Tăng trưởng của Việt Nam năm 2016: Vì sao WB hạ dự báo còn 6%?

(PLO) - Thời tiết bất lợi và xu hướng tăng chậm lại của hoạt động sản xuất công nghiệp là các lý do khiến Ngân hàng Thế giới (WB) giảm dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2016 xuống còn 6%, thấp hơn so với mức 6,2% được đưa ra trước đó.
Tốc độ tăng trưởng năm nay có thể chậm lại, nhưng viễn cảnh kinh tế trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực
Tốc độ tăng trưởng năm nay có thể chậm lại, nhưng viễn cảnh kinh tế trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực

Thông tin trên được đưa ra tại buổi công bố Báo cáo Điểm lại tình hình kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2016 do WB tổ chức chiều qua (19/7).

Sáu tháng đầu năm tăng trưởng chậm

Ông Sebastian Eckardt - chuyên gia kinh tế của WB - nhận định trong nửa đầu năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chậm hơn so với mức tăng trưởng mạnh của năm 2015 và chỉ đạt khoảng 5% so với mức 6,3% của cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này, theo WB, là do hạn hán và nhiễm mặn đã tác động lớn đến sản lượng nông nghiệp của Việt Nam. Bên cạnh đó, tăng trưởng trong các ngành sản xuất, chế biến của Việt Nam giảm nhẹ do môi trường toàn cầu, nhu cầu thế giới chưa khởi sắc cũng kéo đà tăng trưởng của nền kinh tế giảm xuống.

Nợ công Việt Nam tiến gần mức trần 65% GDP

Theo ông Sebastian Eckardt - chuyên gia kinh tế của WB, việc cân đối tài khóa của Việt Nam vẫn tiếp tục mất cân đối. Thâm hụt ngân sách vào thời điểm cuối năm 2015 ước tính lên đến gần 6,5% GDP. Nợ công của Việt Nam đã chiếm khoảng 62,2% GDP và đang nhanh chóng tiến gần tới mức trần 65% GDP. Theo WB, kết quả về thu - chi ngân sách 6 tháng đầu năm cho thấy áp lực ngân sách sẽ còn tiếp diễn. “Mỗi lần chúng tôi ra báo cáo điểm lại từ năm ngoái thì bội chi ngân sách lần nào cũng được nêu lên” – ông này nói.

Theo ông Eckardt, những yếu tố này được bù đắp bởi hiệu quả tăng trưởng trong bán lẻ, nhu cầu trong nước tương đối ổn định và ngành xây dựng được hỗ trợ bởi tín dụng. Kinh tế vĩ mô được duy trì, áp lực về giá giảm dù trong vài tháng qua giá cả có tăng lên, đặc biệt là giá thực phẩm, do sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. WB dự báo, lạm phát của Việt Nam trong năm nay sẽ thấp hơn mức 5% đặt ra.

“Chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt khoảng 6%. Tuy tốc độ tăng trưởng ước tính sẽ chậm lại trong năm nay, nhưng viễn cảnh kinh tế trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực” - ông Achim Fock, Quyền Giám đốc WB tại Việt Nam nhận định.

Báo cáo của WB cũng nêu quan ngại về tác động của hạn hán không chỉ tới tăng trưởng nông nghiệp mà còn với người nghèo do cú sốc giảm thu nhập từ nông nghiệp trong bối cảnh cơ cấu lao động của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp còn cao. Cụ thể, theo WB, 2 triệu hộ gia đình nghèo và cận nghèo của nước ta có thể bị tác động bởi hạn hán và nhiễm mặn.

Vẫn mất cân đối tài khóa

Báo cáo của WB cũng lưu ý việc tăng trưởng tín dụng của Việt Nam trong thời gian qua vẫn giữ ở mức cao, khoảng 18%, tức gần gấp 3 lần so với tăng trưởng GDP theo danh nghĩa, gây quan ngại do nền kinh tế đi vay nhiều và việc có thể xảy ra tình trạng đầu cơ. WB cảnh báo Việt Nam cân nhắc mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh tài chính toàn cầu biến động để việc đạt được chỉ tiêu này không ảnh hưởng tăng trưởng chung.

Về kinh tế vĩ mô, ông Eckardt nhấn mạnh việc cân đối tài khóa của Việt Nam vẫn tiếp tục mất cân đối. Thâm hụt ngân sách vào thời điểm cuối năm 2015 ước tính lên đến gần 6,5% GDP. Nợ công của Việt Nam đã chiếm khoảng 62,2% GDP và đang nhanh chóng tiến gần tới mức trần 65% GDP. Theo WB, kết quả về thu - chi ngân sách 6 tháng đầu năm cho thấy áp lực ngân sách sẽ còn tiếp diễn. “Mỗi lần chúng tôi ra báo cáo điểm lại từ năm ngoái thì bội chi ngân sách lần nào cũng được nêu lên” – ông này nói. 

Theo nhận định của WB, năm nay là năm khó khăn đối với Việt Nam vì áp lực chi tiếp tục mạnh trong khi giá cả tăng lên. Khu vực ngân hàng đang có nhiều nợ xấu chưa được giải quyết cũng là một áp lực lớn. “Chính phủ đã cam kết đảm bảo duy trì bền vững nợ công và tái tạo khoảng đệm tài khóa. Vấn đề bây giờ là phải thực hiện cam kết đó bằng hành động cụ thể nhằm cân đối ngân sách trong trung hạn. Các nỗ lực giảm nhẹ mất cân đối tài khóa cần được phối hợp với cải cách nhằm tạo khoảng đệm tài khóa để đảm bảo thực hiện một số hạng mục đầu tư phát triển hạ tầng và dịch vụ công” - ông Eckardt khuyến cáo.

Các chuyên gia kinh tế của WB cũng nhận định sự kiện Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là Brexit, sẽ không tác động nhiều đến nền kinh tế Việt Nam . “Một số biến động đang tăng lên, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam ở các vấn đề như tỉ giá, chứng khoán, giá cả thương phẩm giảm nhưng cơ cấu về dòng tiền tài chính thì nền kinh tế Việt Nam không có nhiều nguy cơ” – ông Eckardt nhận định.

WB khuyến cáo gì sau sự cố môi trường ở Hà Tĩnh?

Khi được đề nghị đưa ra khuyến cáo đối với Việt Nam sau sự cố môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến 4 tỉnh miền Trung thời gian qua, ông Eckardt cho rằng việc giảm thiểu những sự cố về môi trường là điều rất quan trọng. “Việt Nam hiện nay đang mở rộng rất nhiều khu vực công nghệ chế tạo. Do vậy, Việt Nam cần có những chuẩn mực tốt và giám sát tốt về môi trường. Đây là điều rất quan trọng để giúp chúng ta có thể tránh được những thảm hoạ như sự cố về môi trường vừa qua để sau này không tái diễn những thảm hoạ trong tương lai. Đây cũng là một cam kết trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như những chương trình nghị sự tiếp theo mà Việt Nam cần phải thực hiện” – ông nói.

Đọc thêm