Tặng quà ở Trường Sa

(PLO) - Trong chuyến đi của các đoàn công tác ra đảo Trường Sa luôn lỉnh kỉnh các món quà từ vịt con đến nước mắm, xà bông, trứng lộn… mang ra tặng lính đảo. Thế nên có chuyện, do trời nắng nóng, khi tàu ra đến nơi trứng vịt lộn đã nở thành con. Để tặng quà người đất liền ra thăm, suốt năm, lính đảo cũng cất giữ từng quả bàng vuông và các sản phẩm biển cả.  
Tặng quà cho trẻ em trên đảo Trường Sa Lớn.
Tặng quà cho trẻ em trên đảo Trường Sa Lớn.

Quà đất liền

Ngoài tình cảm yêu thương vô bờ bến, hầu hết các đoàn công tác và nhiều cá nhân đều mang theo quà cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Những món quà được gói ghém, ghi địa chỉ người tặng, người nhận cẩn thận. Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Vũ Văn Tám làm Trưởng đoàn. Ngoài ti vi, máy tính, hạt giống rau chất lượng cao, Đoàn còn mang theo hàng trăm con vịt Đại Xuyên.

Đây là giống vịt biển đầu tiên ở Việt Nam được chọn lọc, nhân đàn để đáp ứng nhu cầu chăn nuôi trong điều kiện biến đổi khí hậu và cải thiện đời sống ở quần đảo Trường Sa. Giống vịt này vừa nuôi lấy thịt, vừa để lấy trứng với năng suất bình quân 230-240 quả/năm/con. Sau hơn 3 tháng thả nuôi, mỗi con có trọng lượng từ 3-3,2kg. Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, giống vịt biển này đã nuôi thành công ở các đảo Trường Sa từ mấy năm trước và rất được quân, dân ở đảo mong đợi...

Thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông và đoàn Công an Hà Nội đến đảo nào cũng trân trọng tặng bức tranh sơn mài về Chiến thắng Bạch Đằng. Đoàn đại biểu tỉnh Đắk Nông thì quan tâm đến đời sống của cán bộ, chiến sỹ trên đảo nên trong các gói quà tặng có miến, dầu ăn, nước mắm, ớt bột, xà bông và kẹo. Không biết do ai “truyền kinh nghiệm” mà phần lớn các đại biểu đều mang theo một ít thẻ cào điện thoại để tặng cánh lính trẻ. Có người còn cẩn thận hơn, mang theo cả sách, sữa để tặng cho trẻ em.

Đặc biệt, đoàn UBND tỉnh Đắk Nông còn đưa theo một dàn ca sỹ, các nữ vũ công trẻ của đoàn ca múa nhạc dân tộc của tỉnh ra phục vụ quân dân trên đảo. Đây cũng chính là món quà mà cánh lính trẻ mong đợi, chờ đón nhất.

Hiểu và chia sẻ với sự khát khao thưởng thức văn hóa văn nghệ của cánh lính trẻ nên Phó Đô đốc Phạm Xuân Điệp, Phó Tư lệnh Hải quân “phát lệnh”: “Anh chị em văn nghệ sỹ, báo chí và văn công được vào đảo trên chuyến xuồng đầu tiên và rời đảo cuối cùng”. Việc hóa trang, trang điểm đã chuẩn bị sẵn trên tàu nên khi vừa đặt chân lên đảo, các ca sỹ, nghệ sỹ đã “cháy hết mình” với lính đảo. Chỉ 2-3 tiếng đồng hồ thôi nhưng bằng sự nhiệt tình, vô tư của anh chị em văn nghệ sỹ, những nơi đoàn ghé qua các chiến sĩ trẻ đều được thưởng thức những tiết mục đặc sắc, những bài hát ca ngợi người chiến sỹ, về tình yêu quê hương, biển đảo.

Hai ca sỹ trẻ Điểu Su và Y M’Linh nói: “Nhìn ánh mắt, gương mặt rạng ngời của lính trẻ khi xem chúng em biểu diễn, mới thấy họ yêu văn hóa nghệ thuật đến mức nào. Thật là cảm động, chỉ tiếc là thời gian ít quá”. Thượng úy Phạm Viết Sao, Chính trị viên đảo Tiên Nữ tâm sự: “Năm nào may lắm chúng em mới được 2-3 đoàn ghé thăm. Nghe tin đoàn nào có văn công đi cùng là bộ đội mê lắm, ngày nào cũng ngóng, cũng mong. Trực tiếp được nghe ca sỹ nổi tiếng như Long Nhật hát là niềm động viên, cổ vũ rất lớn đối với người lính ở đảo xa”.

