Tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng chậm, chưa bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Làm việc với Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, Nông nghiệp là một ngành thiết yếu, thước đo mức độ bền vững của nền kinh tế, và ngành sẽ tiến hành tổng kết, tham mưu xây dựng nghị quyết với cách tiếp cận mới…
Tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp hiện vẫn còn cao.
Tổn thất sau thu hoạch trong nông nghiệp hiện vẫn còn cao.

Thực hiện kế hoạch Tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW Hội nghị TW 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 1/12, Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW (Thường trực Ban Chỉ đạo) đã có buổi làm việc với Bộ NN&PTNT về tình hình thực hiện và công tác tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Trưởng ban Kinh tế TW Trần Tuấn Anh đã nhấn mạnh: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những vấn đề lớn, có tính chiến lược và là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước…

Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nông nghiệp, nông thôn nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn, bao trùm, toàn diện, nhiều mặt, phát triển ngang bằng và vượt các nước trong khu vực ASEAN.

Biểu dương những thành tựu to lớn mà ngành Nông nghiệp đã đạt được, Trưởng ban Kinh tế TW Trần Tuấn Anh cũng chỉ ra, khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế.

Đó là tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng chậm lại, chưa bền vững; nhiều vật tư đầu vào sản xuất phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu. Công nghiệp chế biến phát triển chậm, tổn thất sau thu hoạch còn cao, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị còn hạn chế, thị trường chưa vững chắc.

Việc xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hoá; công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Nhiều địa phương có xu hướng tập trung phát triển thiên về công nghiệp để tăng thu ngân sách, chưa chú trọng đúng mức phát triển nông nghiệp, kể cả những vùng có lợi thế về nông nghiệp.

Kết quả xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương chưa thực sự bền vững, nhất là về sinh kế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Thu nhập ở nông thôn còn thấp, chênh lệnh vùng miền, giữa nông thôn và đô thị còn cao. Môi trường nông thôn còn ô nhiễm, nhất là những khu vực địa phương có tốc độ đô thị hoá, công nghiệp hoá nhanh;…

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định, nông nghiệp là một ngành thiết yếu, là thước đo mức độ bền vững của nền kinh tế.

“Vì vậy, trên cơ sở tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW, trong bối cảnh thế giới đang phát triển theo hướng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số, Việt Nam phải thực hiện các cam kết trong hội nhập về thương mại, môi trường...; sự chuyển dịch lao động về khu vực nông thôn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, ngành Nông nghiệp tiến hành tổng kết, tham mưu xây dựng nghị quyết với cách tiếp cận mới, phù hợp với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050…”, ông Hoan nói.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến nhất trí cần cụ thể hóa, làm rõ, phát triển các nội hàm phù hợp trong bối cảnh mới được nêu trong các văn kiện Đại hội XIII về quan điểm, chủ trương: Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; chuyển đổi số, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ làm đột phá để phát triển nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; các nội dung mới trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; những nhiệm vụ từng bước thu hẹp khoảng cách thu nhập và về hưởng thụ dịch vụ, văn hoá, giáo dục, xã hội giữa thành thị và nông thôn…

Đọc thêm