Người cao tuổi - “con mồi” lý tưởng của lừa đảo mạng
Mới đây, bà N.T.H, ngụ TP Hồ Chí Minh, 58 tuổi đã đến cơ quan chức năng trình báo vì bị lừa đảo bởi thủ đoạn kết bạn trên mạng. Chồng mất sớm, không có con, bà sống độc thân nhiều năm nay. Một ngày, một người đàn ông tự xưng là doanh nhân gốc Việt quốc tịch Mỹ kết bạn với bà trên Facebook, thường xuyên trò chuyện, ân cần quan tâm, chăm sóc bà. Sau khi xác lập mối quan hệ “hẹn hò”, người này hẹn dịp cuối năm sẽ về thăm và tiến xa hơn với bà H.
Đồng thời, người này nhờ bà chuyển giúp một số tiền đến đối tác làm ăn ở Việt Nam vì hiện tại cần gấp mà chuyển khoản xuyên quốc gia gặp khó khăn. Xiêu lòng bởi những lời thuyết phục, yêu thương, hứa hẹn đường mật, bà H đã tin tưởng gửi một khoản tiền lớn giúp người đàn ông nói trên, sau đó tiếp tục gửi tiền thêm 2 lần nữa. Tổng cộng ba lần chuyển khoản lên đến hơn 800 triệu đồng và đó là tiền dành dụm của cả đời bà. Sau khi cảm thấy có nghi vấn và từ chối chuyển khoản lần thứ 4, đối tượng nói trên đã cắt đứt mọi liên lạc với bà H.
Thực tế, thời gian qua đã có quá nhiều trường hợp người cao tuổi rơi vào “cái bẫy” lừa đảo trên mạng, từ “bẫy” hẹn hò đến mua hàng online, đầu tư tài chính, nhận trúng thưởng... Số tiền lừa đảo có thể là vài trăm ngàn đồng cho đến vài tỉ đồng. Nhiều người cao tuổi đã rơi vào khủng hoảng, sang chấn tâm lý, suy sụp, thậm chí phải nhập viện khi mất đi số tiền quá lớn, đôi khi còn là tiền vay mượn, huy động của người thân, bạn bè vì quá tin vào đối tượng lừa đảo. Đã có trường hợp, có cụ già vì quá xấu hổ với con cháu đã bỏ đi khỏi nhà, cắt liên lạc khiến gia đình phải khổ sở tìm kiếm.
Báo cáo về tình trạng lừa đảo qua mạng tại Việt Nam năm 2023 do Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và Dự án xã hội chống lừa đảo phối hợp công bố, có gần 16 tỷ USD do người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng trong tổng số 53 tỷ USD toàn cầu. Nhận định của các chuyên gia, những con số này cho thấy, Việt Nam là “vùng trũng” nhận thức thông tin và sử dụng mạng.
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 11 tháng đầu năm 2023, cơ quan này đã nhận được gần 16.000 phản ánh về các trường hợp lừa đảo trên mạng internet; trong đó, 91% liên quan đến giả mạo, lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính. Đồng thời, nhận định của cơ quan quản lý cho thấy, tội phạm lừa đảo thời gian qua vừa có sự cập nhật một số hình thức lừa đảo mới, vừa có sự chuyển hướng mở rộng đối tượng nạn nhân, mà cụ thể, trẻ em và người cao tuổi đang là đối tượng “lý tưởng” để chúng nhắm đến. Lý do là vì đây là những đối tượng đều có điện thoại thông minh, nhưng khả năng nhận diện các dấu hiệu, hành vi lừa đảo còn khá thấp.
Bộ Công an đã liệt kê 24 hình thức lừa đảo trực tuyến, từ những hình thức tinh vi nhất như lừa đảo bằng các video deepfake (hình ảnh, thông tin giả mạo, sai sự thật), đến giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, cán bộ thuế gọi điện qua giao thức internet hăm dọa người bị hại, sau đó chiếm đoạt thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản. Kẻ xấu còn dựng ra nhiều kịch bản để lừa người dùng vào “bẫy”, dụ dỗ nạp tiền làm nhiệm vụ online, giả mạo người thân yêu cầu chuyển tiền, giả mạo luật sư, cam kết lấy lại tiền…
Cạnh đó, lừa đảo qua giao dịch trực tuyến cũng là thủ đoạn rất thường gặp khi sử dụng đối với người cao tuổi. Kẻ lừa đảo lợi dụng sự thiếu kinh nghiệm của người cao tuổi trong việc mua sắm trực tuyến, dụ dỗ họ mua các sản phẩm giả mạo hoặc không rõ nguồn gốc với giá cao, sau đó không giao hàng hoặc giao hàng kém chất lượng.
Những thủ đoạn này không chỉ gây tổn hại về tài chính mà còn làm người cao tuổi mất lòng tin vào xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và tinh thần, trở nên dễ tổn thương hơn trong các mối quan hệ hàng ngày.
Làm gì để tăng “sức đề kháng”?
