Theo Bộ NN&PTNT, tính tới hết tháng 10, XK rau quả đạt xấp xỉ 2 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2015. Thị trường nhập khẩu mặt hàng này chủ yếu vẫn là Trung Quốc, chiếm trên 70% thị phần.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Tiềm năng thúc đẩy XK mặt hàng này còn khá lớn. Dự kiến, cả năm XK rau quả có thể cán mốc 2,5-2,6 tỷ USD.
Hiện nay XK nông, lâm, thủy sản nói chung sang Trung Quốc chiếm khoảng 20% giá trị XK toàn ngành. Những mặt hàng XK chính sang thị trường này là cao su, sắn, hạt điều, rau quả tươi, thủy sản… Riêng đối với các mặt hàng trái cây, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, Cục đã làm hồ sơ thêm các loại quả khác để thúc đẩy mở cửa sang Trung Quốc. Cục sẽ phối hợp với Trung Quốc hoàn tất các thủ tục liên quan nhằm đưa các mặt hàng này XK chính thức vào thị trường này.
Đối với thị trường Mỹ, mặc dù là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai các mặt hàng nông sản Việt Nam, nhưng đây cũng là thị trường có hệ thống luật pháp phức tạp với nhiều rào cản kỹ thuật và thương mại, ông Trung cho biết.
Liên quan đến thị trường Mỹ, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, đối với trái cây sang Mỹ, thời gian tới sẽ đẩy nhanh tiến độ xem xét cho phép xoài và vú sữa Việt Nam nhập khẩu vào thị trường này.
Về thị trường Nhật Bản, hàng nông sản Việt Nam XK sang nước này bị kiểm tra 2 lần do chưa có cơ chế thừa nhận lẫn nhau về chất lượng nông, lâm, thủy sản và hàng hóa giữa hai nước. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian và làm tăng chi phí, giá cả hàng hóa XK.
Điều đáng chú ý là, trong khi kim ngạch XK rau quả liên tục gia tăng khả quan trong thời gian qua thì một trong những mặt hàng nông sản XK quan trọng bậc nhất của Việt Nam là gạo lại bị sụt giảm đáng kể.
10 tháng năm 2016, XK gạo chỉ đạt mức 4,2 triệu tấn và xấp xỉ 1,9 tỷ USD, giảm trên 21% về khối lượng và giảm 16,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Trên thực tế, không phải tới tháng 10 mà ngay từ tháng 9 năm nay, kim ngạch XK rau quả đã vượt gạo.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá, XK gạo vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, có khi kéo dài sang năm 2017. Vụ Đông Xuân đã bắt đầu được gieo sạ và đến tháng 1-2/2017 là có lúa. Do vậy phải tìm biện pháp giải quyết khó khăn, tăng cường các giải pháp xúc tiến thương mại, nếu không việc tiêu thụ gạo sẽ rất khó.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng yêu cầu, Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cần nhanh chóng tổ chức đoàn sang tìm hiểu, cũng như xúc tiến thương mại tại thị trường Philippines để đẩy nhanh XK gạo sang thị trường này.