TKV: “Thèm thuồng” nhìn đối tác mua than ngoại

(PLO) - Dư luận đang quan tâm đến việc làm ăn kém hiệu quả của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) trong giai đoạn vài năm trở lại đây. Một trong những lí do khiến Tập đoàn này làm ăn kém đi là do nhiều bạn hàng quay lưng với sản phẩm của TKV liên quan đến giá thành và chất lượng.
TKV cần đầu tư công nghệ, tăng sức cạnh tranh để có lãi
TKV cần đầu tư công nghệ, tăng sức cạnh tranh để có lãi

Vì  sao chê  than nội? 

Trong khi TKV tồn đọng hơn 10 triệu tấn than trong năm 2016 do sản xuất ra không bán được thì Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) ký kết với các đơn vị nước ngoài nhập khẩu hàng chục triệu tấn than mỗi năm. Lí do PVN không mua than của TKV, ngoài vấn đề giá cả còn là vấn đề chất lượng.

Theo PVN, trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia trong giai đoạn 2011-2020, đơn vị này được giao quản lý đầu tư và vận hành các nhà máy điện sử dụng nhiên liệu than gồm Long Phú 1 (công suất 1.200MW), Sông Hậu 1 (công suất 1.200MW) và Long Phú 3 (công suất 1.800MW). Ba nhà máy nhiệt điện có tổng nhu cầu sử dụng than khoảng 12 triệu tấn/năm. 

Theo PVN, các nhà máy nhiệt điện chạy than hiện đại thì việc cung ứng than có vai trò đặc biệt quan trọng. Ngay từ khi khởi công xây dựng, than đã được lấy mẫu, thử nghiệm và tính toán sao cho khi đốt phải đạt được giá trị nhiệt cao và kiệt nhất. Trước khả năng cung ứng than trong nước còn hạn chế, chất lượng than chưa đủ đáp ứng cho các nhà máy nhiệt điện than công suất lớn, hiện đại nên PVN đã chủ động thực hiện việc nhập khẩu than. 

PVN cũng cho rằng, để có nguồn than chất lượng cao, ổn định trong nhiều năm là yêu cầu tiên quyết để các nhà máy điện vận hành an toàn, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Như vậy, dù việc vận chuyển than từ nước ngoài về Việt Nam cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện có khó khăn, phức tạp, nhưng nhằm đảm bảo có lượng than chất lượng, ổn định trong nhiều năm liền tục, PVN đã chọn cách nhập than ngoại chứ không mua than nội. Phải chăng, ngoài vấn đề giá cả, than trong nước không đủ chất lượng cung cấp cho những nhà máy nhiệt điện công nghệ cao?

Rõ ràng, khi nhìn đối tác lớn như PVN ký kết hợp đồng mua than nhập khẩu với khối lượng lớn, kéo dài trong nhiều năm sẽ khiến những người có trách nhiệm ở TKV không khỏi “chạnh lòng”?

Tăng giá… mất khách 

Ông Nguyễn Văn Biên - Phó Tổng Giám đốc TKV cho biết, hiện nay việc khai thác than ngày một khó khăn. Trung bình, phải bóc dỡ 11 triệu khối đất mới lấy được 1 tấn than. Ngoài ra, trình độ cơ giới hóa tại nhiều dây chuyền sản xuất của Tập đoàn còn thấp; công nghệ khai dù đã cải tiến nhưng còn nhiều hạn chế. Đây là nguyên nhân khiến giá thành than tăng lên, khó cạnh tranh với than nhập khẩu.

Không chỉ doanh nghiệp nhiệt điện “quay lưng” với các sản phẩm của TKV, một số DN phân bón cũng phàn nàn, kêu khó khi Tập đoàn “vàng đen” nâng giá bán than. Theo tìm hiểu của PLVN, đến nay, nhiều đơn vị phân bón chưa ký hợp đồng mua than với TKV cho năm 2017. Lí do là TKV tăng giá bán than từ đầu năm 2017 khoảng 4-10% tùy loại than. Nhằm phản đối việc tăng giá này, nhiều đơn vị chưa ký kết mua than với TKV, chờ tổ chức hiệp thương lại giá bán. 

Tuy nhiên, do nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, việc hiệp thương giá bán than do Bộ Tài chính chủ trì chưa được thực hiện. Mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, phân tích kỹ các yếu tố chi phí đầu vào của sản xuất, tiêu thụ than để xác định giá hiệp thương, cáo báo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/3.

Rõ ràng TKV đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Một số bạn hàng “quay lưng” với TKV là có lí do khi giá bán cao hơn giá nhập khẩu, chất lượng cũng còn nhiều vấn đề. Vậy, TKV cần làm gì để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ được nhiều bạn hàng lớn?

TS.Trương Đức Dư, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Mỏ cho biết, chi phí khai thác, sản xuất than trong nước còn cao. Để đảm bảo kinh doanh có lãi, buộc doanh nghiệp sản xuất than trong nước bán giá cao. Tuy nhiên, điều này sẽ khiến bạn hàng phản ứng, thậm chí “quay lưng”, mua than nhập khẩu.

Ông Dư cho rằng, để giảm giá than, nâng cao chất lượng sản phẩm, than trong nước cần đầu tư mạnh mẽ khoa học công nghệ trong khai thác và chế biến than. Khi áp dụng khoa học tiên tiến, nâng suất lao động sẽ tăng lên, chất lượng sản phẩm tốt, chi phí giảm, từ đó giá thành giảm thì than trong nước mới đủ sức cạnh tranh với than nhập khẩu; đem lại hiệu quả kinh tế cao cho DN.

Một số chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để TKV tiếp tục phát triển, làm ăn có lãi, ngoài việc tái cấu trúc tập đoàn, đẩy mạnh cổ phần hóa thì yếu tố tiên quyết là thay đổi dây chuyền công nghệ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình khai thác, sản xuất than. Khi chi phí sản xuất giảm, giá bán sẽ giảm theo, cạnh tranh được với than nhập khẩu, thu hút khách hàng.

Lỗ và nợ

Mới đây, Thanh tra Bộ Tài chính công bố tình hình kinh doanh của công ty mẹ và 5 công ty thành viên của TKV cho thấy nhiều hoạt động đầu tư, tài chính của Tập đoàn này thua lỗ. Lũy kế đến 31/12/2015 có 11 công ty lỗ hơn 1.407 tỉ đồng. Tổng tài sản TKV đến cuối năm 2015 đạt 138.526 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 38.182 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối âm 478 tỉ  đồng. Tổng nợ phải trả 100.343 tỉ đồng. 

Đọc thêm