Tăng học phí và vấn đề chất lượng giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chính phủ mới ban hành Nghị định số 97 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 81/2021 về học phí công lập của các cơ sở đào tạo giáo dục phổ thông, đại học.
Học phí Đại học tăng, nỗi lo của nhiều sinh viên. (ảnh minh họa- ĐH Quốc gia Hà Nội)
Học phí Đại học tăng, nỗi lo của nhiều sinh viên. (ảnh minh họa- ĐH Quốc gia Hà Nội)

Học phí đã giữ ổn định ba năm học

Lý giải về việc ban hành Nghị định 97, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chia sẻ: Để bảo đảm lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đào tạo theo quy định tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 quy định về học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân để áp dụng từ năm học 2021 - 2022. Trong đó, mức học phí năm học 2021 - 2022 bằng mức học phí năm học 2020 - 2021, từ năm học 2022 - 2023, mức trần học phí tăng theo lộ trình hằng năm. Tuy nhiên, để chia sẻ khó khăn với phụ huynh và học sinh do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 165/2022/NQ-CP đề nghị các cơ sở giáo dục công lập giữ ổn định mức học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức học phí năm học 2021 - 2022. Như vậy, mức học phí của các cơ sở giáo dục công lập đã giữ ổn định qua 3 năm học (2020 - 2021, 2021 - 2022 và 2022 - 2023).

Năm học 2023 - 2024, nếu không có quy định mới, mức học phí sẽ áp dụng theo mức trần học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Theo đó, mức thu học phí sẽ tăng khá cao so với mức học phí năm học 2022 - 2023. Vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 81/2021/NĐ-CP để điều chỉnh lộ trình học phí phù hợp.

Nghị định số 97/2023/NĐ-CP được ban hành để sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021, với việc điều chỉnh lộ trình học phí như sau: Giữ ổn định học phí từ năm học 2023 - 2024 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông bằng mức học phí năm học 2021 - 2022; Lùi lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập 1 năm so với quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP (nghĩa là học phí năm học 2023 - 2024 tăng so với học phí năm học 2022 - 2023 nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81) để phù hợp với điều kiện thực tiễn và giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên.

19 nhóm đối tượng ưu tiên miễn, giảm học phí

Những sinh viên nghèo vượt khó trong chương trình Nâng bước thủ khoa tới trường. (Ảnh: BTC)

Những sinh viên nghèo vượt khó trong chương trình Nâng bước thủ khoa tới trường. (Ảnh: BTC)

Về chính sách miễn học phí, đối với người học tại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, Nghị định quy định miễn học phí cho 19 nhóm đối tượng ưu tiên. Hiện nay đã miễn học phí đối với toàn bộ học sinh tiểu học công lập, trẻ em mầm non 5 tuổi ở thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo; học sinh trung học cơ sở ở thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định.

Về chính sách giảm học phí, Nghị định quy định giảm 70% học phí đối với trẻ em, học sinh phổ thông là người dân tộc thiểu số ở thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; giảm 50% học phí đối với trẻ em, học sinh phổ thông thuộc hộ cận nghèo.

Về chính sách hỗ trợ chi phí học tập, Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định hỗ trợ 150.000 đồng/học sinh/tháng (tương đương 1.350.000 đồng/năm) để mua sắm sách vở, đồ dùng học tập cho các đối tượng: mồ côi cả cha lẫn mẹ; khuyết tật; thuộc hộ nghèo; ở thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã khu vực III vùng dân tộc và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển hải đảo theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Đối với người học tại cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định miễn học phí cho sinh viên khuyết tật, sinh viên người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo và cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; sinh viên học chuyên ngành Mác - Lê nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh; sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh học chuyên ngành Lao, Phong, Tâm thần, Giám định pháp y, Pháp y tâm thần và Giải phẫu bệnh tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế theo chỉ tiêu đặt hàng của Nhà nước; sinh viên người dân tộc thiểu số rất ít người quy định tại Nghị định 57/2017/NĐ-CP; Người học thuộc các đối tượng của các chương trình, đề án được miễn học phí theo quy định của Chính phủ; Người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Nghị định 81/2021/NĐ-CP cũng quy định giảm 70% học phí cho học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù, một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Hiện nay, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP, học sinh, sinh viên còn được hưởng các chính sách hỗ trợ như: Chính sách tín dụng sinh viên theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 và Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg ngày 23/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh sinh viên; Chế độ học bổng khuyến khích học tập, học bổng chính sách (Quy định tại Điều 8, Điều 9 Nghị định 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục); Học bổng chính sách trợ cấp xã hội đối với học sinh, sinh viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tại Quyết định số 194/2001/QĐ-TTg ngày 21/12/2001.

