Chuyển đổi chưa đồng bộ
Tại Hội thảo “Chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng đánh giá, thời gian qua, nhiều cơ quan, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), trang trại, hộ gia đình… đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất, kinh doanh; phân tích dữ liệu về đất đai, thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên, thời tiết, truy suất nguồn gốc, nhu cầu thị trường…
Ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), block chain, công nghệ sinh học, di truyền, phân tích hệ gene, nuôi cấy mô, quản lý giống vật nuôi; phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng, suy thoái rừng; ứng dụng công nghệ dò cá sử dụng sóng siêu âm, công nghệ GIS, GPS…
“Chuyển đổi số giúp nông dân, trang trại, HTX, DN nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu để khắc phục điểm yếu cố hữu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu liên kết” - ông Hưng đánh giá.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa đồng bộ, chưa hình thành những yếu tố cơ bản của nông nghiệp số, nông thôn số.
Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương |
Tại Hội nghị Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn tháng 6 vừa qua do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, nhiều chuyên gia cho rằng, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam hiện nay vẫn chưa có nền tảng số, chuỗi kết nối số, chưa có cách tiếp cận mới và toàn diện theo yêu cầu của chuyển đổi số, thiếu cơ sở dữ liệu lớn cho sản xuất, thiếu kết nối chia sẻ đồng bộ thông tin của tất cả các khâu sản xuất, quản lý, logictics, thương mại nông sản; chưa tạo ra cơ hội cho nông sản vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn kết nối trực tiếp với hệ thống thương mại toàn cầu và chia sẻ dữ liệu cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nông nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ước tính đến hết năm 2021, cả nước có 19.000 HTX nông nghiệp và 79 Liên hiệp HTX nông nghiệp. Tuy nhiên, mới có trên 2.200 HTX ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất (chiếm 12%).
Không thể thiếu vai trò của Nhà nước
Chia sẻ về thành công trong công nghiệp, nông nghiệp của Israel, đất nước hầu như không có bất cứ điều kiện tự nhiên thuận lợi nào để phát triển nông nghiệp, Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar cho biết, Israel xây dựng ngành công nghệ nông nghiệp được trên cơ sở phát huy mối liên hệ tương hỗ giữa người nông dân - nhà nghiên cứu và ngành nông nghiệp, gồm DN, nhà đầu tư. 50% nguồn vốn đầu tư vào công nghệ nông nghiệp của Israel là từ bên ngoài, từ các quỹ đầu tư.
“Vai trò của Chính phủ rất lớn trong chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư vào ngành công nghệ phục vụ nông nghiệp, đặc biệt là các quỹ đầu tư mạo hiểm. Đừng coi ngành Nông nghiệp là một ngành truyền thống như trước”, ông Nadav Eshcar đưa ra lời khuyên.
Ông Nadav Eshcar - Đại sứ Israel tại Việt Nam |
Theo Đại sứ Israel tại Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) có dư địa lớn để ứng dụng công nghệ nông nghiệp vào nuôi trồng thủy sản, chẳng hạn như ứng dụng các giải pháp để kiểm soát bệnh tật, đảm bảo môi trường sống thuận lợi nhất cho thủy sản... Đồng thời, điều quan trọng là con đường từ trang trại đến bàn ăn được kiểm soát chất lượng, người nông dân không cần phải lo quá nhiều. Nhưng khi thu hút đầu tư vào ĐBSCL, phải đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu, ngập mặn... để có quyết sách phù hợp.
Là DN đang triển khai máy bay không người lái vào sản xuất nông nghiệp, ông Nguyễn Đức Trường - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Thành - chia sẻ: “Chuyển đổi số ngành Nông nghệp đang là xu thế toàn cầu. Đây là cơ hội để Việt Nam khắc phục những tồn tại như mô hình sản xuất nhỏ lẻ, năng suất thấp, giá thành sản phẩm cao, thiếu liên kết... Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công không thể thiếu vai trò của Nhà nước trong việc ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp…”.