Gia đình cần có sự đồng hành, hướng dẫn, cảnh báo, giúp người cao tuổi tăng “sức đề kháng” khi tham gia mạng xã hội. |
Theo các chuyên gia về an ninh mạng, người cao tuổi dễ bị lừa đảo trên mạng vì nhiều nguyên nhân, chủ yếu liên quan đến sự thiếu hiểu biết về công nghệ và khả năng cập nhật thông tin kém so với các thế hệ trẻ hơn. Họ thường không có kỹ năng nhận diện các rủi ro trực tuyến và thiếu kinh nghiệm sử dụng mạng xã hội hoặc các giao dịch điện tử, từ đó trở thành mục tiêu dễ dàng cho những kẻ lừa đảo. Bên cạnh đó, tâm lý tin tưởng, thiếu cảnh giác cũng khiến người cao tuổi dễ bị thuyết phục hơn, nhất là với những lời mời gọi liên quan đến tiền bạc, trúng thưởng hay các giao dịch có vẻ hấp dẫn.
Theo các chuyên gia, để tăng “sức đề kháng” cho người cao tuổi trước nạn lừa đảo trên mạng, cần có sự đồng hành của gia đình, cộng đồng và cơ quan chức năng.
Trong đó, vấn đề hướng dẫn, đồng hành, nâng cao nhận thức sử dụng mạng của gia đình đối với người cao tuổi là quan trọng hàng đầu. Hiện nay, nhiều con cái vì bận rộn thường “để mặc” cha mẹ lang thang với thế giới ảo. Điều này rất nguy hiểm vì khi không có sự trang bị kiến thức tốt, người cao tuổi nhanh chóng trở thành “con mồi” cho các cạm bẫy mạng. Chính vì thế, khi người cao tuổi tham gia vào thế giới công nghệ, chính gia đình cần hướng dẫn cho họ về cách sử dụng mạng sao cho hợp lý, về các dấu hiệu lừa đảo phổ biến, giúp họ nhận biết những nguy cơ tiềm ẩn.
Con cháu nên thường xuyên kiểm tra các hoạt động tài chính và tương tác trên mạng của người lớn tuổi trong gia đình, nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào. Gia đình cũng có thể sử dụng đến các phần mềm bảo vệ và cảnh báo lừa đảo cần được cài đặt trên thiết bị của người cao tuổi. Điều này không chỉ giúp bảo vệ thông tin cá nhân mà còn ngăn chặn các trang web lừa đảo, cuộc gọi giả mạo hay email lừa đảo tiếp cận.
Anh Lâm Quan Quân, kĩ sư công nghệ đang làm việc tại một công ty phần mềm ở Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi nghĩ, điều đầu tiên con cái, người thân cần làm ngay sau khi mua điện thoại thông minh cho cha mẹ không phải là cài đặt, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng giải trí, mà phải là sự “tập huấn” kĩ lưỡng cho cha mẹ về cách sử dụng mạng xã hội sao cho tích cực, an toàn thay vì để cho cha mẹ tự mày mò. Bản thân tôi, khi hướng dẫn cha mẹ sử dụng điện thoại thông minh và tham gia vào công nghệ, đầu tiên là hướng dẫn cha mẹ tạo mật khẩu cho các tài khoản và học cách ghi nhớ tài khoản ấy, đồng thời tuyệt đối không cung cấp các tài khoản cho bất cứ ai ngoài con cái và cũng cung cấp trực tiếp chứ không gửi online.
Các ứng dụng loại bỏ thông tin xấu, tiêu cực, phản cảm hay nhận diện lừa đảo cũng được tôi cài đặt trong máy cha mẹ. Nhưng quan trọng nhất là phải giải thích rõ ràng cho cha mẹ hiểu những nguy cơ thiếu an toàn tiềm ẩn trên mạng để cha mẹ có thể nâng cao sự đề phòng, không chủ quan, thiếu hiểu biết. Đồng thời nhấn mạnh việc luôn hỏi ý kiến con cái trước khi tham gia bất cứ giao dịch chuyển tiền nào, dù là người quen hay người lạ. Tôi nghĩ tất cả kĩ năng này thì không cần người trong nghề, mà bất cứ con cái nào, một khi nghĩ đến và dành thời gian cho cha mẹ đều có thể hướng dẫn tốt được. Đừng để cha mẹ “cô đơn trên mạng”, vì như thế rất nguy hiểm cho các cụ, hệ quả khó lường”.
Về vai trò của xã hội, thiết nghĩ, các tổ chức xã hội cũng cần thường xuyên có các khóa tập huấn ngắn hạn về kỹ năng sử dụng mạng an toàn cho người cao tuổi, từ đó giúp họ tự nâng cao nhận thức, bảo vệ chính mình. Ở vai trò quản lý, các cơ quan chức năng rất cần thiết đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là cung cấp thông tin kịp thời về các thủ đoạn lừa đảo mới nhất. Đồng thời, cần có các biện pháp xử lý nghiêm khắc các đối tượng lừa đảo, nhằm răn đe và giảm thiểu vấn nạn này.