Quà lính biển

Đáp lại tấm chân tình của khách quý từ đất liền ra Trường Sa, anh em lính đảo cũng có những món quà rất riêng, đặc trưng. Đó là những chiếc vỏ ốc, nhánh san hô, quả bàng vuông.  Cách tặng quà của lính đảo cũng rất đặc biệt. Vì “đặc sản” của biển như vỏ ốc, san hô ngày càng hiếm, họa hoằn mới kiếm được cái ưng ý, không thể chia đều cho mọi người được nên “đối tượng” được ưu tiên hàng đầu vẫn là các nữ ca sỹ, các nữ nhà báo và... đồng hương.

Binh nhất Nguyễn Ngọc Định, xạ thủ ở đảo Núi Le tâm sự: “Thường cứ vào dịp đầu năm và cuối năm có tàu đưa khách từ đất liền ra thăm đảo. Những dịp như vậy, anh em mừng lắm. Có bạn thao thức không ngủ được, có cảm giác như đón người thân ra thăm mình vậy. Vào các dịp tập luyện, kiếm được con ốc hay nhánh san hô, lính trẻ hay để dành bằng cách giấu kỹ trong tủ, chờ tàu ra để tặng”.

Trung sỹ Phạm Đình Chuyển (đảo Núi Le) cầm một nhánh san hô khá đẹp, ngập ngừng mãi chẳng dám tặng ca sỹ trẻ Quỳnh Giang - Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Đắk Nông. Khi Quỳnh Giang đã hát gần hết bài thứ 2, vẫn thấy Chuyển còn thập thò. Mấy anh trong đoàn phải đẩy lưng, kèm tiếng cổ vũ lớn “tặng quà đi, tặng quà đi...”, Chuyển mới chạy ra trao vội món quà, mặt đỏ bừng. Lính trẻ thường vậy, khó khăn, gian khổ cỡ nào cũng chịu được nhưng đứng trước các cô gái lại lóng nga, lóng ngóng như gà mắc tóc. Rất đúng với lời bài hát “Tuổi đôi mươi chưa một lần hò hẹn”.

Một trong những món quà hết sức ý nghĩa của Trường Sa là quả và cây bàng vuông. Nhưng chỉ ở các đảo nổi mới có cây bàng vuông, nhiều nhất là ở các đảo Trường Sa Lớn, An Bang... Bàng vuông thường nở hoa vào dịp sau Tết nên nhiều đoàn khách ra Trường Sa dịp này mới được thưởng thức vẻ đẹp kiêu sa của nó. Do là loại cây đặc trưng nên ở các đảo, bàng vuông được quản lý khá chặt chẽ. Mỗi bông hoa hoặc một quả bàng đều có “hồ sơ” quản lý.

Trung tá Phạm Văn Lợi - Chỉ huy trưởng đảo An Bang nói: “Phải làm như vậy mới kéo dài được... tuổi thọ của hoa và quả, để được ngắm lâu hơn. Thứ hai nữa, phải để quả già, đến lúc khô rụng xuống mới nảy được mầm. Phần lớn quả bàng khô sẽ được tặng các đại biểu khi ra thăm đảo, số còn lại đem trồng để tạo màu xanh cho đảo”. Không chỉ tặng quả khô, ở đảo An Bang, hàng năm còn tổ chức chiết cây bàng vuông để tặng khách mang về đất liền trồng. Phía sau nhà chỉ huy của đơn vị có hẳn một khoảnh đất vuông vức chỉ dùng để dưỡng hàng chục cây bàng vuông. Mỗi đoàn tàu ra thăm đảo đều được tặng 5-10 cây. Trong chuyến đi này, ông Bùi Đình Dương - Chủ tịch huyện đảo Trường Sa tặng đoàn UBND tỉnh Đắk Nông một cây bàng vuông… 

Đọc thêm