tục ổn định SXKD, vấn đề vốn được lãnh đạo TKV đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, dư luận chú ý đến những khoản nợ nghìn tỷ của TKV. Thế nhưng, ngoài là “con nợ”, TKV đồng thời còn là chủ nợ của nhiều đơn vị khác.

Theo ông Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch Hội đồng thành viên TKV, hiện các đơn vị ngành khác nợ TKV khoảng 4.500 tỷ đồng, trong đó ngành điện nợ gần 4.200 tỷ đồng; công nợ quá hạn chưa thu được khoảng 1.200 tỷ đồng. Theo chủ tịch TKV, để thực hiện tốt những nhiệm vụ SXKD trong quý II/2017, Tập đoàn này phải tăng cường việc đi “đòi nợ”; đồng thời cho rằng đây là biện pháp nhằm đảm bảo an toàn tài chính cho TKV.

Cuối năm 2016, TKV điều chỉnh giá bán cho 8 loại than cám theo hướng cao hơn giá bán trước đây. Giá than cám 4a1 là 2.055.000 đồng/tấn, tăng 195.000 đồng/tấn (khoảng 10%); giá than cám 5a1 là 1.700.000 đồng/tấn, tăng 50.000 đồng/tấn (khoảng 3%).

Như vậy, sau khi tăng giá bán than, kết hợp nhiều biện pháp trong điều hành và sản xuất, quý I chứng kiến cảnh “ăn nên làm ra” của TKV.

Vẫn tồn đọng hơn 9 triệu tấn than

Thông tin từ TKV cho biết, đến cuối quý I/2017, Tập đoàn này đang tồn đọng khoảng 9,3 triệu tấn than thành phẩm. Trong quý IV năm ngoái, TKV tồn đọng gần 12 triệu tấn than. Để hạn chế mức tồn đọng này, TKV phải điều chỉnh lại sản lượng khai thác.

Như vậy, trong thời gian hơn 5 tháng, lượng than tồn kho của TKV đã giảm khoảng hơn 3 triệu tấn, từ 12 triệu tấn xuống còn hơn 9 triệu tấn. Đây vẫn là mức tồn kho dư thừa so với mức tồn kho quy định.

Bởi như Chủ tịch TKV Lê Minh Chuẩn giải thích với PLVN hồi cuối năm ngoái, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia, ngành Than được Nhà nước giao định mức than tồn kho khoảng 8-9 triệu tấn, tùy theo thời điểm. Như vậy, căn cứ vào lượng than đang tồn kho hiện nay, mức dư thừa vẫn cao hơn “định mức”.

Việc tồn đọng than là nguyên nhân chính khiến năm ngoái TKV rơi vào tình thế khó khăn trong SXKD. Từng có ý kiến một số dư luận, trong đó có cả chuyên gia kinh tế cho rằng TKV tồn than do than xấu, giá cao, không bán được nên tồn. Trong khi đó, TKV cho rằng, lượng than tồn đều là than tốt; tồn do Nhà nước thiếu quy hoạch về than, để cho nhiều đầu mối được nhập khẩu than, trong khi TKV không giảm lượng khai thác. 

Theo tìm hiểu của PLVN, nguyên nhân chính khiến TKV tồn than trong thời gian qua là do giá bán một số loại than TKV cao hơn than nhập khẩu khiến nhiều bạn hàng quay lưng nhập than từ nước ngoài giá rẻ. Trước thực trạng này, Chủ tịch TKV từng đề nghị Chính phủ tạo cơ chế đặc biệt, xem xét việc khuyến khích các DN trong nước ưu tiên mua sản phẩm than của TKV. 

Trong một diễn biến khác, từ cuối năm 2016, TKV điều chỉnh giá bán một số loại than theo hướng tăng từ 3-10%. Việc điều chỉnh tăng giá này khiến nhiều DN sản xuất phân bón và nhiệt điện kêu đắt. Phản ứng trước việc này, một số DN tạm thời chưa thực hiện hợp đồng mua than với TKV trong năm 2017, chờ tổ chức lại hiệp thương giá bán than. Tuy nhiên, đến thời điểm này, do nhiều lý do, việc thực hiện hiệp thương vẫn chưa được thực hiện.

Trao đổi với PLVN chiều 12/4, ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), đơn vị có nhiều DN phân bón mua than TKV cho biết, đến thời điểm này, việc hiệp thương lại giá mua than với TKV chưa được thực hiện thành công, các DN Vinachem vẫn phải mua giá than cao do TKV quy định. “Không mua thì không có than để sản xuất”, vị này cho biết.

Theo vị Phó Tổng Giám đốc Vinachem, việc tổ chức thực hiện hiệp thương giá bán than đã được Bộ Tài chính chủ trì thực hiện cùng các đơn vị liên quan, sau đó đã gửi nội dung hiệp thương lên Chính phủ, chờ phê duyệt.

Đọc thêm