“Làm nông lúc này khác trước lắm rồi”
Vừa trên rẫy về, ông Hồ Văn Sỹ (xã Sông Trà, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) khoác vội cái áo tươm tất rồi ra hội trường của xã. Hôm nay, Đoàn khảo sát về hiệu quả tín dụng chính sách xã hội của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và Ủy ban Dân tộc đến thăm xã, tận mắt nhìn tận tai nghe chuyện đồng bào DTTS nơi đây sử dụng vốn chính sách như thế nào.
“Tôi phải ra gặp các bác đoàn khảo sát, nhờ các bác chuyển lời tới cấp trên, người DTTS Hiệp Đức cám ơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cám ơn đồng vốn ưu đãi giúp chúng tôi bước dần khỏi đói nghèo. Tôi cũng phải nhờ các bác đề đạt với Nhà nước cho chúng tôi vay nhiều hơn, lâu hơn, vì làm nông lúc này khác trước lắm rồi” – ông Sỹ nói.
10 năm qua, từ năm 2007 đến tháng 5/2018, tổng doanh số cho vay gần 56,140 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách trên địa bàn xã giúp cho 521 hộ nghèo và tín dụng chính sách khác vay vốn, đặc biệt có 256 hộ trong tổng số 283 hộ đồng bào DTTS vay vốn đầu tư phát triển nhiều ngành nghề như chăn nuôi, trồng trọt, trồng rừng (cao su, cây keo), đầu tư dịch vụ, buôn bán… và làm nhà ở, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, cải thiện đời sống kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
“Cây keo giúp bà con thoát nghèo, nhưng cây cao su sẽ giữ bà con các dân tộc ở Sông Trà thoát nghèo bền vững hơn. Mà loại cây trồng này đòi hỏi vốn đầu tư cao hơn, thời gian đầu tư dài hơn. Chúng tôi mong các cấp hữu quan xem xét tăng hạn mức cho vay và kéo dài thời gian vay để đồng vốn thực sự phát huy hết hiệu quả của nó” – ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch UBND xã Sông Trà đề nghị.
Ở một địa phương khác của Quảng Nam – xã Trà Đốc, huyện Bắc Trà My, các chính sách tín dụng dành riêng cho hộ đồng bào các DTTS nghèo, đặc biệt khó khăn đã thật sự hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hơn 125 hộ đồng bào được tiếp cận vốn của chương trình. Vốn vay ưu đãi đã giúp cho hộ đồng bào DTTS có thói quen vay tiền để tự chủ phát triển kinh tế hộ gia đình, bớt trông chờ, ỉ lại và dựa vào sự cấp phát của Nhà nước. Tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm được gần 10% trong 10 năm, đời sống của các hộ đồng bào DTTS từng bước được nâng lên, an ninh - quốc phòng được giữ vững.
“Để không tái nghèo và phát triển kinh tế gia đình bền vững hơn, bà con đầu tư nuôi trồng cây con có hiệu quả kinh tế cao hơn, nhưng các giống này cũng đòi hỏi đầu tư nhiều hơn trong thời hạn lâu hơn. Vì thế, chúng tôi mong muốn Nhà nước tăng mức vay, tăng thời hạn vay và điều chỉnh lãi suất thấp hơn, có những cơ chế đặc thù cho bà con DTTS” – ông Lê Ngọc Thái, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn số 4 xã Trà Đốc bày tỏ.
Có thể nghiên cứu đề xuất “đục trần” hạn mức cho vay đối với hộ nghèo dân tộc thiểu số
Đến hết tháng 3/2018, có gần 1,480 triệu khách hàng là hộ đồng bào DTTS đang thụ hưởng hầu hết các chương trình tín dụng tại NHCSXH, với tổng dư nợ 43.376 tỷ đồng, chiếm hơn 24,4% trên tổng dư nợ của NHCSXH.
Trong Tọa đàm trực tuyến “Vốn cho đồng bào DTTS - Thu hẹp khoảng cách giàu nghèo miền núi và đồng bằng” vừa diễn ra mới đây tại Hà Nội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi cho rằng, dù dư nợ hình quân một hộ đồng bào DTTS đạt 29 triệu đồng, cao hơn bình quân chung tất cả các hộ (26 triệu đồng), “nhưng lúc này bối cảnh xã hội đã thay đổi rồi, cách mạng công nghiệp 4.0 rồi”. “Phải xác định xây dựng chính sách ở dạng động để thích ứng với tình hình thực tế. Do đó, lãi suất, diện vay, mức vay phải linh hoạt theo sự phát triển của kinh tế, xã hội” - ông Bùi Sĩ Lợi nhận định.
Nhiều năm đau đáu về câu chuyện làm thế nào để đồng bào DTTS sử dụng vốn vay hiệu quả, “miền núi nhanh chóng tiến kịp miền xuôi”, ông Nguyễn Văn Lý – Phó Tổng Giám đốc NHCSXH – chia sẻ mong mỏi của bà con, chính quyền cơ sở cũng như nhận định của các đại biểu dân cử. “Thời gian vừa rồi, NHCSXH cũng thường xuyên quan tâm bố trí vốn các chương trình cho đồng bào DTTS. Những vùng khó khăn luôn được ưu tiên bố trí vốn và nguồn lực. Về việc ưu tiên vốn, nơi nào khó thì ở đó càng không được thiếu vốn”– ông Nguyễn Văn Lý nói.
Ông Lý cũng cho hay, hiện giờ các chương trình tín dụng phải thiết kế trần mức vay vì nguồn vốn có hạn. “Thời gian tới, NHCSXH sẽ thường xuyên ưu tiên bố trí vốn cho đồng bào DTTS. Tăng hạn mức vốn vay nói chung thì chưa thể thực hiện, nhưng riêng đối với đồng bào DTTS nghèo, tới đây, chúng tôi đề xuất Chính phủ “đục trần” mức vốn để hộ nghèo DTTS được vay nhiều hơn, nhằm tăng hiệu quả việc vay vốn và sử dụng vốn của bà con DTTS…” – ông Lý chia sẻ.