Theo AFP, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm tới sẽ đạt khoảng 3,7% nhưng tăng trưởng tại 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu hạ nhiệt. “Sự bất ổn và tác động tại Trung Quốc bắt đầu được chú ý. Một số nhà sản xuất ở Trung Quốc cho biết họ cảm thấy đang bước vào giai đoạn chững lại và họ đã bắt đầu bị tổn thương do chi phí xuất khẩu tăng cao và tình trạng dư thừa”, ông Todd Fagley - CEO của Công ty MedSource Labs – cho biết.
Sự phục hồi của Mỹ sẽ trở thành giai đoạn phục hồi dài nhất trong lịch sử nhưng mức tăng nhờ việc cắt giảm thuế trong năm ngoái ở nước này đang bắt đầu giảm dần. Lãi suất tăng và sự thiếu hụt lao động đang ảnh hưởng đến thị trường nhà ở ở nước này. Cùng với đó, cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và các nước cũng đe dọa làm suy yếu sự tăng trưởng, cản trở đầu tư và khiến lạm phát gia tăng.
“Động lực tăng trưởng nhiều khả năng đã đạt đỉnh trong quý 2. Tuy nhiên, Mỹ nhiều khả năng sẽ chứng kiến sự chững lại trong tăng trưởng ngắn hạn”, các nhà kinh tế của S&P Global Ratings nhận định. Cùng với đó, một số những vấn đề dự kiến cũng sẽ nổi lên tại Mỹ trong năm tới, như sự gia tăng những khoản vay của các công ty có nợ nhiều, gánh nặng nợ vay của các sinh viên và tác động của việc tăng lãi suất mua nhà.
Mối nguy hiểm trung tâm đối với triển vọng kinh tế toàn cầu là xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc do khả năng lan tỏa ra phần còn lại của thế giới. Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung có nguy cơ làm chệch hướng, đình trệ hoặc mất hàng trăm tỉ USD thương mại toàn cầu. Cùng với đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang đe dọa đánh thuế đối với các mặt hàng ô tô nhập khẩu. IMF cảnh báo rằng sự tiếp tục leo thang những đe dọa đánh thuế lẫn nhau có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu mất 0,8% điểm.
“Điều đó là rất quan trọng vì thương mại là động lực chính của tăng trưởng”, Giám đốc quản lý IMF Christine Lagarde cho hay. Theo IMF, tăng trưởng của Mỹ sẽ giảm từ 2,9% xuống còn 2,5% trong năm tới. Trong khi đó, tăng trưởng của Trung Quốc được dự báo sẽ giảm khoảng 0,5% còn tăng trưởng của Ấn Độ sẽ được giữ vững.
Mặc dù có nhiều quan chức và giới chức điều hành các công ty đồng tình với những phàn nàn của Chính phủ Mỹ về chính sách thương mại của Trung Quốc, trong đó đáng chú ý là chính sách buộc chuyển giao công nghệ, nhưng họ cũng lo ngại về chiến lược được đánh giá là mạnh mẽ của ông. Các doanh nghiệp, nông dân… hiện đã bắt đầu “ngấm” nỗi đau. “Các loại thuế đã tác động tiêu cực đến kinh tế”, ông Jake Colvin – Phó chủ tịch Hội đồng thương mại nước ngoài của Mỹ - nói.
Trong khi đó, châu Âu cũng sẽ phải đối mặt với những biến động kinh tế và chính trị. Theo dự báo, tăng trưởng của Anh – nước vốn vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau khủng hoảng tài chính – sẽ chỉ đạt khoảng 1,5%. Bóng ma Brexit cũng được dự báo sẽ có tác động tiêu cực tới tăng trưởng của nước này. IMF ước tính việc Anh ra khỏi EU có thể khiến sản lượng sản xuất của nước này giảm từ 5 đến 8% điểm trong dài hạn và có thể giảm tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế của nước này từ 2,5 đến 4%.
Còn nước Pháp trong bối cảnh những cuộc biểu tình rầm rộ đã buộc Tổng thống Emmanuel Macron phải rút lại nhiều dự định chính sách, ảnh hưởng đáng kể đến ngân sách có thể ảnh hưởng đến tăng trường kinh tế.