Học phí đại học tăng, có song hành cùng chất lượng?

Nghị định 97 có hiệu lực thi hành từ ngày 31/12/2023. Như vậy, đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học công lập đã ban hành mức thu học phí năm học 2023 - 2024 theo quy định tại Nghị định 81 sẽ phải thực hiện rà soát, điều chỉnh theo quy định của Nghị định 97 này.

PGS. TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, thực hiện Nghị định số 97/NĐ-CP của Chính phủ, nhà trường rà soát toàn bộ các ngành, nhóm ngành đào tạo hiện có. Để bảo đảm quyền lợi và sự ổn định, yên tâm cho sinh viên cũng như cho gia đình người học, nhà trường dự kiến mức tăng nhẹ, khoảng 8%. Theo PGS. TS Nguyễn Phong Điền, nguyện vọng của phụ huynh với các trường về việc tăng học phí phải đi kèm với tăng chất lượng là chính đáng. Bản thân các cơ sở đào tạo đại học cũng nhận thức rõ điều này để có sự chủ động và nỗ lực không ngừng trong việc đầu tư các điều kiện giảng dạy, thực hành và nghiên cứu khoa học cũng như tạo môi trường khởi nghiệp tốt nhất cho sinh viên. Chỉ tính riêng năm học 2022 - 2023, nhà trường đã dành khoảng 68 tỷ đồng để hỗ trợ sinh viên khó khăn, sinh viên gia đình chính sách...

Còn Trường Đại học Giao thông vận tải, PGS. TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải chia sẻ, nhà trường sẽ rà soát lại mức phí năm học 2023 - 2024 đã công bố và căn cứ quy định tại Nghị định số 97/2023/NĐ-CP để có sự điều chỉnh phù hợp, đúng quy định và sẽ công bố công khai, cụ thể cho sinh viên về lộ trình, mức thu của các chương trình đào tạo.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), học phí thấp từ nhiều năm qua đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực được đào tạo. Bởi lẽ, nhà trường thiếu kinh phí thu hút người tài và giữ chân họ làm giảng viên đại học, gặp khó khăn trong việc xây dựng cơ sở vật chất, thiếu trang thiết bị phục vụ học tập... Hệ lụy lớn hơn là do nguồn thu từ học phí không đủ, nhiều trường công lập tăng quy mô tuyển sinh, lấy số lượng bù vào chất lượng. Tỷ lệ sinh viên/giảng viên quá cao đã vượt quá khả năng đáp ứng yêu cầu của chất lượng đào tạo.

Đồng thời, theo ông Vinh, học phí tăng sẽ kèm theo những thách thức. Trước hết, đó là thách thức với sinh viên và gia đình về gánh nặng tài chính. Nhiều sinh viên sẽ phải vừa lo đi học, vừa đi làm để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Áp lực học tập và căng thẳng tài chính do học phí cao hơn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần các em. Ngay cả các giảng viên cũng có thể đối mặt thách thức vì phải làm việc nhiều hơn, dù có thể nhận được thu nhập cao hơn.

Mặt khác, sự minh bạch về tài chính từ nguồn học phí tăng lên là rất quan trọng. Đặc biệt, chất lượng giáo dục phải được nâng cao qua sự hài lòng của người học và cơ hội việc làm sau khi ra trường được cải thiện.

Ở góc độ khác, theo TS Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục Đại học (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam), sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, tình hình kinh tế các gia đình chưa khá lên, việc giữ nguyên mức học phí ở mức độ nào đó tạo điều kiện để sinh viên yên tâm đi học. Ông Phương cũng cho biết, hiện tín dụng sinh viên chỉ dành cho con em hộ nghèo, trong khi ở các nước, đã là sinh viên đều có thể vay tiền để đi học. Mặt khác, để thêm nguồn thu cho trường đại học, Nhà nước cần tăng cường đặt hàng các hoạt động nghiên cứu, sản xuất... như một hình thức hỗ trợ kinh phí. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để trường đại học có thể bán sản phẩm phẩm hoàn chỉnh, có tính ứng dụng cao.

Cũng theo ông Phương, ở các nước, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm nếu có đóng góp cho nhà trường đại học để làm quỹ học bổng hoặc hỗ trợ cho các hoạt động của trường đại học thì được khấu trừ thuế trước khi hạch toán. Tuy nhiên, ở nước ta không có cơ chế này nên chưa khuyến khích được xã hội đóng góp cho giáo dục…

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng cho rằng, với thế mạnh của mình thì các trường đại học cần chủ động tạo thêm các nguồn thu, không nên trông chờ vào Nhà nước cũng như học phí là nguồn thu chính như hiện nay.

Đọc thêm