Tăng sức hấp dẫn cho “mùa vàng” du lịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Để thực hiện mục tiêu đón 18 triệu lượt khách du lịch từ nay đến cuối năm, ngành Du lịch Việt Nam đang tích cực phát triển, đưa ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn thu hút mọi người đến tham quan, khám phá, nhất là vào thời điểm này, khi mà tiết thu đang đến với nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Festival Thu Hà Nội là một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, thu hút du khách đến tham dự. (Ảnh: PV)
Festival Thu Hà Nội là một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, thu hút du khách đến tham dự. (Ảnh: PV)

Tạo những trải nghiệm độc đáo

Việt Nam đang bước vào mùa thu, là thời gian có nhiều địa điểm du lịch đẹp, các lễ hội hấp dẫn. Đơn cử như Hà Nội đang tích cực quảng bá, nhằm đưa “mùa thu Hà Nội” trở thành sản phẩm du lịch thu hút khách trong và ngoài nước. Mới gần đây, tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và và một số điểm du lịch trên địa bàn TP Hà Nội đang diễn ra Chương trình Festival Thu Hà Nội lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề “Thu Hà Nội - Mùa thu lịch sử”.

Festival Thu Hà Nội gồm nhiều nội dung đặc sắc với sự tham gia gần 100 gian hàng của các đơn vị, doanh nghiệp du lịch, hãng hàng không và gian hàng quảng bá du lịch của 12 tỉnh, thành phố, bao gồm: Điện Biên, Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thanh Hóa... và UBND các quận, huyện trên địa bàn Thành phố tham gia hưởng ứng. Tại lễ hội có những không gian văn hóa, sáng tạo để du khách chụp ảnh, như: Mô hình cổng chào tái hiện hình ảnh Hà Nội ngập trong rừng cờ hoa chào đón đoàn quân chiến thắng trở về, mô hình “Cột cờ Hà Nội”, “Ga Hàng Cỏ - Chuyến tàu lịch sử”, “Ô Quan Chưởng” “Vườn ánh sáng”; những tiểu cảnh giới thiệu các điểm đến du lịch hấp dẫn vào mùa thu, như: cầu Long Biên, phố cổ Hà Nội,…

Ngành du lịch ở các tỉnh, địa phương đang tiếp tục khai thác các sản phẩm du lịch dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc. Như nhiều tỉnh, thành phố bắt đầu đưa các trò chơi dân gian vào những tour du lịch. Được biết, theo thống kê, trong số khách du lịch đến vùng Đồng bằng sông Hồng có tham gia hoặc xem các trò chơi, trò diễn dân gian, có đến 65% khách quốc tế cho biết đã từng tham gia hoặc xem; trong khi khách nội địa chỉ có 46%. TS Trương Sỹ Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đã nhận định phát huy các giá trị di sản phi vật thể là một định hướng lớn trong phát triển du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, tại nhiều vùng miền trên cả nước, trong đó có vùng Đồng bằng sông Hồng, giữa một kho tàng văn hóa đặc sắc nhưng việc khai thác giá trị văn hóa gắn với du lịch vẫn còn yếu, chưa đa dạng, thiếu hiệu quả.

Đặc biệt, để kích cầu du lịch sau bão Yagi, nhiều địa phương đã tích hợp rất nhiều tour du lịch có ý nghĩa nhân văn. Lấy ví dụ như trong thời gian qua, lượng du khách đến tỉnh Lào Cai giảm mạnh so với thời gian trước bão. Các tour du lịch trong tháng 9 gần như bị hủy bỏ hoàn toàn, khiến doanh thu giảm khoảng 80% so với cùng kỳ năm 2023. Thiệt hại ước tính lên tới 15 tỷ đồng trong lĩnh vực du lịch.

Ứng dụng công nghệ nâng tầm du lịch

Ngoài việc tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn. Ngành du lịch Việt Nam đang tích cực áp dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong tháng 9 vừa qua, HorecFex Việt Nam 2024 diễn ra tại TP Đà Nẵng là sự kiện thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo và tăng trưởng dành cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch - dịch vụ Việt Nam.

Trong khuôn khổ sự kiện, Ban Tổ chức sẽ giới thiệu những mẫu Robot tiên tiến ứng dụng trong ngành du lịch và khách sạn. Tiêu biểu như mẫu Robot công nghệ do được thiết kế, lập trình với ngoại hình bắt mắt cùng những tính năng thông minh sẽ đảm nhiệm vai trò đón tiếp và hướng dẫn khách tham dự. Ngoài ra, cũng có một số mẫu robot giao hàng thông minh có thể trực tiếp giao món ăn đến tận nơi và trả lời những câu hỏi với câu trả lời rõ ràng nhất.

Đặc biệt, sự kiện cũng đưa đến hàng loạt giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hỗ trợ khách hàng tìm kiếm cơ sở lưu trú, quán ăn, nhà hàng phù hợp. Đồng thời, thông qua các ứng dụng thông minh, ngành du lịch ở các tỉnh, địa phương tại Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận với những xu hướng du lịch mới trên thế giới.

Một công nghệ hiện nay được nhiều địa điểm du lịch áp dụng đó là công nghệ 3D, thực tế ảo tăng nhằm trải nghiệm thị giác cho khách tham quan. Bà Nguyễn Thị Minh Phương - Trưởng Phòng Công nghệ và Thông tin Du lịch (Sở Du lịch TP HCM) cho biết, các sự kiện du lịch như Ngày hội Du lịch, Lễ hội Áo dài, Lễ hội Sông nước TP HCM… đã thu hút hàng triệu lượt khách trực tiếp và gián tiếp tương tác thông qua các nền tảng công nghệ. Các ứng dụng công nghệ mà ngành du lịch và Sở Du lịch đang thực hiện như bản đồ 3D, bản đồ 360 độ tại gần 100 điểm đến giúp du khách có thể tương tác thông minh.

Cuối cùng, các điểm du lịch ở Việt Nam đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quảng bá những sản phẩm du lịch với nhiều hình thức phong phú, đa dạng bao gồm: thành lập trang Web, ứng dụng các trang mạng xã hội Zalo, Facebook để quảng bá, để từ đó du khách trong và ngoài nước được biết.

Đọc thêm