Tăng trưởng GDP năm 2022 khoảng 8%

(PLVN) -  Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng hạng tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay.
Toàn cảnh phiên họp
Toàn cảnh phiên họp

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 16, ngày 11/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 (tỷ lệ phần trăm phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương giai đoạn 2023-2025); kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2023.

Tăng trưởng GDP ước khoảng 8%

Trình bày báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, vượt khỏi khả năng dự báo của các nước và tổ chức quốc tế.

Trong nước, thực hiện Chương trình tiêm chủng và áp dụng các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; cùng các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đời sống người dân và các hoạt động sản xuất, kinh doanh dần trở lại trạng thái bình thường; KT-XH cả nước phục hồi tích cực.

GDP 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 – 2022, nhất là Quý III tăng 13,67%. Đà phục hồi tăng trưởng được ghi nhận ở cả ba khu vực của nền kinh tế; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng với tốc độ tăng 10,69%.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, CPI 9 tháng tăng 2,73%; lạm phát cơ bản tăng 1,88%. Các cân đối lớn được bảo đảm; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, đồng Việt Nam được đánh giá là một trong những đồng tiền ổn định nhất trong khu vực. Các lĩnh vực của đời sống xã hội tiếp tục phát triển toàn diện hơn.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được đẩy mạnh; công tác thi hành án dân sự, nhất là xử lý các vụ việc phức tạp, kéo dài, xử lý thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế tiếp tục được quan tâm, tập trung chỉ đạo quyết liệt; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, cục diện đối ngoại được giữ thuận lợi.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo.

Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và là một trong 4 quốc gia trên thế giới được Moody’s nâng hạng tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Ước thực hiện cả năm 2022 có 14/15 chỉ tiêu về phát triển KT-XH đạt và vượt mục tiêu, trong đó tăng trưởng GDP ước khoảng 8%; CPI khoảng 4%.

Theo dõi sát tình hình, chủ động có giải pháp phù hợp

Tại phiên họp, UBTVQH cơ bản đồng tình và đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023.

Các ý kiến nhấn mạnh, năm 2022 vượt qua khó khăn, thách thức, KT-XH Việt Nam phục hồi và phát triển mạnh mẽ, GDP 9 tháng đầu năm tăng 8,83%, dự kiến cả năm khoảng 8%, được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng, 14/15 chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch. Phục hồi kinh tế diễn ra đồng đều giữa các địa phương, 44/63 tỉnh, thành có GRDP tăng trên 6%.

Bên cạnh kết quả đạt được, UBTVQH cũng chỉ ra một số hạn chế, bất cập. Điển hình là, tồn tại cố hữu trong nội tại của nền kinh tế chậm được cải thiện như quy mô nền kinh tế nhỏ, năng lực tính tự chủ, khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa cao. Thu nhập của người dân ở mức trung bình thấp.

Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ có hiệu quả như công tác lập, triển khai quy hoạch chậm, thiếu hụt lao động cục bộ, chuyển dịch lao động từ khu vực công sang khu vực khác. Nguy cơ thiếu nhân lực tại các cơ sở y tế công lập do tình trạng xin thôi việc, nghỉ việc; vướng mắc trong mua sắm công, thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế chưa được xử lý dứt điểm.

Việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư xã hội và hỗ trợ nền kinh tế chưa đáp ứng được yêu cầu. Quy hoạch Điện VIII chậm phê duyệt. Cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xử lý các dự án thua lỗ ngân hàng yếu kém còn chậm. Việc triển khai chương trình phục hồi và phát triển KT-XH cũng còn hạn chế.

Năm 2023, dự báo khó khăn, thách thức rất lớn; tình hình kinh tế, chính trị thế giới có biến động nhanh, phức tạp, bất định. UBTVQH đề nghị Chính phủ theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, phản ứng chính sách của các nền kinh tế lớn, các đối tượng thương mại đầu tư chính, tình hình giá cả lạm phát để chủ động có giải pháp phù hợp.

Xây dựng kịch bản để ứng phó với nguy cơ đình trệ về lạm phát của kinh tế thế giới, đảm bảo ổn định trong các điều kiện bất định. Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, chủ động để ứng phó với tình hình thế giới.

Kiểm soát chặt chẽ lạm phát, lưu ý rủi ro lạm phát đến từ phía cầu do nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ và đến cả từ phía cung do đứt gãy nguồn cung, giá năng lượng cao, có giải pháp ổn định giá cả hàng hóa, đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện và xăng dầu…

UBTVQH đề nghị Chính phủ đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết; chú trọng kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, phân cấp, phân quyền ủy quyền, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, nghiên cứu kỷ cương, kỷ luật và tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính.

Triển khai hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, đánh giá lại một số chính sách cho phù hợp với tình hình mới, tháo gỡ các vướng mắc trong đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nâng cao năng lực hệ thống y tế, tăng cường khả năng điều trị bệnh…

Về thực hiện NSNN năm 2022; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023; thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; dự kiến kế hoạch năm 2023; kế hoạch tài chính NSNN ba năm 2023-2025, UBTVQH đề nghị Chính phủ lưu ý điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt, hiệu quả trong điều kiện mở rộng chính sách tài khóa để hỗ trợ chương trình phục hồi.

Lưu ý phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, sắp xếp nhiệm vụ, giải pháp theo thứ tự ưu tiên để cân đối các nguồn lực. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, thúc đẩy giải ngân đầu tư công, đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án, công trình, dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia bố trí đủ vốn để thu hồi vốn tạm ứng, vốn thanh toán nợ xây dựng cơ bản.

UBTVQH đồng ý trình QH thảo luận, xem xét, quyết định việc chưa thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW thực hiện tăng lương cơ sở, phụ cấp ưu đãi nghề, lĩnh vực y tế, lương hưu cho đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, ưu đãi đối với người có công.

Đọc thêm