Tăng trưởng chậm lại do El Nino
Trong báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 4/2016 được công bố hôm 7/4, HSBC nhận định, hoạt động của các nhóm ngành chính sụt giảm do tác động của El Nino đã khiến tăng trưởng của Việt Nam trong quý I/2016 giảm xuống mức 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu cho sự sụt giảm này là do sản lượng các ngành chính suy giảm 1,1%. Đây cũng là mức tăng trưởng thấp nhất ghi nhận được trong những năm gần đây, và phản ánh tác động của El Nino liên quan đến gián đoạn nguồn cung.
Nhận định những yếu tố kìm hãm tăng trưởng trong quý I vừa rồi có thể vẫn duy trì thêm một thời gian nữa, HSBC đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam từ mức 6,7% xuống còn 6,3% so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia của HSBC cũng cho rằng tăng trưởng trong ngành bất động sản và dịch vụ tài chính cũng không có dấu hiệu cải thiện đáng kể, đặc biệt hoạt động xây dựng đi xuống phần nào phản ánh xu hướng suy giảm trong đầu tư công, cho thấy những hạn chế trong ngân sách của Chính phủ. Cùng với đó, các biện pháp thắt chặt hành chính sẽ hạn chế tăng trưởng tín dụng quá mức và dẫn đến hiện tượng đầu tư dè dặt như năm 2015.
Trên cơ sở đó, HSBC đã hạ dự báo nhu cầu nội địa trong thời gian tới và giảm mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2017 từ 6,8% trước đây xuống còn 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng ANZ trong Báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô quý II công bố cùng ngày, cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Việt Nam từ mức 6,9% đã dự báo trước đó xuống mức 6,7%. Tăng trưởng GDP quý I thấp hơn dự báo và một số rủi ro trong nước – đặc biệt từ lĩnh vực nông nghiệp là lý do ANZ hạ dự báo tăng trưởng năm nay của Việt Nam.
Cảnh báo rủi ro tăng trưởng có thể thấp hơn trong năm 2017 cũng được ANZ đưa ra. Tuy nhiên, con số dự báo tăng trưởng 6,5% cho năm 2017 vẫn được giữ nguyên. Do tác động của El Nino, những dấu hiệu cho thấy xuất khẩu ngành nông nghiệp sẽ không thuận lợi. Đồng thời, dù nhận định những thay đổi về bộ máy lãnh đạo sẽ không có tác động lớn đến chính sách kinh tế và tăng trưởng nhưng ANZ cho rằng, Nội các Chính phủ mới sẽ phải đối mặt với “một trận chiến khó khăn” trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% đặt ra.
Chưa hẳn đã xấu
Dù đánh giá mức tăng trưởng có chậm lại nhưng trong các dự báo mới nhất của mình, HSBC vẫn xếp Việt Nam vào nhóm những nước có tốc độ phát triển cao nhất trong khu vực. Theo HSBC, nhu cầu trong nước tuy chậm lại như năm 2015 nhưng vẫn mạnh mẽ và xuất khẩu của Việt Nam vẫn được kỳ vọng tiếp tục chiếm lĩnh thị phần toàn cầu, đảm bảo mức tăng trưởng trung hạn vững chắc.
Ngân hàng này cho rằng, tăng trưởng kinh tế thấp chưa chắc đã là điều xấu. Điểm tích cực ở đây là chính sự tăng trưởng chậm trong thời điểm hiện tại lại chứng tỏ sự bền vững hơn và tạo điều kiện cho Việt Nam tái xây dựng bệ đỡ cho kinh tế vĩ mô bởi trong tăng trưởng có triển vọng của Việt Nam thời gian qua đang dần chệch hướng do lạm phát cao và mức thặng dư không ổn định khi Chính phủ tập trung nhiều vào tăng trưởng hơn là ổn định kinh tế vĩ mô.
Cũng theo HSBC, triển vọng tăng trưởng yếu hơn cùng với quỹ đạo giá cả hàng hóa toàn cầu ổn định đồng nghĩa với việc lạm phát có thể sẽ duy trì ở mức thấp trong năm 2016. Tổ chức này hạ dự báo CPI toàn phần của Việt Nam năm 2016 từ 2,9% xuống 1,6%, đồng thời dời thời điểm kỳ vọng của đợt tăng lãi suất đầu tiên xuống 12 tháng, nghĩa là vào quý III/2017.
Mặc dù không loại trừ khả năng lãi suất có thể bị cắt giảm trong những tháng kế tiếp do lạm phát thấp, HSBC cho rằng, cơ hội nới lỏng tiền tệ khá hạn chế bởi vì áp lực đối với tài khoản cán cân thanh toán vãng lai và nguy cơ lạm phát cao hơn vào năm 2017. Cùng với đó, dự báo lạm phát toàn phần sẽ tăng lên mức 4% vào cuối nửa đầu năm 2017 và đạt mục tiêu 5% của Chính phủ vào cuối năm 2017.
“Chính sách tiếp cận thận trọng sẽ được đền đáp xứng đáng do chính sách này đảm bảo quá trình khôi phục nền kinh tế bền vững hơn và tạo điều kiện cho các cấp chính quyền thực hiện cải cách sâu rộng hơn vốn rất cần thiết để xây dựng một nền tảng vững chắc cho quá trình tăng trưởng dài hạn của Việt Nam…”- Báo cáo kết luận.
Theo đánh giá của HSBC, tỷ lệ nợ xấu trên toàn hệ thống đã được cải thiện, từ xấp xỉ 5% trong tháng 9/2012 xuống 2,5% trong tháng 12/2015. Nhưng điều này chủ yếu đạt được nhờ chuyển các khoản cho vay từ các ngân hàng sang Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC).
Từ khi ra đời vào năm 2013 cho đến cuối năm 2015, VAMC đã thu mua 11 tỷ USD nợ xấu. Nhưng vào cuối năm ngoái, VAMC chỉ thu hồi được 9% nợ xấu mà đơn vị này đang nắm giữ. HSBC cho rằng quá trình xử lý nợ xấu của Việt Nam hiện tốn nhiều thời gian, khiến các ngân hàng vẫn phải đối mặt với rủi ro tín dụng và trở nên thận trọng với các khoản cho vay mới.